13/04/2018 11:57 GMT+7

Vô ở chung cư là phải biết sống trong đô thị chật hẹp?

TIẾN LONG ghi
TIẾN LONG ghi

TTO - "Nguyên nhân xuất hiện những hành vi xấu, lối hành xử thiếu ý thức, kém chuyên nghiệp của một bộ phận người dân sống trong các chung cư hiện nay là do tính chất của một đô thị".

Vô ở chung cư là phải biết sống trong đô thị chật hẹp? - Ảnh 1.

Cư dân góp ý hoàn chỉnh và thống nhất nội quy của chung cư trước khi bầu ban quản trị tòa nhà tại một chung cư ở Q.4, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ngay sau khi mời gọi bạn đọc hiến kế, diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư đã nhận được rất nhiều chia sẻ từ rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, bạn đọc. Dưới đây là ý kiến của PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển.

Việc thiếu những kỹ năng sống của một thị dân đã dẫn đến việc cư dân sống ở các chung cư có những hành vi, lối sống không phù hợp với cộng đồng.

Thiếu kỹ năng của một thị dân

Thực tế nguyên nhân xuất hiện những hành vi xấu, lối hành xử thiếu ý thức, kém chuyên nghiệp của một bộ phận người dân sống trong các chung cư hiện nay là do tính chất của một đô thị. Bởi đô thị là nơi tập hợp những người có lối sống, trình độ học vấn, tính cách và góc nhìn khác nhau trong một không gian chật hẹp. 

Ở đó có người sống có ý thức, tôn trọng cộng đồng, nhưng cũng có không ít người sống ích kỷ, chỉ biết đến gia đình mình. Chính sự không đồng điệu về lối sống đó đã dẫn đến việc một số cư dân vô tư thể hiện những hành vi xấu xí. Tình trạng kéo dài dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong cộng đồng dân cư.

Thu hẹp lại trong câu chuyện chung cư, hiện nay nhiều người dù sống trong các chung cư ở thành phố lớn nhưng chưa có đủ kỹ năng của một thị dân đô thị. Họ không có lối sống thích hợp trong một đô thị đông đúc mà không gian sống thì quá hẹp. Nhất là trong bối cảnh người Việt thường xuất phát từ cuộc sống nông thôn với không gian xung quanh rộng rãi, không chật hẹp như đô thị. 

Có những việc làm, thói quen tưởng chừng bình thường ở nông thôn, nhưng khi "đưa lên" cuộc sống chung cư lại có thể đụng chạm đến những người xung quanh.

Từng sống ở chung cư một số nước phương Tây, tôi nhận ra ở đó trong mỗi một chung cư có đầy đủ nội quy chi tiết về nghĩa vụ và trách nhiệm của cư dân. 

Khi bước chân vào ở chung cư, cư dân biết rằng họ sẽ bị ràng buộc bởi những quy tắc ứng xử chung của cộng đồng chung cư đó. Bởi vậy ít khi thấy cư dân vi phạm, hoặc có những lối ứng xử xấu xảy ra trong chung cư. Chuyện phơi áo quần, nuôi chó mèo, hút thuốc, mở nhạc... đều đi vào quy củ. Trong khi những vấn đề này lại rất nổi cộm, xảy ra rất nhiều ở chung cư Việt Nam.

Vô ở chung cư là phải biết sống trong đô thị chật hẹp? - Ảnh 2.

TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Ảnh: Tự Trung

Tạo những kỹ năng của thị dân

Vậy sống trong đô thị nói chung, chung cư nói riêng cần những kỹ năng của một thị dân. Trước hết, phải hiểu rằng thị dân là người sống, làm việc trong đô thị và đã thích nghi với cuộc sống của đô thị. 

Người dân đó đã trải qua một quá trình va chạm cuộc sống và trở thành một người hoàn toàn có thể thích nghi với hoàn cảnh mới. Bởi vậy có những người dù đang sống ở đô thị nhưng chưa hẳn đã là thị dân.

Trong những kỹ năng của thị dân, kỹ năng quan trọng nhất là sống mềm dẻo, thích nghi với hoàn cảnh mới. Đô thị là nơi tiếp nhận nhiều cái mới, nếu không thích nghi sẽ bị lạc hậu ngay. Nói cách khác, khi dọn vào sống trong một chung cư, cư dân phải tập thích nghi với nhiều cái chung như chuyện chung tường, chung hành lang, chung cầu thang... 

Trong không gian cộng đồng chật hẹp đó không chỉ có một gia đình, mà ngược lại có rất nhiều gia đình sinh sống. Những hành xử, lối sống, thói quen sinh hoạt phải được điều chỉnh phù hợp để không gây ảnh hưởng cuộc sống những người xung quanh.

Kỹ năng thứ hai là sự bao dung. Một cư dân không chỉ chấp nhận cái mới, mà còn bao dung cho cái chưa được hoàn chỉnh. Trong cuộc sống cộng đồng có thể có những mâu thuẫn rất căng thẳng giữa những người hàng xóm, nhưng nếu giữa những cư dân có sự bao dung thì có thể làm cho mâu thuẫn giảm nhẹ, cách giải quyết mâu thuẫn cũng mềm mỏng hơn. Ở đó, giữa những con người đối xử với nhau nghĩa tình, rộng lượng hơn.

Kỹ năng thứ ba là tính công nghiệp. Tính công nghiệp là tinh thần kỷ luật cao, chính xác, đúng giờ, tuân thủ theo pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Tính công nghiệp - hiện đại còn thể hiện ở tác phong văn minh công nghiệp. 

Trong đời sống sinh hoạt cá nhân là sự tổ chức theo kế hoạch, thời khóa biểu để thích hợp với sự vận hành chung của xã hội đô thị. Nếu có được tác phong này, ắt hẳn cư dân trong chung cư sẽ thấy không gian sống của mình bớt chật hẹp đi.

Cuối cùng, cư dân cần có một trình độ học vấn khả dĩ có thể tiếp xúc với khoa học - công nghệ. Dường như trong mỗi gia đình đều sử dụng máy tính, điện thoại thông minh... 

Đây là những công cụ quan trọng giúp cư dân có thể tiếp cận, học hỏi được những kỹ năng giúp điều tiết từng mối quan hệ trong cuộc sống. Ví dụ một người có thói quen ăn to nói lớn nhưng qua tìm hiểu, đọc thông tin biết rằng thói quen đó sẽ ảnh hưởng đến hàng xóm, thiếu lịch sự để có những điều chỉnh phù hợp hơn.

Phải phối hợp nhiều biện pháp

Muốn trang bị những kỹ năng của thị dân không đơn giản chỉ là việc di chuyển từ sống nông thôn vào đô thị. Phải có thời gian dài, có nhiều va chạm mới trở thành một lối sống của thị dân đô thị. Về lâu dài, cần có những biện pháp giáo dục ở nhà trường, cộng đồng chung cư và mỗi gia đình.

Trong trường học có thể tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề cho học sinh về cách sống đô thị, lối sống trong chung cư... Hoặc tại cộng đồng dân cư cũng có thể tổ chức những buổi nói chuyện, giao lưu giữa các cư dân nói về cách hành xử văn minh trong chung cư. Những người trong cuộc sẽ có nhiều câu chuyện, giải pháp hay chia sẻ cho cả cộng đồng.

Mặt khác, mỗi chung cư cũng phải có những nội quy chặt chẽ về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cư dân. Nội quy này được cộng đồng cư dân thông qua như "hương ước" chung. Nếu ai vi phạm sẽ có biện pháp chế tài hành chính.

Quan trọng hơn là tạo được hành lang cam kết để mọi công dân trong chung cư cảm nhận được có sự bình an trong nơi chốn của họ.

Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chính thức mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.

Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc.

Ý kiến gửi về email: maicong@tuoitre.com.vn (từ nay đến hết ngày 31-5).

TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên