Trước đó, UBND TP.HCM ban hành quyết định mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án BOT xây dựng đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (do Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên làm chủ đầu tư) khiến nhiều doanh nghiệp vận tỏ lo lắng phát sinh chi phí.
Chi phí phát sinh nhiều
Cụ thể mức thu là: 17.000 đồng/lượt/xe dưới 12 ghế ngồi, xe buýt; 25.000 đồng/lượt/xe từ 12 ghế đến 30 ghế ngồi; 66.000 đồng/lượt/container 20 feet và 133.000 đồng/lượt/container 40 feet.
Trong đơn kiến nghị Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM và Công ty Xi măng Hà Tiên..., Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương cho rằng việc thu phí tại BOT Phú Hữu trên đường Nguyễn Thị Tư vào thời điểm này là áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Công ty này dẫn chứng để đưa một container hàng từ TP.HCM xuất khẩu ra thị trường nước ngoài (và ngược lại) thì doanh nghiệp chịu rất nhiều khoản phí, như lệ phí cầu đường ở các BOT hiện hữu, phí xuất nhập khẩu qua cảng, thuế xuất nhập khẩu...
Như vậy, bây giờ doanh nghiệp gánh thêm phí ở BOT Phú Hữu khi đưa hàng vào xuất nhập qua các cảng khu vực Phú Hữu. Đây là đường độc đạo nên xe vào ra bắt buộc đều phải đi 2 lượt (ra và vào). Chi phí phải trả thêm là 132.000 đồng/2 lượt/container 20 feet và 266.000 đồng/2 lượt/container 40 feet. Doanh nghiệp gần như không còn lợi nhuận sau khi trừ đi những loại chi phí kể trên.
Tương tự, các doanh nghiệp vận tải khác như Công ty Thắng Lợi, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế cũng lo "phí chồng phí". Trong khi tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 từ Việt Nam đi các nước giảm sút rất nghiêm trọng, chưa rõ ràng sự khởi sắc.
"Nếu so sánh với các trạm BOT hiện hữu, chiều dài 2,6km đường Nguyễn Thị Tư với mức thu phí cầu đường như vậy khá chênh lệch, doanh nghiệp phải luôn bù lỗ trên mỗi chuyến vận tải", các doanh nghiệp vận tải phân tích.
Mong được giảm trừ hoặc đổi phương án thu phí
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải chỉ ra với khoảng cách từ ngã ba đường Nguyễn Duy Trinh rẽ vào đường Nguyễn Thị Tư đến vị trí đặt trạm thu phí BOT chỉ khoảng 300m. Tuy nhiên mật độ xe container qua đoạn này lớn (nhất là sau các khung giờ cấm) thì khoảng cách này quá ngắn để các xe nối đuôi nhau qua 2 lần ra/vào.
Điều này gây nguy cơ kẹt xe, tắc nghẽn nghiêm trọng khu vực này, ảnh hưởng việc lưu thông, quay vòng xe và phát sinh thêm chi phí nhiên liệu do kẹt xe, xe phải xếp hàng...
Từ khó khăn này, các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu kiến nghị UBND TP.HCM xem xét miễn giảm hoặc giảm trừ chi phí thu qua trạm; thay đổi phương án hoặc có phương án bù đắp riêng cho chủ đầu tư dự án BOT này.
"Chúng tôi hiểu hợp đồng BOT giữa TP.HCM và đơn vị phát triển dự án đã ký kết và cần được tuân thủ. Dù vậy rất mong các đơn vị có thể nghiên cứu giải pháp hoặc tính toán dùng nguồn thu phí hạ tầng cảng biển để mua lại dự án này. Nhờ đó, các doanh nghiệp qua đây không nộp thêm phí, tạo điều kiện phục hồi vận tải và phát triển xuất nhập khẩu, logistics", đại diện Công ty CP Vận tải và Thương mại quốc tế kiến nghị.
BOT Phú Hữu dự kiến thu phí từ quý 3-2024
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu được ký kết hợp đồng BOT từ năm 2012. Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên bắt đầu thi công dự án với con đường rộng 30m, dài 2,6km, tổng mức đầu tư khoảng 461 tỉ đồng.
Đến nay dự án BOT này đã hoàn thành và dự kiến vận hành, thu phí từ quý 3-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận