06/05/2024 21:25 GMT+7

Để tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng, TP.HCM cần chi khoảng 6.000 tỉ

Hệ thống đèn chiếu sáng cao áp cần được thay thế bằng đèn chiếu sáng LED để tiết kiệm điện hiệu quả.

Để thực hiện giải pháp tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng hiệu quả nhất là thay thế toàn bộ các đèn cao áp hiện hữu thành các đèn chiếu sáng LED - Ảnh: CHÂU TUẤN

Để thực hiện giải pháp tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng hiệu quả nhất là thay thế toàn bộ các đèn cao áp hiện hữu thành các đèn chiếu sáng LED - Ảnh: CHÂU TUẤN

Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về các khó khăn, vướng mắc khi triển khai kế hoạch tiết kiệm điện tối thiểu 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cho các hoạt động chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời...

Theo đó, thời gian qua, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP đã triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm điện như điều chỉnh thời gian tắt - mở đèn hợp lý theo tình hình khí hậu, thời tiết thường xuyên. 

Sử dụng tính năng tiết giảm công suất đối với các bộ đèn HPS (sodium cao áp) có hai chế độ công suất hoạt động theo khung giờ cố định, điều chỉnh thời gian hoạt động đèn chiếu sáng ở một số nhánh đèn trên các tuyến đường.

Sở Xây dựng TP.HCM cho hay qua thực tế triển khai nhiều giải pháp, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP nhận thấy các giải pháp như điều chỉnh thời gian tắt - mở đèn hợp lý, hoạt động theo khung giờ cố định có tiết kiệm nhưng không mang lại hiệu quả cao. 

Để thực hiện được nhiệm vụ "tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023 - 2025", giải pháp hiệu quả nhất là thay thế toàn bộ các đèn cao áp hiện hữu thành các đèn chiếu sáng LED.

Tuy nhiên, theo hiện trạng của hệ thống chiếu sáng đô thị tại TP.HCM (không tính địa bàn TP Thủ Đức) hiện đang có 103.374 bộ đèn cao áp HPS và 1.461 bộ đèn cao áp MH (Metal Halide). 

Để thay thế toàn bộ số lượng đèn nói trên thành đèn chiếu sáng LED cần nguồn kinh phí (khái toán) khoảng 1.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, để thay đèn HPS thành đèn chiếu sáng LED cần triển khai đồng bộ trên các trụ chiếu sáng thép nhúng kẽm hoặc trụ bê tông riêng (không phải trụ của các đơn vị điện lực)... 

Nguồn kinh phí để triển khai khoảng 5.000 tỉ đồng.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác của nhóm công tác chung TP.HCM và Ngân hàng Thế giới (WB), có nội dung nghiên cứu về đầu tư nâng cấp đèn đường LED sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh thuộc dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM trong các lĩnh vực ưu tiên.

Việc chuyển đổi sang đèn LED thông minh nêu trên được kỳ vọng giúp hệ thống chiếu sáng của TP đạt được mức giảm tiêu thụ điện lên tới 50 - 60%... 

Bên cạnh đó, giúp giảm phát thải CO2 và tận dụng được nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon để hỗ trợ chi trả chi phí đầu tư ban đầu. Hiện nay, dự thảo đề xuất dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM trong các lĩnh vực ưu tiên đang được các sở ngành góp ý.

Tiết kiệm hàng trăm nghìn kWh điện nhờ giảm sử dụng vào giờ cao điểmTiết kiệm hàng trăm nghìn kWh điện nhờ giảm sử dụng vào giờ cao điểm

Để góp phần ứng phó với tình hình tiêu thụ điện tăng cao mùa hè năm 2024, nhiều khách hàng sử dụng điện khẳng định đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tiết kiệm điện, chia sẻ khó khăn, đồng hành với ngành điện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên