18/11/2023 13:45 GMT+7

Đẩy mạnh đưa sản vật miền núi, hải đảo lên sàn thương mại điện tử

Ngoài cách quảng bá truyền thống, việc ứng dụng thương mại điện tử đang góp phần đưa sản vật miền núi, hải đảo đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị liên quan những sản vật miền núi, hải đảo được trưng bày - Ảnh: T.THẮNG

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị liên quan những sản vật miền núi, hải đảo được trưng bày - Ảnh: T.THẮNG

Ngày 18-11, Bộ Công Thương phối hợp với Hải Phòng tổ chức hội nghị "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo", nhằm đánh giá tình hình thực tiễn và thảo luận các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản vật miền núi, hải đảo.

Đưa sản vật lên sàn thương mại điện tử

Bà Lê Việt Nga - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - đánh giá tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con vẫn còn hạn chế do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn.

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và chất lượng mẫu mã là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân vùng này.

Theo bà Nga, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

Cụ thể những sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

"Trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng" - bà Nga nhìn nhận.

Mở rộng thị trường cho sản vật vùng núi, hải đảo

Ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng - cho biết thành phố có hai huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vĩ, thời gian qua việc kết nối, thúc đẩy sản xuất - tiêu thụ sản phẩm được thành phố chú trọng và có nhiều khởi sắc những năm gần đây.

Thống kê trong năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, tại các huyện đảo trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt quy mô lớn, doanh thu mỗi phiên đạt khoảng 2,5 tỉ đồng.

Đặc biệt, thành phố đang tổ chức Tuần lễ "Hội chợ Công thương vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng" với trên 200 doanh nghiệp tham gia, đây là dịp để các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki,... có thể tìm hiểu, nắm bắt thông tin nhu cầu, tìm kiếm hợp đồng hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường.

Các đại biểu tại hội nghị cũng thống nhất quan điểm cần đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương phân phối tại các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu. Hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Đại diện các doanh nghiệp ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vùng núi, hải đảo - Ảnh: T.THẮNG

Đại diện các doanh nghiệp ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vùng núi, hải đảo - Ảnh: T.THẮNG

Một số giải pháp trọng tâm cần triển khai gồm hướng dẫn địa phương tổ chức các hoạt động kết hợp văn hóa, du lịch với thương mại để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn hai (từ năm 2021-2025) đã được Thủ tướng phê duyệt là chương trình đặc thù, nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.

Phạm vi áp dụng của chương trình bao gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường.

Nhiều thương hiệu tăng doanh số nhờ đẩy mạnh livestream trên sàn thương mại điện tửNhiều thương hiệu tăng doanh số nhờ đẩy mạnh livestream trên sàn thương mại điện tử

Các thương hiệu thời trang được giới trẻ ưa chuộng như Levents, Canifa, The Bad God… tăng từ 10 - 40 lần số lượng đơn hàng bán ra so với ngày thường nhờ vào các chương trình hỗ trợ nhà bán hàng của Shopee.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên