17/01/2024 13:22 GMT+7

Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên: Để thói quen đọc sách len lỏi vào mỗi nhà

Chuỗi hoạt động với chủ đề "Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên" đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khấp khởi hy vọng thói quen đọc sách sẽ len lỏi vào mỗi gia đình.

Góc đọc sách của con chị Duyên - Ảnh: M.D.

Góc đọc sách của con chị Duyên - Ảnh: M.D.

"Khoe với cả nhà góc sách được tạo ra từ những điều kỳ diệu". Đó là tiêu đề cho bài dự thi của bác sĩ Trần Thị Mỹ Duyên (Quảng Ngãi). Kèm theo đó là hình ảnh cậu con trai đang nằm trong "góc bí mật" đọc sách. 

Góc bí mật này được chị Duyên dựng lên với tường là bộ xốp ghép hình mua lúc con mới 1 tuổi, cộng thêm với đèn sạc, giỏ đựng sách và gối tự làm. 

"Tổng chi phí cho việc mình tạo ra góc sách này chưa đến 300.000 đồng. Con đi học về là thích mê, loay hoay trong đó mãi, rồi tự ôm sách đọc quên cả giờ xem tivi. 

Góc đọc sách chỉ nhỏ nhắn thế thôi nhưng nó góp phần thêu dệt nên giấc mơ, khát vọng và niềm tin mãnh liệt cho cả một đời người. Thật đáng để làm”, chị Duyên chia sẻ.

Thầy giáo Dương Quang Minh (Cần Thơ) - người đề xuất ý tưởng thực hiện chuỗi hoạt động "Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên" - cho biết chiến dịch không chỉ kêu gọi lan tỏa văn hóa đọc mà còn hướng dẫn các bậc cha mẹ cách thức đưa thói quen đọc sách len lỏi vào cuộc sống hằng ngày một cách tự nhiên, theo một lộ trình đã được áp dụng thực tiễn và hiệu quả ở nhiều gia đình.

Hoạt động đầu tiên qua cuộc thi "Góc sách nhà mình" đã được triển khai, kích thích nhiều cha mẹ hào hứng bắt tay vào thiết kế góc sách trong mỗi gia đình, nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành.

Để tâm đến góc đọc sách như để tâm trang trí phòng khách

Chia sẻ qua Tuổi Trẻ Online, bạn đọc An Nhiên bày tỏ: "Có bao nhiêu đứa trẻ ngoài kia đang mắt dán vô cái điện thoại suốt ngày. Nhất là với trẻ mầm non, nhiều khi ông bà, bố mẹ dùng điện thoại để con chịu ngồi yên cho mình làm việc, mà không hiểu được nó ảnh hưởng vô cùng.

Vùng não của trẻ sẽ không được phát triển về trí tưởng tượng. Vùng não thứ hai là đọc và nói bị chậm phát triển rất nhiều nếu chơi điện thoại. Và sau 6 tuổi, trẻ dễ bị ảnh hưởng về giao tiếp xã hội.

Cần lắm những chương trình đưa sách vào thực tiễn, giúp cha mẹ biết cách hành động và có những kỹ năng cơ bản nhất để góp phần bồi đắp tình yêu, trí tuệ cho con từ sách".

Từ kinh nghiệm gia đình, bạn đọc Trần Minh chia sẻ: "Đúng là trong nhà có góc sách thì con trẻ sẽ chịu đọc. 

Phòng ngủ con mình có cửa sổ, mình lấy đây làm góc sách cho con. Thế là con gái mình thích ngồi góc đó đọc sách và thành thói quen đến lớn.

Mong cho nhiều cha mẹ biết điều này, để tâm xây dựng góc sách trong nhà như để tâm trang trí phòng khách, nhà bếp... 

Mình thấy nhiều gia đình rất sẵn sàng đầu tư phòng karaoke, kệ rượu nhưng trong nhà lại thiếu góc sách. Bảo sao dân mình ít đọc sách".

Hưởng ứng chương trình, bạn đọc Hòa Ngô chia sẻ: "Chương trình ý nghĩa quá. Nhìn hình ảnh các bố mẹ đầu tư cho việc đọc sách của con làm mình cũng muốn bắt tay làm ngay những không gian đáng yêu như vậy cho con. 

Cứ bảo con đọc sách đi mà không tạo cảm hứng, nên việc đọc của con thời gian qua mãi chưa tiến bộ. Cảm ơn chương trình này cho mình thêm động lực nuôi dưỡng tình yêu đọc sách với con!".

Bạn đọc Phương Lê hy vọng chương trình sẽ được nhân rộng khắp cả nước, sẽ có thật nhiều gia đình đọc sách và kết nối cùng các con. Sẽ có thêm nhiều em bé hạnh phúc được ba mẹ đồng hành tuổi thơ cùng sách.

Hằng tháng, Ngọc Khuê - Ngân Khuê (Q.Gò Vấp) được ba mẹ đưa đến Đường sách TP.HCM để thỏa thích chọn đọc những cuốn sách mới - Ảnh: C.D.

Hằng tháng, Ngọc Khuê - Ngân Khuê (Q.Gò Vấp) được ba mẹ đưa đến Đường sách TP.HCM để thỏa thích chọn đọc những cuốn sách mới - Ảnh: C.D.

Cha mẹ phải dụng công dụng tâm đọc sách cùng con

Theo bạn đọc Tấn Hòa: "Cha mẹ cần dụng công, dụng tâm thì mới nuôi dưỡng, duy trì được thói quen đọc sách cho con. Không phải cha mẹ chỉ mua sách về và quăng cho con đọc, hoặc cứ thấy con cầm quyển sách là tín hiệu đáng mừng.

Cần coi sách là một món quà, cùng con khám phá. Cha mẹ cũng cần phải biết cách: tư thế ngồi để trẻ trong lòng, mở cuốn sách ra như thế nào, trò chuyện với con bằng sách ra sao. Mỗi gia đình đọc sách hiệu quả sẽ dần tạo nên nhiều gia đình đọc sách hiệu quả, một cộng đồng đọc nhiều lợi lạc".

Còn bạn đọc Lương Đình Khoa tâm tư: "Thực sự nhiều khi những người làm cha làm mẹ vin vào cớ bận rộn, không có thời gian dành cho con. Nhưng vấn đề ở đây không phải nhiều hay ít thời gian dành cho con, mà quan trọng đó có phải là thời gian chất lượng và thực sự vì con, dành trọn vẹn tình yêu thương cho con chưa?

Nếu thực sự vì con, trọn vẹn cho con thì dù là 20-30 phút, cũng sẽ hiệu quả và đáng trân quý không kém gì 2-3 tiếng.

Cha mẹ có chịu gỡ bỏ những cái tôi to cồng kềnh, những mong cầu, những áp đặt của mình lên con trẻ, để thực sự làm bạn cùng con hay không mới là vấn đề mấu chốt.

Cha mẹ không chỉ là người thầy, là cha mẹ, mà còn là bạn của con, để thu hút con, để con vô tư bày tỏ và kết nối, tương tác thực sự quan trọng. Trong mỗi gia đình cha mẹ đều đảm nhiệm ba vai trò: 

Cha mẹ để yêu thương và bao dung - Người thầy để chỉ bảo, dạy dỗ - Người bạn để thấu hiểu, đồng cảm, đồng hành. Làm được điều đó, chắc chắn sẽ như kiềng ba chân tạo nên sự trưởng thành của con trẻ trong hạnh phúc".

Và bạn đọc Quang đúc kết: "Cảm ơn chương trình giúp tạo động lực và truyền cảm hứng cho nhiều ba mẹ. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại mình đã dành quá nhiều thời gian cho điện thoại. Giờ là lúc cầm sách lên để đồng hành cùng con, để giúp con có nền tảng vững chắc bước vào tương lai!".

Cha mẹ rủ nhau cùng con ‘Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên’Cha mẹ rủ nhau cùng con ‘Đặt điện thoại xuống, cầm sách lên’

Nhiều phụ huynh trong một group về nuôi dạy con trên Facebook hào hứng thiết kế góc sách, để đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình giúp sách trở thành một phần cuộc sống của con trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên