19/10/2023 15:03 GMT+7

Cưỡng chế giao lại căn nhà cho ‘đứa em tật nguyền’

Ngày 19-10, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, Kiên Giang tổ chức cưỡng chế căn nhà trao cho anh Phạm Thanh Tùng (41 tuổi, ngụ xã Bình An) - nhân vật trong bài viết "Vì đất vì tiền, đưa đứa em tật nguyền ra tòa".

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã thành lập đoàn cưỡng chế căn nhà 242 để trao cho anh Phạm Thanh Tùng vào sáng 19-10 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã thành lập đoàn cưỡng chế căn nhà 242 để trao cho anh Phạm Thanh Tùng vào sáng 19-10 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã phối hợp cùng lực lượng chức năng đến căn nhà số 242 ấp An Bình, xã Bình An để giao lại cho anh Phạm Thanh Tùng và anh Phạm Văn Sơn toàn quyền sử dụng.

Dù chính quyền huyện Châu Thành đã thông báo cưỡng chế suốt nửa tháng qua nhưng chủ nhà (anh thứ sáu của anh Tùng - PV) không tự di dời đồ đạc ra khỏi nhà. 

Vì vậy, đoàn cưỡng chế đã cho lực lượng vào khiêng đồ đạc như: quần áo, tủ, bàn ghế… ra khỏi nhà. Gần cuối buổi sáng, lực lượng thi hành án huyện Châu Thành mới làm xong các thủ tục và lập biên bản giao nhà cho anh Tùng và anh Sơn trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Lực lượng thi hành án dân sự huyện Châu Thành di chuyển đồ đạc ra khỏi căn nhà 242 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Lực lượng thi hành án dân sự huyện Châu Thành di chuyển đồ đạc ra khỏi căn nhà 242 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Là người gắn bó với "đứa em tật nguyền" nhiều năm (từ năm 2013 đến nay - PV) trong vụ kiện này đến giờ, anh Phạm Văn Sơn nói: "Bây giờ mừng lắm nhưng vẫn còn lo vì khi ra tòa thì anh em mất lòng, không còn đoàn kết nữa. Từ khi xảy ra vụ này, nhiều người nói này nói kia cũng buồn nhưng tôi phải chấp nhận sự thật. Tài sản lấy lại được sẽ tìm người cho thuê để có tiền chăm lo cho Tùng".

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, bà Hoàng Thị Huệ mất từ năm 2011 sau một cơn bạo bệnh. Bà Huệ có tám người con, chỉ có anh Phạm Thanh Tùng là con út lại không may bị nhiễm chất độc da cam, tật nguyền từ lúc mới sinh.

Trước lúc lâm chung, bà Huệ đã chia đất cho những người con của mình. Riêng Tùng, bà chia thửa đất biền lá ven sông Cái Bé để sau này Tùng có thể cho thuê lấy tiền sinh sống. Riêng miếng đất vườn có căn nhà tường, khu mồ mả, bà viết di chúc để lại cho Tùng và anh trai kế Phạm Văn Sơn với di nguyện Sơn trông coi và đùm bọc đứa em tật nguyền.

Sau nhiều năm theo đuổi công lý, anh Phạm Thanh Tùng - "đứa em tật nguyền" đã lấy lại căn nhà 242 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Sau nhiều năm theo đuổi công lý, anh Phạm Thanh Tùng - "đứa em tật nguyền" đã lấy lại căn nhà 242 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tuy nhiên, năm 2014, anh Tùng và anh Sơn bị sáu anh, chị em kiện ra tòa và yêu cầu hủy di chúc mà người mẹ đã lập cho Tùng. Năm 2016, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã đưa ra xét xử và mãi đến năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang mới tuyên xử phúc thẩm, chấp nhận di chúc của mẹ anh Tùng.

‘Đứa em tật nguyền’ mòn mỏi gần 4 năm vẫn chờ được trả nhà‘Đứa em tật nguyền’ mòn mỏi gần 4 năm vẫn chờ được trả nhà

Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có hiệu lực ngay sau khi tuyên án nhưng gần 4 năm qua cơ quan thi hành án cứ nhùng nhằng, không thực hiện thi hành án cho "đứa em tật nguyền" mà Tuổi Trẻ đã từng phản ánh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên