30/09/2023 13:15 GMT+7

‘Đứa em tật nguyền’ mòn mỏi gần 4 năm vẫn chờ được trả nhà

Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có hiệu lực ngay sau khi tuyên án nhưng gần 4 năm qua cơ quan thi hành án cứ nhùng nhằng, không thực hiện thi hành án cho "đứa em tật nguyền" mà Tuổi Trẻ đã từng phản ánh.

Anh Phạm Thanh Tùng (trái) sử dụng điện thoại mở tài liệu cho chúng tôi, còn anh Phạm Văn Sơn bức xúc kể - Ảnh: BỬU ĐẤU

Anh Phạm Thanh Tùng (trái) sử dụng điện thoại mở tài liệu cho chúng tôi, còn anh Phạm Văn Sơn bức xúc kể - Ảnh: BỬU ĐẤU

Bản án phúc thẩm (lần thứ hai) "tranh chấp chia thừa kế, chia tài sản chung, hủy di chúc, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" đã được Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên từ ngày 11-3-2019 nhưng đến nay gần 4 năm vẫn chưa được thi hành.

Bốn năm chưa thi hành xong

Ngày 30-9, phóng viên đã tìm về căn nhà của anh Phạm Thanh Tùng (41 tuổi, ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) - nhân vật trong bài viết "Vì đất vì tiền, đưa đứa em tật nguyền ra tòa" mà Tuổi Trẻ đã phản ánh năm 2016.

Anh Tùng bị nhiễm chất độc da cam, mất đi 85% sức khỏe. Bù lại, từ nhỏ Tùng rất thông minh, được mẹ dạy cho bảng chữ cái, sau đó tự tập viết bằng chân, tự học sử dụng máy tính cũng bằng chân.

Bản án phúc thẩm năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang giao cho anh Phạm Văn Sơn và Phạm Thanh Tùng hai căn nhà 241 và 242 tại ấp An Bình, xã Bình An toàn quyền sử dụng. Sáu anh chị em ruột còn lại phải trả cho anh Sơn và Tùng hơn 67 triệu đồng.

Thế nhưng, từ đó đến nay Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Thành chỉ thi hành án giao lại cho anh Phạm Văn Sơn và anh Phạm Thanh Tùng căn nhà số 241. Còn lại căn nhà số 242 và số tiền kia vẫn chưa được thi hành.

"Chúng tôi đã thực hiện theo bản án là nộp cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành 37 triệu đồng từ năm 2019 đến nay để lấy lại căn nhà 242 nhưng mãi đến nay họ vẫn chưa thi hành án được. Chúng tôi đã nhiều lần đến Chi cục Thi hành án huyện và đến Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang nhưng Chi cục Thi hành án huyện đều hứa mà không thi hành bản án", anh Sơn nói.

Hiện tại căn nhà 242 có anh ruột đang sống nhưng ông này cố chấp, cản trở việc anh cho thuê bến đậu ghe ở phần đất mặt sông mà người mẹ di chúc để lại cho anh.

Mấy năm qua nguồn sống của anh là từ bán vé số. Anh cũng làm thơ và được các nhà hảo tâm hỗ trợ xuất bản rồi bán qua mạng.

"Tôi yêu cầu cơ quan thi hành án làm đúng bản án đã tuyên nhưng họ lại viện nhiều lý do. Nào là cuối năm, lễ, bận nhiều việc…", anh Tùng kể trong uất nghẹn.

Hiện nay, hằng ngày anh Tùng đi bán vé số trên chiếc xe lăn do nhà hảo tâm hỗ trợ. Cũng chiếc xe lăn cà tàng này là phương tiện để anh gõ cửa các cơ quan công quyền đòi thi hành án.

Chậm do phải hỏi tới hỏi lui?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Hoàng Thảo - phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành - cho biết lý do chậm trễ cưỡng chế là vì bản án ban đầu thể hiện chưa rõ. Sau đó, đơn vị có công văn gửi tòa án tỉnh để xin ý kiến thì tòa trả lời nhưng cũng không rõ ràng.

"Trong bản án chỉ nói giao nhà và quyền sở hữu chứ không nói rõ là phải buộc giao. Do đó, đơn vị có văn bản xin ý kiến thì họ nói nếu họ không giao nhà 242 sẽ trở thành vụ kiện khác. Vì vậy, chúng tôi đâu dám cưỡng chế", ông Thảo nói.

Tuy nhiên, sau đó anh Tùng, anh Sơn tiếp tục khiếu nại lên tòa án tỉnh thì Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang có văn bản số 54/2022 yêu cầu cơ quan thi hành án phải cưỡng chế giao nhà cho anh Sơn, anh Tùng.

"Chúng tôi đã ký quyết định cưỡng chế và niêm yết công khai tại địa phương rồi. Theo quy định trong vòng 15 ngày phải cưỡng chế. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp địa phương xây dựng kế hoạch cưỡng chế rõ ràng.

Có thể trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ cưỡng chế giao lại căn nhà cho anh Tùng và anh Sơn. Sở dĩ chậm trễ do chúng tôi hỏi cấp trên tới lui và quá nhiều việc, chứ không phải là anh em không làm", ông Thảo phân trần.

Anh Phạm Thanh Tùng dùng xe lăn này đi bán vé số và gõ cửa các cơ quan công quyền để tìm công lý - Ảnh: BỬU ĐẤU

Anh Phạm Thanh Tùng dùng xe lăn này đi bán vé số và gõ cửa các cơ quan công quyền để tìm công lý - Ảnh: BỬU ĐẤU

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, bà Hoàng Thị Huệ cũng đã mất từ năm 2011 sau một cơn bạo bệnh. Bà Huệ có tám người con gồm bốn trai và bốn gái, ai cũng lành lặn, chỉ có anh Phạm Thanh Tùng là con út lại không may bị nhiễm chất độc da cam, mới lọt lòng đã sống cảnh tật nguyền.

Trước lúc tạ thế, bà Huệ đã cẩn thận cắt đất chia cho mấy người con lành lặn của mình mỗi người con trai 5m ngang, con gái 4m ngang chạy dài hết thửa đất. Hai người con trai lớn còn được cho trại cưa, xe máy để làm phương tiện kiếm sống. Một thửa đất biền lá ven sông Cái Bé, bà sang tên cho Tùng để sau này Tùng có thể cho thuê lấy tiền sinh nhai.

Riêng miếng đất vườn có căn nhà tường, khu mồ mả, bà viết di chúc để lại cho Tùng và anh trai kế Phạm Văn Sơn với di nguyện Sơn trông coi và đùm bọc đứa em tật nguyền.

Tuy nhiên, năm 2014 anh Tùng và anh Sơn bị 6 anh, chị em kiện ra tòa và yêu cầu hủy di chúc mà người mẹ đã lập ra cho Tùng. Năm 2016, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã đưa ra xét xử và mãi đến năm 2019 Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang mới tuyên xử phúc thẩm, chấp nhận di chúc của mẹ anh Tùng.

Đứa em tật nguyền về nhà sau 7 năm bị anh chị ruột kiện đuổi điĐứa em tật nguyền về nhà sau 7 năm bị anh chị ruột kiện đuổi đi

TTO - Sau gần 7 năm bị 6 anh chị ruột khởi kiện rồi đuổi đi, sáng 10-12, đứa em tật nguyền Phạm Thanh Tùng đã được trở về nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên