31/08/2016 14:31 GMT+7

Cuộc cạnh tranh vẫn đang tiếp diễn

QUỐC  VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Nhiều năm trải nghiệm làm ăn ở Lào, theo ông Hùng, dân bản xứ vẫn có cảm tình với người Việt. Đó là điều kiện rất tốt cho hàng Việt Nam...

Cửa hàng của một tiểu thương gốc Việt ở Vientiane - Ảnh: Q.V.
Cửa hàng của một tiểu thương gốc Việt ở Vientiane - Ảnh: Q.V.

“Người Lào giờ đã bớt choáng ngợp với sự phủ đầu hào nhoáng của hàng hóa Trung Quốc (TQ). Họ đã thận trọng hơn bởi có thể chất lượng và sự an toàn sản phẩm không tỉ thuận với độ bắt mắt” - ông Khăm Savong, một nhà tư vấn kinh doanh ở Vientiane, cho biết. 

“Giống ở Việt Nam, nhiều công trình đầu tư, xây dựng của TQ tại Lào cũng thường gặp vấn đề chậm trễ, kém chất lượng, mất an toàn lao động và gây ô nhiễm nặng. Người dân Lào đã bắt đầu nhận ra và lo ngại tình trạng này

Mặc dù chiếm lợi thế, nhưng cuộc chiến cạnh tranh giữa hàng hóa TQ với các nguồn hàng khác đang xuất hiện nhiều xu hướng mới ở thị trường Lào...

Bắt đầu cảnh giác

Đó là câu mà nhiều người Lào hiện nay hay nhắc nhở nhau khi chọn mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ TQ. Tình trạng này cũng tương tự như ở Việt Nam hơn hai thập niên trước, khi hàng TQ ồ ạt đổ vào thị trường Việt và tạo nên cú sốc lớn.

Từ hàng điện tử, xe máy đến đồ gia dụng, quần áo, vải vóc, công nghệ phẩm... made in China đều quá rẻ lẫn “bắt mắt”, đặc biệt là sao y kiểu dáng hàng cao cấp. Vừa túi tiền lẫn thị hiếu, người dân đổ xô mua, cuối cùng phải lãnh hậu quả vì chất lượng quá kém.

“Ở Lào cũng vậy, sau thời gian vô tư chào đón hàng TQ, người dân bắt đầu cảnh giác sự kém chất lượng, độc hại” - ông Khăm Savong kể mới đầu người bản xứ rất ngạc nhiên với những nải chuối, trái xoài lớn hơn hẳn bình thường, căng mọng, đẹp mắt được chủ đồn điền TQ trồng ở Lào. Nó lớn gấp rưỡi nải chuối của người bản xứ hay Việt kiều trồng tự nhiên trong khi giá lại rẻ hơn.

Người ta từng tin những nông sản khác thường này là nhờ “giống tốt TQ”. Nhưng thực tế dần lộ từ chính công nhân Lào được chủ đồn điền TQ thuê bón phân, xịt thuốc. Họ trồng mà không dám ăn, chỉ để bán ra chợ Lào và xuất ngược về TQ hay chế biến thành đồ sấy.

Giáo sư Soulyphan Kanni Tha, Đại học Quốc gia Lào, cho biết trước việc nhà đầu tư TQ sử dụng hóa chất bừa bãi, Chính phủ Lào buộc phải khuyến cáo, siết lại tình trạng này. Nhưng thực tế rất phức tạp, họ làm đồn điền trong núi rừng làm sao quản lý hết.

Đặc biệt, chủ đồn điền TQ còn thuê người đồng hương sang làm nên càng dễ giấu... Khi bị lật tẩy chuyện lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp ở Lào, nhiều người TQ qua Thái Lan tìm thuê đất nhưng đã bị từ chối. Nông dân Thái lo sợ sự tham lam năng suất của các chủ đồn điền TQ sẽ làm “chai” đất đai và ô nhiễm môi trường của họ.

“Tình trạng thực phẩm TQ kém an toàn cũng đang ảnh hưởng đến chính quán xá, nhà hàng của họ. Không chỉ người nước khác mà nhiều du khách TQ hiện nay lại có xu hướng chọn quán ăn Việt, Thái hay của người bản xứ Lào để yên tâm” - anh Lê Quang Tình, chủ nhà hàng Hoàng Kim trên đường Rou Phai Nam (Vientiane), chia sẻ.

Việt kiều nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh ẩm thực trên đất Lào này kể đã có một làn sóng nhà đầu tư TQ sang đây mở nhà hàng, khách sạn. Khách họ chủ yếu là người gốc Hoa ở Lào và nhà đầu tư, du khách TQ. “Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều đường phố trung tâm ở Vientiane, Pakse, Luang Prabang, Bokeo... đỏ rực bảng hiệu tiếng Hoa. Nhà hàng nào cũng lớn, màu mè bắt mắt” - anh Tình bảo lúc đầu các quán xá TQ là "chuyên gia" gây sốc về sự hoành tráng.

Tuy nhiên, sau này chúng vắng khách dần trong khi quán xá Việt kiều và người bản xứ lại ổn định. Lý do chính khiến khách, kể cả dân du lịch từ các quốc gia khác ngại vào nhà hàng TQ là sợ thực phẩm không an toàn, sau đó là vì các nhà hàng này thường quá ồn ào.

Những ngày rong ruổi ở Lào, tôi cũng cảm nhận thực tế này. Dân Lào cũng ăn uống nhiều như người Việt nhưng tính họ trầm hiền, không phù hợp sự náo nhiệt của quán xá TQ. Đặc biệt, hiện đang có tình trạng ngược đời so với trước đây là nhiều hàng quán TQ lại quảng cáo sử dụng thực phẩm tự nhiên của Lào hoặc Việt Nam, Thái Lan.

Anh Tình cho biết: “Chưa chắc họ dùng thực phẩm Lào hay Việt thật nhưng cứ nói để an lòng khách”. Thậm chí ngay cả du khách châu Âu cũng được rỉ tai chuyện này. Vào nhà hàng, họ hay hỏi những trái chuối, xoài, hay thịt heo, nấm, đậu này từ TQ hay của Lào, Việt Nam, Thái Lan...

Tình trạng này cũng đang có xu hướng tương tự với các loại đồ may mặc, công nghệ phẩm TQ. Tuy nó chưa rõ rệt lắm vì đồ TQ vẫn còn lợi thế về giá cả và mẫu mã, nhưng người tiêu dùng bắt đầu có ý thức cảnh giác.

Qua Internet, dân Lào đọc được rất nhiều tin tức hàng TQ nhiễm độc bị kiểm tra, xử phạt ở các nước. Thậm chí dù chỉ mua những thứ nhỏ nhặt như đôi đũa nhựa, cây tăm, món đồ chơi, người Lào cũng phải nâng lên đặt xuống thận trọng nếu như biết đó là hàng TQ...

Một ngân hàng Việt nhỏ bé và lẻ loi trên đường phố Lào - Ảnh: Q.V.
Một ngân hàng Việt nhỏ bé và lẻ loi trên đường phố Lào - Ảnh: Q.V.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

“Thực tế này chính là cơ hội cho các nhà đầu tư, kinh doanh Việt Nam. Rõ ràng hàng TQ sau thời gian giội bão dồn dập ở thị trường Lào đã không hẳn là sự lựa chọn số 1 của dân bản xứ” - ông Đỗ Công Hùng, ban chấp hành Thành hội Việt kiều Vientiane, cho biết.

Nhiều năm trải nghiệm làm ăn ở Lào, theo ông Hùng, dân bản xứ vẫn có cảm tình với người Việt. Đó là điều kiện rất tốt cho hàng Việt Nam trong xu hướng TQ có dấu hiệu khựng lại ở thị trường này.

Ngoài hàng TQ, hiện hàng Việt ở Lào còn phải đối đầu với đối thủ mạnh khác là hàng Thái Lan. Tuy nhiên, đó cũng không phải là vấn đề mới, bởi hàng Thái đã có sức hút ổn định ở Lào từ lâu. Thậm chí nhiều nhóm hàng của họ đánh bạt hẳn đồ TQ.

Trong khi doanh nhân Thái còn thêm lợi thế địa lý quá gần gũi với Lào và hạ tầng giao thông của họ kết nối rất tốt. Theo ông Nguyễn Duy Trung - chủ tịch Tổng hội Việt kiều ở Lào, đồng hương mình đã có nhiều kinh nghiệm “sống chung” với người Thái trên thị trường này.

Có những loại hàng Việt không cạnh tranh trực tiếp được với Thái, nhưng có những lĩnh vực thương nhân Việt hiện không mấy thua kém như kinh doanh vàng bạc, vật liệu xây dựng, đồ may mặc, quán ăn, khách sạn, vận chuyển hành khách, dịch vụ sửa chữa...

Người Thái có sức mạnh sản xuất, nhưng sự làm ăn nhỏ lẻ của người Việt cũng có lợi thế linh hoạt, giá thành thấp và dễ chuyển đổi theo nhu cầu thị trường.

Nhiều thương nhân Việt kiều đã thiết lập được hệ thống mối hàng gắn bó lâu dài, có sự kết nối chặt chẽ với nhau về văn hóa, tình cảm bạn bè với người bản xứ. Một số thương hiệu Việt đã được tin dùng ở thị trường này từ nhiều năm qua.

Ông Trung cũng như nhiều Việt kiều khác có nhận định giống nhau rằng thị trường nội địa Lào không lớn nhưng nhiều tiềm năng nhờ nền kinh tế đang phát triển nhanh. Trong thế yếu, nhà đầu tư Việt tại Lào vẫn có cơ hội nếu biết sử dụng kinh nghiệm lâu năm làm ăn ở đây để linh động xoay xở, nhất là các ngành dịch vụ, nông lâm nghiệp, khai khoáng, xây dựng hạ tầng...

Điểm yếu lớn nhất của thương nhân Việt ở Lào hiện nay là vốn. Họ rất cần sự tiếp sức linh động hơn từ hệ thống ngân hàng Việt ở Lào.

Đặc biệt, theo ông Trung, các cơ quan nhà nước Việt Nam như Bộ Công thương, Phòng Công nghiệp và thương mại, đại sứ quán cũng nên tổ chức nhiều chương trình chiến lược quảng bá hàng Việt ở Lào. Đây là kênh tiếp thị sâu rộng mà TQ đang làm rất mạnh trong khi tự thân Việt kiều lại không đủ sức.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên