12/06/2014 08:43 GMT+7

Có thể phải sửa Bộ luật hình sự

LS ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
LS ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

TT - Trong thời gian qua, nhiều trường hợp người chưa thành niên giao cấu với trẻ em nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự gây bức xúc cho xã hội, nhất là đối với cha mẹ nạn nhân, như sự việc N.M.Đ. (sinh ngày 20-12-1996) đã xâm hại nhiều lần cháu bé vừa qua tuổi 13 vài tháng ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (Tuổi Trẻ 8-6).

Xung đột pháp luật: bỏ lọt người phạm tộiGiao cấu với trẻ còn rủ trẻ khác tham gia: 5 năm tùĐề xuất thành lập tòa án gia đình và người chưa thành niên

Trước thực trạng như vậy, một số chuyên gia cho rằng đây là lỗ hổng của pháp luật, mà cụ thể là khi xây dựng Bộ luật hình sự (BLHS), các nhà làm luật đã không dự liệu hết các tình huống xảy ra trong thực tế nên đã “để lọt” một hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải trừng trị bằng Luật hình sự.

Theo quy định tại điều 115 BLHS, người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mới coi là tội phạm, còn đối với người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) giao cấu với trẻ em thì không coi là tội phạm.

Nếu nhìn từ phía bị hại thì hành vi giao cấu với trẻ em là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vì tội “giao cấu với trẻ em” là tội phạm nghiêm trọng (khoản 1), tội phạm rất nghiêm trọng (khoản 2, khoản 3) của điều 115 BLHS. Tuy nhiên, nếu nhìn từ phía người phạm tội thì người dưới 18 tuổi cũng là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Cũng chính vì thế mà BLHS dành hẳn một chương (chương X) quy định việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.

Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ chỉ trong trường hợp cần thiết; không phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, dù tội phạm của họ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây là chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay chứ không phải khi làm luật, Quốc hội không dự liệu hết các tình huống xảy ra trong thực tế.

Tuy nhiên, xã hội phát triển, yêu cầu của việc xử lý về hình sự có thể thay đổi cho phù hợp. Pháp luật luôn phải phù hợp với cuộc sống thì pháp luật mới thực hiện được nhiệm vụ của mình. Có thể sắp tới BLHS cần được sửa đổi, bổ sung một số hành vi trước nay chưa được quy định là tội phạm, trong đó có hành vi giao cấu với trẻ em của người chưa thành niên. Nhưng nếu có quy định, theo tôi, cũng chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi mà nạn nhân là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 14 tuổi.

LS ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên