08/06/2014 08:44 GMT+7

Xung đột pháp luật: bỏ lọt người phạm tội

Ths NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND tỉnh Kiên Giang)
Ths NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND tỉnh Kiên Giang)

TT - Sự việc bà Nguyễn Thị Thẩm ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nêu ra một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng người chưa thành niên phạm tội.

Giao cấu với trẻ còn rủ trẻ khác tham gia: 5 năm tùĐề xuất thành lập tòa án gia đình và người chưa thành niênSiêu lừa tiền, lừa tình bé gái 15 tuổi lãnh 27 năm tù

Theo nội dung tố cáo, từ ngày 5-4 đến 18-8-2013, con gái bà Thẩm (sinh ngày 12-1-2000) đã bị N.M.Đ. (sinh ngày 20-12-1996) xâm hại nhiều lần. Công an huyện Long Mỹ kết luận hành vi của N.M.Đ. là giao cấu với trẻ em theo điều 115 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, N.M.Đ. không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì theo điều 115 Bộ luật hình sự thì chủ thể của tội phạm này phải là người đã thành niên.

Trước hết, xét về góc độ khoa học, ở đây ta thấy có sự “xung đột pháp luật”. Điều 12 Bộ luật hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, gồm hai khoản. Khoản 1: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Khoản 2: người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, một số tội danh như tội giao cấu với trẻ em (điều 115), tội dâm ô đối với trẻ em (điều 116) lại quy định chủ thể của các tội phạm này phải là người đã thành niên.

Mặt khác, trẻ em là một trong số các đối tượng yếu thế trong xã hội nên luôn được pháp luật nói chung và Luật hình sự nói riêng bảo hộ ở mức độ cao. Những trường hợp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em được xem là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết định tội và đều bị xử lý với khung hình phạt cao hơn so với các trường hợp phạm tội đối với người đã thành niên. Nhưng nguyên tắc này đã bị loại trừ khi quy định người phạm tội giao cấu với trẻ em hoặc dâm ô đối với trẻ em phải là người đã thành niên.

Chính sự xung đột pháp luật trong nội tại của Bộ luật hình sự đã tạo nên sự không công bằng, sự bức xúc của người dân trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự, cho dù việc giải quyết đó của các cơ quan tiến hành tố tụng là đúng pháp luật. Vì vậy theo tôi, cần sửa đổi chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội cho phù hợp với sự chuyển biến của tình hình kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Xét về góc độ xã hội: Hành vi giao cấu lần cuối cùng của N.M.Đ. vào ngày 18-8-2013, tại thời điểm này đối tượng phạm tội chỉ còn 4 tháng 2 ngày là đủ 18 tuổi. Vì vậy mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng như những hậu quả gây ra cho người bị hại (làm cho nạn nhân có thai hoặc bị tổn hại về sức khỏe) chẳng thua kém gì so với người đủ 18 tuổi. Chắc chúng ta vẫn còn nhớ sát thủ Lê Văn Luyện đã giết ba người trong một gia đình ở phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang để thực hiện hành vi cướp tài sản khi mới 17 tuổi 10 tháng 6 ngày, càng khẳng định khả năng phạm tội và mức độ nguy hiểm của người chưa thành niên.

Thực tiễn cho thấy ý thức phạm tội của thanh thiếu niên một phần được hình thành từ chính sách hình sự hiện nay. Với tâm lý người chưa thành niên cho dù phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như thế nào đi nữa thì vẫn bị xử lý ở những mức án nhẹ hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

Ths NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND tỉnh Kiên Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên