28/10/2021 09:07 GMT+7

Có nên giao việc thẩm định và phân loại phim về cho địa phương?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch đề xuất phân cấp việc thẩm định và phân loại phim về cho địa phương chứ không còn "độc quyền" cho các hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim nữa.

Có nên giao việc thẩm định và phân loại phim về cho địa phương? - Ảnh 1.

Phim Lật mặt: 48h của đạo diễn Lý Hải được dán nhãn 18+ khi ra rạp

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành vừa chia sẻ với Tuổi Trẻ thông tin trên.

Tuy nhiên, các chuyên gia chính sách cho rằng Luật điện ảnh nên tiến một bước xa hơn là Nhà nước (dù trung ương hay địa phương) nên từ bỏ việc thẩm định, phân loại phim, giao cho tư nhân đủ điều kiện làm việc này.

Phim chiếu trên không gian mạng được hậu kiểm là bước tiến mới đáng hoan nghênh, nhưng để đảm bảo bình đẳng và chặt chẽ thì phim chiếu trên cả 3 kênh (chiếu rạp, chiếu truyền hình, chiếu trên mạng) đều cần được áp dụng hậu kiểm (theo nghĩa là Nhà nước không cấp phép trước khi chiếu), đi kèm với điều kiện là phim phải được phân loại độ tuổi trước khi phát hành.

Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG (viện trưởng Viện IPS)

Đăng ký kinh doanh ở đâu, chịu phân loại phim ở đó

Hôm nay (28-10), dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi (gọi tắt là dự thảo) tiếp tục được bàn thảo trong kỳ họp quốc hội. Chuyện thẩm định, cấp phép phổ biến phim đang được chú ý không chỉ bởi Quốc hội đang xem xét dự thảo mà còn bởi những ồn ào về việc cấm phổ biến một bộ phim gần đây.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm mới trong cơ chế kiểm duyệt phim trong dự thảo, cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho hay phim chiếu trên mạng sẽ chuyển sang hậu kiểm, còn lại chỉ tiền kiểm phim chiếu trên truyền hình và phim chiếu rạp.

Với hai hình thức chiếu này, theo điều 32 của dự thảo, không chỉ Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch có quyền thẩm định, phân loại, cấp phép phổ biến phim như hiện nay mà phân cấp về cho địa phương.

Theo đó, việc cấp phép phổ biến phim sẽ có thêm các hội đồng thẩm định và phân loại phim của tỉnh do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và hội đồng của cơ quan báo chí do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thành lập; thành phần của hội đồng có ít nhất 2/3 thành viên là các nhà chuyên môn điện ảnh.

Hội đồng thẩm định và phân loại phim có trách nhiệm tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền trước khi cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

Theo điều 33 của dự thảo, việc phân loại phim ngoài phân loại theo độ tuổi thì còn có phân loại "phim không được phép phổ biến". Tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi do bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch quy định.

Ông Thành nói rõ hơn: nhà phát hành, nhà sản xuất đăng ký kinh doanh ở tỉnh, thành phố nào thì đề nghị cấp giấy phép phân loại phim ở tỉnh, thành phố đó.

Những đổi mới này, theo giáo sư - tiến sĩ nghệ thuật, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội Trần Thanh Hiệp - chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - là đúng và ông tin tưởng khi địa phương được phân quyền sẽ phải bảo đảm các thành viên đủ năng lực để làm việc đó.

Một số người cũng chào đón sự đổi mới này như một bước dần từ bỏ "độc quyền" cấp phép phim cho một hội đồng hơn chục người. Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác từ chuyên gia chính sách.

Nên áp dụng hậu kiểm với cả phim chiếu rạp và chiếu mạng

Ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), đơn vị gần đây có những nghiên cứu và góp ý cho dự thảo Luật điện ảnh - nhận định việc phân quyền về cho địa phương là không hợp lý vì nhiều lý do như phim phổ biến cả nước nhưng lại do một địa phương thẩm định.

Trong khi đó, phân định phim là công việc mang tính chuyên môn cao, năng lực ngành văn hóa ở các địa phương liệu có đủ đáp ứng yêu cầu. Thêm vào đó, phim chiếu rạp vẫn chịu "thiệt thòi" so với phim chiếu mạng (không phải tiền kiểm) hay truyền hình, trong khi cả ba hình thức chiếu đều có tác động xã hội như nhau.

Đại diện Viện IPS đề xuất, trong bối cảnh bùng nổ nội dung số, trong đó có phim ảnh, việc phân loại phim nên là một dịch vụ chuyên nghiệp và do tư nhân thực hiện. Điều đó giúp "giảm tải" khối lượng công việc của cơ quan nhà nước.

Vai trò mới của cơ quan nhà nước là vai trò kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ phân loại của tổ chức tư nhân. "Nên hiểu hậu kiểm ở đây là Nhà nước không cấp phép việc chiếu phim (tức là tiền kiểm); mà cấp giấy phép kinh doanh cho một tổ chức đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ phim.

Phân loại phim vẫn là một ngành kinh doanh có điều kiện. Do đó, Nhà nước vẫn đảm bảo Nhà nước kiểm soát được. Cụ thể, tổ chức cung cấp dịch vụ phân loại nếu "phân loại sai", để lọt những nội dung bị cấm, thì Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch có quyền rút giấy phép kinh doanh của tổ chức đó.

Viện IPS cũng góp ý thêm về vai trò của Hội đồng Thẩm định phim quốc gia. Theo đó, hội đồng này là hội đồng chuyên môn độc lập, do Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch thành lập, xử lý các tranh chấp, khiếu nại hành chính liên quan đến chuyên môn phân loại phim.

"Luật điện ảnh đang được mong đợi "cởi trói" nhiều hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ điện ảnh, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số và chuyển đổi số đang mang lại cú hích lớn cho ngành này.

Các doanh nghiệp, giới làm nghệ thuật cũng như chuyên gia đều trông chờ tư duy đột phá hơn của những nhà làm luật nhằm đón bắt cơ hội này", ông Đồng nói.

Về đề xuất chuyển việc thẩm định, phân loại phim thêm cho phía tư nhân làm, ông Vi Kiến Thành cho rằng phải khảo sát xem giám đốc các sở Văn hóa - Thể thao và du lịch có sử dụng kết quả thẩm định của các hội đồng ngoài xã hội làm không (để tham vấn trước khi ký giấy cho hay không cho phổ biến phim - PV).

Phim chiếu trên truyền hình phải được phân loại

Theo ông Đồng, hiện nay phim chiếu trên các kênh truyền hình Việt Nam không gắn nhãn cảnh báo người xem. Điều này dẫn đến có những phim bạo lực hoặc có cảnh nóng nhưng cha mẹ vẫn để con em thoải mái xem cùng.

Ông Nguyễn Quang Đồng góp ý, để bảo vệ người xem dưới 18 tuổi - độ tuổi chưa đủ năng lực dân sự, năng lực nhận thức hoàn thiện, luật cần yêu cầu, không chỉ phim chiếu rạp, mà tất cả các loại phim dù chiếu trên truyền hình hay trên Internet cũng phải được phân loại, từ đó bắt buộc hiển thị thông tin phân loại khi chiếu.

'Luật điện ảnh phải tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển chứ đừng cản trở'

TTO - Tại cuộc thảo luận về Luật điện ảnh của Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những người thu hút hàng triệu người xem với nội dung phản cảm hay chửi bới thô tục trên mạng là hình ảnh rất xấu, phải nghiêm trị.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên