18/03/2024 16:18 GMT+7

Cỏ dại mọc ngập di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương - Bến Hải

Tại di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nhiều khu vực bị giảm bớt việc cắt cỏ, khiến cỏ dại mọc quá đầu gối, có nơi cao ngang đầu người.

Cây mai dương cao ngang đầu người, cỏ tranh mọc chen lấn với hoa mẫu đơn trang trí ở di tích Hiền Lương - Bến Hải - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cây mai dương cao ngang đầu người, cỏ tranh mọc chen lấn với hoa mẫu đơn trang trí ở di tích Hiền Lương - Bến Hải - Ảnh: HOÀNG TÁO

Nhiều du khách đến tham quan di tích quốc gia đặc biệt ở Quảng Trị than phiền vì cỏ dại mọc quá cao, không được cắt tỉa, che khuất lối đi khiến di tích mất mỹ quan, như chốn không người chăm sóc.

Cỏ dại mọc chen hết di tích

Khu vực bờ nam của di tích, cỏ dại gồm cây mai dương, xuyến chi, trinh nữ, cỏ tranh… mọc um tùm nhiều tháng nay không được cắt dọn, chen lấn vào lối đi bê tông. 

Tại bờ nam sông Bến Hải, nơi tiếp giáp với cầu Hiền Lương, cây xuyến chi mọc rậm rịt, chen lấn với nhiều cây bụi khác cao quá đầu người. 

Ở vị trí phục dựng cột cờ bờ nam, cỏ tranh, cây mai dương mọc chen với hàng cây mẫu đơn đỏ trang trí cảnh quan khiến hàng cây mẫu đơn héo khô, chết mòn. Bồn hoa ở chân cột cờ cũng toàn cỏ tranh.

Tương tự, tại tháp canh, loa phóng thanh… cũng ngập trong cỏ. Những hòn đá cuội to khắc tên các công trình phục dựng này bị cỏ che lấp.

Tại bờ bắc sông Hiền Lương, các vị trí kỳ đài, nhà liên hợp, khuôn viên bảo tàng được cắt cỏ gọn gàng, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, sau lưng kỳ đài cũng có một diện tích lớn không được cắt dọn cỏ.

Cỏ mọc ở bờ nam sông Hiền Lương, đoạn tiếp giáp với cầu Hiền Lương - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cỏ mọc ở bờ nam sông Hiền Lương, đoạn tiếp giáp với cầu Hiền Lương - Ảnh: HOÀNG TÁO

Thiếu kinh phí nên cắt cỏ có chọn lọc

Bà Lê Thị Tố Hoài, trưởng Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, cho hay di tích này rộng 9ha, gồm hai khu vực nam và bắc sông Hiền Lương. Trong đó, diện tích bãi cỏ cần cắt dọn là gần 3ha.

"Hằng năm, đơn vị được khoán hơn 40 triệu đồng tiền cắt cỏ, nhưng không đủ thuê nhân công, tiền xăng nên phải cắt ưu tiên những vị trí quan trọng, trong tuyến tham quan", bà Hoài nói.

Các điểm được cắt cỏ thường xuyên là kỳ đài, nhà liên hợp, khuôn viên bảo tàng và các điểm trong tuyến tham quan.

Bà Hoài thông tin tiền thuê cắt cỏ là 250.000 đồng/ngày. Để cắt toàn bộ di tích cần 20 ngày công và 2 triệu đồng tiền xăng, tổng chi phí hết 7 triệu đồng/lượt cắt. Chỉ riêng cắt các điểm ưu tiên là hết 10 ngày công. Hằng năm, di tích có 12 lần cắt các điểm ưu tiên, 9 lần cắt các điểm khác.

Do kinh phí không đủ nên ban quản lý phải điều phối hợp lý. "Các năm qua, ban quản lý luôn cố gắng làm cho sạch sẽ nhất có thể. Có khi nợ tiền công cắt cỏ đến 6 tháng. Sắp đến 30-4, chúng tôi sẽ cho cắt sạch sẽ toàn bộ di tích", bà Hoài cho hay.

Năm 2023, di tích này đón 30.000 lượt khách. Đầu năm 2024 đến nay, di tích đón hơn 6.000 lượt khách có thu vé và 1.000 lượt khách miễn giảm.

Vị trí loa phóng thanh, chòi canh (phục dựng) ngập trong cỏ - Ảnh: HOÀNG TÁO

Vị trí loa phóng thanh, chòi canh (phục dựng) ngập trong cỏ - Ảnh: HOÀNG TÁO

Một bồn hoa sát cầu Hiền Lương toàn cỏ dại nhìn sang phía bờ bắc - Ảnh: HOÀNG TÁO

Một bồn hoa sát cầu Hiền Lương toàn cỏ dại nhìn sang phía bờ bắc - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cỏ dại mọc chen lấn nhưng thiếu kinh phí để cắt dọn thường xuyên - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cỏ dại mọc chen lấn nhưng thiếu kinh phí để cắt dọn thường xuyên - Ảnh: HOÀNG TÁO

Nghĩa trang Trường Sơn, đôi bờ Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị rực sáng trong ngày thống nhấtNghĩa trang Trường Sơn, đôi bờ Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị rực sáng trong ngày thống nhất

TTO - Sau khi lắp hệ thống đèn với hiệu ứng đặc biệt, những địa danh “đỏ” tại Quảng Trị như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đôi bờ Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị đã rực sáng trong dịp kỷ niệm ngày thống nhất non sông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên