08/10/2023 13:00 GMT+7

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 5: Phạm Duy và bức ảnh hiếm ở Việt Bắc

Làng ảnh Việt Nam có câu chuyện đặc biệt khi hai cha con cùng chụp những văn nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam thế kỷ 20. Người cha chụp, khi họ còn xanh mướt tuổi xuân ở chiến khu Việt Bắc. Còn người con chụp họ khi đã về già gai góc ở Hà Nội.

Bức ảnh hiếm vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy - Thái Hằng ở chiến khu Việt Bắc năm 1949 do ông Trần Văn Lưu chụp

Bức ảnh hiếm vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy - Thái Hằng ở chiến khu Việt Bắc năm 1949 do ông Trần Văn Lưu chụp

Đó là cha con nghệ sĩ nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Văn Lưu (1917 - 2003) và Trần Chính Nghĩa.

Phạm Duy và cuộc hạnh ngộ bất ngờ sau nửa thế kỷ

Nhờ cơ duyên kỳ lạ, Phạm Duy hơn 50 năm sau mới lần đầu được thấy bức ảnh quý giá nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã chụp ông và Thái Hằng cùng con đầu lòng còn trong bụng mẹ ở chiến khu Việt Bắc.

Trong căn nhà từng được gọi Gác Lưu xá của ông Trần Văn Lưu vì một thời tụ hội những nghệ sĩ tài danh Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên, Tử Phác, Phùng Quán..., ông Trần Chính Nghĩa, con trai cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, say sưa kể về những bức ảnh văn nghệ sĩ mà hai cha con cùng mê đắm chụp.

Nhìn tấm hình Phạm Duy mũ ca lô đội lệch, đứng bên vợ mới cưới là ca sĩ Thái Hằng diện sơ mi giản dị trên chiến khu Việt Bắc, chẳng ai ngờ chính Phạm Duy hơn 50 năm sau ngày bức ảnh được chụp mới lần đầu tiên nhìn thấy.

Bức ảnh quý và hầu như duy nhất của đôi nghệ sĩ nổi tiếng tài hoa này do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu chụp giống như hàng trăm bức ảnh văn nghệ sĩ nổi tiếng khác được ông chụp lúc họ tuổi còn xanh lên chiến khu Việt Bắc, đã nằm im lìm trong căn gác nhỏ nhà ông Lưu suốt hơn nửa thế kỷ.

Đầu năm 2005, gần Tết âm lịch, sáu năm sau lần trở về quê hương lần đầu, Phạm Duy ghé Hà Nội để chuẩn bị sô diễn cho con trai là ca sĩ Duy Quang ở Nhà hát lớn Hà Nội. Tác giả Tình hoài hương ghé thăm Hoàng thành Thăng Long.

Ở đây, một người chụp ảnh đã nhận ra ông. Người này là bạn thân ông Trần Chính Nghĩa nên biết về kho ảnh vô giá hơn 300 bức mà bố ông Nghĩa là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã chụp các văn nghệ sĩ hồi ở chiến khu Việt Bắc, trong đó có bức Phạm Duy - Thái Hằng. Và ông đã không bỏ lỡ cơ hội tiết lộ kho ảnh quý với nhạc sĩ tài hoa.

Phạm Duy nghe tới tên Trần Văn Lưu đã lập tức nhận ra người bạn chụp ảnh văn nghệ ở chiến khu Việt Bắc nơi ông từng tham gia hơn nửa thế kỷ trước.

Đúng chiều 30 Tết ngày 8-2-2005, Phạm Duy tìm đến căn phòng nhỏ nằm sâu trong hẻm nhỏ phố Hàng Bông, và rồi trở thành người đầu tiên trong số những văn nghệ sĩ đi kháng chiến năm xưa được khám phá kho ảnh cũ vô giá.

Ông xúc động vô cùng như gặp lại tuổi trẻ của mình khi mái tóc còn xanh mướt, bên người vợ mới cưới là ca sĩ Thái Hằng và đứa con đầu lòng trong bụng. Ông chưa bao giờ nhìn thấy bức ảnh này trước đó, thậm chí không còn nhớ về sự tồn tại của nó. Những ký ức thanh xuân dội về...

Năm tháng hào hùng

Đó là năm 1949, sau đám cưới giản dị với Thái Hằng ở khu bốn - Thanh Hóa do tướng Nguyễn Sơn làm chủ hôn, và những ngày êm đềm hạnh phúc bên vợ hiền cùng gia đình vợ ở Quán Thăng Long, Phạm Duy nhận lệnh về Việt Bắc.

Đây là đãi ngộ lớn của trung ương đối với văn nghệ sĩ có thành tích công tác, theo lời tướng Nguyễn Sơn và GS Đặng Thai Mai (lúc ấy là chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa) nói với Phạm Duy.

Vợ chồng ông quyết định cùng nhau lên Việt Bắc. Giữa đường mới biết Thái Hằng đang mang thai con đầu lòng, nhưng họ vẫn tiếp tục hành trình rất gian khổ, hiểm nguy.

Họ tới Yên Giã, một khu rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn và được cơ quan phát cho mảnh đất rồi có người tới phụ giúp dựng một mái nhà nứa.

Ở đây, Phạm Duy gặp lại hầu hết bạn bè cũ trong làng nhạc như vợ chồng Văn Cao, vợ chồng Văn Chung, nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc, Xuân Tiên, Xuân Lôi... Do sắp đại hội văn hóa đầu năm 1950, các văn nghệ sĩ ở khắp mọi nơi tụ hội về đây.

Và bức ảnh quý đôi vợ chồng son Phạm Duy - Thái Hằng những ngày ở chiến khu Việt Bắc cùng đứa con đầu lòng trong bụng mẹ đã được Trần Văn Lưu ghi lại. Đó là năm tháng các ca khúc Nhạc tuổi xanh, Bà mẹ Gio Linh, Nhớ người thương binh... của Phạm Duy được hát rất nhiều.

Bút tích nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy khi lần đầu được xem lại bức ảnh vợ chồng mình thuở thanh xuân ... Ảnh chụp lại: THIÊN ĐIỂU

Bút tích nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy khi lần đầu được xem lại bức ảnh vợ chồng mình thuở thanh xuân ... Ảnh chụp lại: THIÊN ĐIỂU

Hơn 50 năm sau, xúc động được gặp lại thanh xuân của mình, Phạm Duy đã ghi cảm xúc về gia tài ảnh quý của người bạn và hy vọng một ngày nó sẽ được in sách ra công chúng.

Ông viết: "... ngẫu nhiên tôi được gặp gia đình cụ Trần Văn Lưu và được coi 300 bức ảnh cụ chụp những năm 1946 - 1954, ghi lại thời kỳ kháng chiến với nhiều bức hình vô cùng quý giá, nhất là với hầu hết các bộ mặt văn nghệ sĩ đi chiến đấu vào lúc tuổi họ còn xanh mướt.

Giờ thì trong số văn nghệ sĩ tiền chiến đó, chỉ còn vài ba người còn sống, nhưng những bức hình mà cụ Lưu đã ghi lại qua ống kính đó sẽ làm cho họ bất tử...".

Những dòng này và bức hình vợ chồng Phạm Duy - Thái Hằng cùng những bức ảnh quý văn nghệ sĩ kháng chiến của Trần Văn Lưu mới đây đã được đưa vào cuốn sách ảnh Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu (NXB Kim Đồng, 2017, Nguyễn Huy Thắng và Trần Chính Nghĩa biên soạn).

Thế Lữ - bức chân dung thời đại

Đó là bức ảnh nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu chụp khoảnh khắc Thế Lữ đang chăm chú hóa trang cho vai diễn người đọc hịch vở Đề Thám xuất quân do ông viết và dựng cho Đoàn kịch Thế Lữ diễn ra vào tối 14-4-1949, trong Hội nghị văn nghệ bộ đội tổ chức ở Việt Bắc.

Trung tâm bức ảnh là Thế Lữ đang hóa trang với đôi mắt mở to nhìn thẳng, những hành động dứt khoát của bàn tay hóa trang tài tình cho thấy lòng say mê và sự nghiêm túc đặc biệt với công việc nhân vật đang làm. Vậy mà người nghệ sĩ ấy đang trang điểm dưới ánh đèn dầu lạc trong rừng heo hút nơi chiến khu Việt Bắc.

Bức ảnh Trần Văn Lưu chụp Thế Lữ cùng đồng nghiệp đang hóa trang trước vở kịch Đề Thám xuất quân năm 1949

Bức ảnh Trần Văn Lưu chụp Thế Lữ cùng đồng nghiệp đang hóa trang trước vở kịch Đề Thám xuất quân năm 1949

Bức ảnh ngủ yên trong kho nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu cùng hàng trăm bức ảnh quý khác. Cho đến năm 2000, nhờ đọc thông tiếng Pháp, hay theo dõi các tạp chí nhiếp ảnh Pháp, ông Lưu biết tới cuộc thi ảnh của tạp chí chuyên về nhiếp ảnh Réponses Photo có chủ đề "Chân dung thời đại", ông đã lựa bức ảnh mình chụp Thế Lữ đang hóa trang để gửi dự thi. Bức ảnh của ông được trao giải nhì với tiền thưởng là 500 fr.

Ông Lưu đã nhờ ban tổ chức dùng tiền ấy mua tạp chí nhiếp ảnh từ Pháp gửi cho ông trong cả năm trời. Ông Trần Chính Nghĩa, con ông Lưu, kể số tiền đó năm ấy có thể mua được mấy chỉ vàng, nhưng cha ông chỉ "dùng tiền để nuôi nghệ thuật" như cả đời ông đã làm.

------------------

Đến lượt mình, ông Trần Chính Nghĩa lại cầm máy chụp chính những người bạn nghệ sĩ lớn của người cha khi họ đã về già.

Kỳ tới: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Văn Cao trong ống kính Trần Chính Nghĩa

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 4: Đà Lạt sương khói hôm quaChuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 4: Đà Lạt sương khói hôm qua

Trong album ảnh tư liệu bạn bè đồng nghiệp của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu, có một bức hình đẹp tự nhiên và dung dị, khiến người xem muốn dừng lại hồi lâu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên