* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh (phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM):
Cơ quan nhà nước phải lên tiếng kịp thời
Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm có đề cập đến việc xử lý tội phạm Internet. Tuy nhiên hiện nay quản lý Internet của ta rất hạn chế, có thể nói việc sử dụng, đưa thông tin lên mạng, đặc biệt là các trang cá nhân, dù có quản lý nhưng không đến nơi đến chốn. Điều này khiến nhiều lúc nhiều nơi, những thông tin không đáng tin cậy được lan truyền trên mạng khiến cộng đồng bị sa vào, bị cuốn theo dẫn đến hoang mang.
Khi xã hội xuất hiện thông tin ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư thì phải có cơ quan nhà nước đưa ra câu trả lời chính thức trong thời gian sớm nhất. Câu trả lời phải nêu được nội dung: việc đó có hay không? Vì sao? Nếu chưa thể có kết luận cụ thể cũng phải lên tiếng cam kết với dư luận là trong bao lâu sẽ có câu trả lời. Điều này có tác dụng trấn an dư luận, tạo sự an tâm cho người dân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, kích động. Chứ còn hiện nay ai muốn lên mạng cũng được, rồi muốn tung tin gì trên đó cũng được mà không có người trả lời, giải đáp lại kịp thời. Còn những người trực tiếp bị thiệt hại vì loại tin tức thất thiệt đó cũng không thể lên tiếng biện hộ cho mình, có biện hộ cũng ít có người tin.
Nếu không quản được Internet thì chẳng những tạo đất sống cho tin tức giật gân, câu khách mà cả những thông tin gây bất lợi cho đất nước, cho chế độ cũng sẽ phát tán nhiều hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những công nghệ, kỹ thuật quản trị mạng cao hơn. Bên cạnh đó, với một số trường hợp tung tin thất thiệt đã được làm rõ, xác định cụ thể đối tượng thực hiện tung tin, phát tán tin thì nên xử thật nghiêm để răn đe, làm gương.
Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang* Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM):
Bộ Thông tin - truyền thông cần nhanh chóng vào cuộc
Đối với dạng thông tin như kiểu “chuột trong nồi nước hủ tiếu”, đây là biểu hiện của thông tin sai sự thật, thông tin không được kiểm chứng gây hậu quả nặng nề. Người đầu tiên đăng phát thông tin này phải chịu trách nhiệm về hành vi đưa tin thất thiệt. Các trang mạng, trang cá nhân đua nhau đăng tải lại cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi phát tán thông tin sai sự thật. Các trang mạng có ảnh hưởng xã hội rộng lớn, vì vậy các hành vi trên cần phải được xử lý nghiêm để ngăn chặn xu hướng giật gân câu khách đang trở nên phổ biến trong giới truyền thông.
Hiện pháp luật đã có quy định cấm không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư của các cá nhân (nghị định 51/2002/NĐ-CP) và cấm thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (nghị định 72/2013/NĐ-CP). Tuy nhiên trong thực tế, việc xử phạt đối với hành vi “thông tin ảnh hưởng xấu đến đời tư” còn khó khăn do các quy định hiện chưa đầy đủ. Chưa có văn bản pháp luật nào xác định thế nào gọi là ảnh hưởng xấu đến đời tư, vì vậy không có căn cứ để xử phạt. Nếu không nhầm thì đến nay cơ quan chức năng cũng chưa xử phạt trường hợp nào vì hành vi này mà chủ yếu chỉ là nhắc nhở.
Về căn bản, để giải quyết tình trạng giật gân câu khách của các trang mạng, trang cá nhân, Bộ Thông tin - truyền thông cần nhanh chóng vào cuộc chấn chỉnh lại hoạt động theo tinh thần nghị định 72/2013 mới ban hành. Ngoài ra, giật gân câu khách là hành vi thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp, vì vậy cũng cần phải điều chỉnh bằng sự phê phán mạnh mẽ của dư luận cộng đồng, nhất là trong chính báo giới.
* Trần Văn Hiếu (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần xử phạt nặng
Khi đưa thông tin trên báo chí, các trang mạng điện tử, trang thông tin cá nhân thì cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ quy định của pháp luật. Căn cứ các quy định trên có thể thấy tình trạng báo chí khai thác quá mức về đời tư cá nhân, đưa lên mặt báo những thông tin về cha mẹ, vợ con, anh chị em, các mối quan hệ xã hội... của bị can, bị cáo nhằm câu view, thu hút người đọc là xâm phạm đến quyền được bảo vệ thông tin cá nhân của những người có liên quan.
Không chỉ cơ quan báo chí mà cá nhân, tổ chức nào khác có hành vi sử dụng, khai thác thông tin cá nhân, khai thác đời tư của một người mà không được sự cho phép của người đó (cũng không thuộc trong các trường hợp được công bố thông tin theo tư liệu, quyết định của cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật) là hành vi xâm phạm đời tư cá nhân cần phải bị xử lý theo pháp luật.
Đối với chủ tài khoản xã hội, trang cá nhân khác tuy không phải là cơ quan báo chí nhưng khi thông tin trên mạng, cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin, phát ngôn của mình trên đó, nếu vi phạm pháp luật thì vẫn phải bị xử lý theo các chế tài quy định. Trường hợp lợi dụng trang cá nhân để xúc phạm danh dự người khác, thông tin sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của việc này mà chủ trang cá nhân phải bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử hình sự về các tội như vu khống, làm nhục người khác...
Phóng to* Đại biểu Quốc hội HUỲNH NGỌC ĐÁNG (Bình Dương):
Phải biết hổ thẹn vì cách đưa tin vô văn hóa
Tôi cũng có đọc một số trang báo điện tử, trang thông tin trên mạng và nhiều lúc choáng váng với những thông tin đăng với mục đích câu view quá đáng. Điều mà nhiều người gọi là “sốc, sex, sến” trên báo mạng, đáng buồn, lại có xu hướng ngày càng lan rộng. Tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng của Nhà nước nên vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý, loại trừ những thông tin độc hại như vậy.
* Một ví dụ gần đây nhất liên quan đến vụ trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, ngoài việc khai thác tường tận lý lịch, quan hệ của nghi can Nguyễn Mạnh Tường, một số bài viết đã đi quá sâu vào cuộc sống gia đình, chồng, con của nạn nhân, đặc biệt có những phóng viên còn đi gặp mẹ, các con của nghi can để đưa họ lên báo...
- Với góc độ là một người làm báo, chúng ta thấy rất hổ thẹn về cách tiếp cận, đưa tin rẻ tiền và vô nhân đạo như vậy. Họ không xứng đáng là người cầm bút, làm công việc thông tin nữa. Tôi nghĩ nếu một người có văn hóa, có học thì không ai làm chuyện đó cả. Nghi can Nguyễn Mạnh Tường có tội thì sẽ bị pháp luật trừng trị. Nhưng mẹ anh ta, con cái anh ta có tội tình gì mà bị đưa lên báo, thậm chí đưa cả địa chỉ gia đình nhà người ta lên? Viết một bài báo chỉ với mục đích câu view mà vô tình hoặc cố ý tước đoạt tương lai của những đứa trẻ vô tội thì có xứng đáng cầm bút hay không, xứng đáng là con người có văn hóa hay không? Những người viết ra những bài báo như vậy có biết rằng chính họ đang thật lạnh lùng và tàn nhẫn, thậm chí họ đang là người gây ra tội ác.
* Theo ông, cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng này?
- Họ chỉ nhằm một mục đích là kéo nhiều người đọc, tăng lượng view của bài để câu quảng cáo, vì mục đích kinh tế hoặc xa xôi hơn là vì mục đích chính trị nào đó. Chúng ta cần kiên quyết chấn chỉnh. Trước hết là mỗi người cầm bút cần kiên quyết đấu tranh với cái xấu, với sự vô cảm, vô văn hóa trong công việc hằng ngày. Hãy bằng những hành động văn hóa để trấn át, loại trừ những thứ phản văn hóa. Còn về mặt pháp luật, tôi cho rằng hiện nay các quy phạm chưa đủ để chi phối, xử lý triệt để. Tuy nhiên, tôi kiến nghị các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cần vào cuộc, nghiêm trị sai phạm để chấn chỉnh tình trạng này.
LÊ KIÊN thực hiện
__________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Thảm họa "câu view" Kỳ 2: Hoặc tin bài, hoặc nghỉ việc Kỳ 3: View đây, like đây: ai mua không? Kỳ 4: Có view mới có quảng cáo, nhưng... Kỳ 5: Không ai phạt nên cứ câu view
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận