26/04/2011 07:20 GMT+7

Nam bộ những ngày hào hùng - Kỳ 3: Chuyển hướng chiến lược

(Trích chương 2. Tình trạng hiểm nghèo của cách mạng miền Nam)
(Trích chương 2. Tình trạng hiểm nghèo của cách mạng miền Nam)

TT - Tuổi Trẻ lược trích một số nội dung phân tích và đánh giá mới trong bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến.

Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng (họp từ 25-8-1956 đến 5-10-1956, họp làm hai đợt) vẫn khẳng định đấu tranh thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình. “Phương châm vẫn là giữ gìn và tích trữ lực lượng, đấu tranh bền bỉ và lâu dài, chống phiêu lưu mạo hiểm, đồng thời chống thủ tiêu đấu tranh”. Trong thực tế, Đảng bộ Nam bộ không nhận được chỉ đạo nào của Trung ương cho phép vũ trang tự vệ.

2sItnDP9.jpgPhóng to

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đứng) chủ trì cuộc họp thường kỳ của ban thường trực Hội đồng chỉ đạo biên soạn sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Đa sắc đa chiều Kỳ 2: Tôn trọng sự thật

...Năm 1957, trong điện mật gửi Xứ ủy Nam bộ, Ban Bí thư Trung ương Đảng còn phê phán nặng nề: (các nơi) còn thể hiện tư tưởng lệch lạc cần được uốn nắn; (phải) làm cho các cấp thật thông suốt và khẳng định đường lối hòa bình đấu tranh thống nhất đất nước. Không thể do chủ quan nôn nóng rồi mơ tưởng hình thức đấu tranh vũ trang là rất nguy hiểm vì sẽ tạo điều kiện cho đế quốc Mỹ xen vào gây chiến tranh trên đất nước ta...

... “Vấn đề vũ trang tuyên truyền, (Xứ ủy) cần theo dõi chỉ đạo cho đúng mức. Trước tình hình đấu tranh giành chính quyền gay gắt với địch, đề phòng các địa phương dễ bị kích thích rồi phát triển và hoạt động bừa bãi...”.

Tự cứu mình

Bản “Đề cương cách mạng miền Nam” được Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn chuẩn bị trong nhiều năm, nhất là vào cuối năm 1955 ở Cà Mau và ở Bến Tre và hoàn thành năm 1956 ở Sài Gòn. Bản Đề cương cách mạng miền Nam khẳng định: Để chống lại Mỹ - Diệm nhân dân miền Nam chỉ có con đường cứu nước và tự cứu mình, là con đường cách mạng. Ngoài con đường cách mạng không có một con đường khác. Và đề ra “Phương pháp đấu tranh thích hợp”: có thể có nhiều hình thức đánh đổ một chính quyền phản động, mà sự sụp đổ của nó cũng phải trải qua nhiều giai đoạn, tùy theo tình hình cụ thể... Cũng có thể những cuộc nổi dậy của một bộ phận chính quyền với nhân dân để đánh đổ chính quyền ấy...

Đề cương cách mạng miền Nam được gửi ra Trung ương và được thông qua tại Hội nghị Xứ ủy Nam bộ họp tại Phnom Penh (Campuchia) cuối năm 1956 - đầu năm 1957. Bản đề án Vũ trang tuyên truyền cũng được đưa ra tại hội nghị nhưng không biểu quyết, Xứ ủy đã triển khai đợt học tập Đề cương cách mạng miền Nam trên toàn Nam bộ một cách nghiêm túc như một đợt chỉnh huấn, nên tư tưởng đề cương ngấm sâu vào tư tưởng cán bộ, đảng viên từ xứ ủy đến tận cơ sở, trở thành “cẩm nang” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (trước khi có nghị quyết 15).

Trong thời gian từ giữa năm 1956 đến cuối năm 1958, Xứ ủy đã hai lần chính thức đề nghị Trung ương xem xét lại đường lối chỉ đạo cách mạng miền Nam. Cụ thể như sau: Lần thứ nhất, gửi Đề cương cách mạng miền Nam ra Trung ương vào tháng 8-1956 đã “soi sáng và giải quyết nhiều vấn đề cơ bản như mục đích và đối tượng cách mạng miền Nam, tính chất của cuộc đấu tranh ấy” nhưng “chưa giải quyết thỏa đáng về hình thức và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam”. Đề cương này không được Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương chấp thuận.

Lần thứ hai là chuyến đi vào tháng 5-1957 của hai ông Phan Văn Đáng (Hai Văn), với tư cách ủy viên thường vụ Xứ ủy và ông Phạm Văn Xô, xứ ủy viên, ra Bắc theo lệnh của Thường vụ Xứ ủy để báo cáo cụ thể tình hình và xin ý kiến về chuyển phương hướng đấu tranh.

Tháng 8-1957, hai ông đến Hà Nội và “luôn đề nghị ông Lê Duẩn triệu tập hội nghị trung ương bàn về cách mạng miền Nam và xin phép được trở về địa phương hoạt động”. Ông Lê Duẩn trả lời: “Lúc này chưa họp được vì còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Dự thảo nghị quyết chưa chuẩn bị xong”. Vì vậy các ông phải chờ đợi hơn một năm sau mới dự họp Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (đợt 1 tháng 1-1959) để bàn về cách mạng miền Nam.

Lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chỉ trong bốn năm từ 1955-1958, cả miền Nam tổn thất 9 phần 10 số cán bộ đảng viên. Ở Nam bộ khoảng 7 vạn cán bộ đảng viên bị địch giết; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, bị tù đày, gần 20 vạn bị tra tấn thành thương tật, chỉ còn khoảng 5 ngàn so với 60 ngàn đảng viên trước đó. Gia Định, Biên Hòa, mỗi tỉnh chỉ còn một chi bộ. Bến Tre còn 162 đảng viên, Mỹ Tho còn 92 đảng viên. Kiến Tường còn 3 đảng viên, khu Sài Gòn - Chợ Lớn còn khoảng 200 đảng viên. Tỉnh ủy Gia Định không còn một tỉnh ủy viên nào, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chỉ còn 2 khu ủy viên.

Tháng 9-1959, sau hai năm ở miền Bắc chờ xin ý kiến Trung ương về đường lối cách mạng miền Nam, hai thành viên Xứ ủy Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô đã về tới Nam bộ, báo cáo nội dung cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi về Nam như sau: “Chủ tịch đã hỏi hai thành viên Xứ ủy: “Trung ương lập ra Xứ ủy... để làm gì? Xứ ủy phải chịu trách nhiệm với ai?”.

Sau khi nghe hai vị trả lời và thổ lộ hết những nỗi uất ức của đảng bộ và nhân dân Nam bộ, Hồ Chủ tịch nói: “Nếu nói Xứ ủy chỉ chịu trách nhiệm với Trung ương thôi là chưa đủ. Trung ương ở xa, giao trách nhiệm cho Xứ ủy. Vậy thì Xứ ủy còn phải chịu trách nhiệm với nhân dân miền Nam nữa. Bất kỳ tình hình như thế nào cũng không được để địch tàn sát dân, tiêu diệt cơ sở cách mạng. Có Xứ ủy mà dân cứ bị tàn sát thì có Xứ ủy để làm gì?...”. Khi các ông ra về, Hồ Chủ tịch còn dặn: “... Mấy chú về báo với Xứ ủy là Bác phê bình Xứ ủy thiếu sáng tạo, chỉ biết phục tùng cấp trên”.

Được sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời dặn dò hai xứ ủy viên Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô khi các vị trở về Nam, lúc nghị quyết trung ương 15 chưa thành văn bản vì còn ý kiến khác nhau trong Ban chấp hành Trung ương, Xứ ủy Nam bộ đã nhạy bén tiếp thu tư tưởng chỉ đạo có ý nghĩa chiến lược đó, kịp thời đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với đòi hỏi của quần chúng.

Tại cuộc họp tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Linh nhận định: “Quần chúng đang bị địch o ép, bị dồn đến chân tường mà mình không có chủ trương, không đề ra được một hình thức đấu tranh nào khác thì không thể được. Nếu ta phát động đấu tranh vũ trang thì nhất định quần chúng đứng về phía ta thôi...”.

Sau này năm 1960, Xứ ủy đã có ý kiến phân tích, đánh giá về những sai lầm trong chỉ đạo cách mạng miền Nam thời gian 1956-1958: “Khẩu hiệu đòi thi hành Hiệp định Genève rất cần thiết đưa ra nhưng phải xem đó là một khẩu hiệu chiến thuật chứ quyết không thể xem thi hành Hiệp định Genève là một khả năng thực tế... Như vậy là lấy một chiến thuật thay cho đường lối chiến lược, lấy một sách lược cải lương thay cho đường lối cách mạng...”.

Hai mươi năm sau ngày kháng chiến kết thúc thắng lợi (tháng 4-1995), Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị nhận định: ...”Trong một thời gian khá dài, từ năm 1955-1958, khi cả miền Nam tràn ngập trong nước sôi lửa bỏng, Đảng ta đã chậm tìm ra phương pháp đấu tranh chuyển thế, để địch thẳng tay khủng bố, tàn sát, gây tổn thất không kể xiết cho nhân dân miền Nam, đưa cách mạng lâm vào tình trạng rất hiểm nghèo”.

(*) Tít chính và tít nhỏ trong bài do tòa soạn đặt.

_________________________

Kỳ tới: Sài Gòn những ngày cuối

(Trích chương 2. Tình trạng hiểm nghèo của cách mạng miền Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên