Thác cùng nằm ở xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị. Đến nay, chỉ có người dân địa phương, kiểm lâm và bảo vệ rừng biết về sự tồn tại của những thác nước này.
Thác nước Hồng Thạch quyến rũ
Sau nhiều lần hẹn hò, chúng tôi cũng thuyết phục được 2 bảo vệ rừng dẫn khám phá thác Hồng Thạch. Gọi là Hồng Thạch vì trên đường đi, dọc theo lối mòn và men theo suối có rất nhiều hòn đá màu đỏ sẫm, hồng đậm với đủ kích cỡ lớn nhỏ khác nhau.
Tuy nhiên, tên theo tiếng địa phương của thác này là Tăng Kroang. Một cái tên khó đọc, khó nhớ, nhưng đã một lần chinh phục thác nước quyến rũ này thì lữ khách sẽ khó lòng quên được.
Từ điểm cuối thôn A Đu, chúng tôi men theo khe Pạc Leng 3 tiếng đồng hồ đi bộ là đến Hồng Thạch. Đường đi không quá khó nhưng trơn trượt vì băng cắt suối nhiều lần và giẫm chân ướt sũng lên đá tảng.
Giữa rừng già nguyên sinh Trường Sơn, Hồng Thạch thôi thúc người đi bởi tiếng nước ào ạt. Chạm vào mắt đầu tiên là ba dòng nước trắng xóa chảy trên vách đá dựng đứng. Dòng nước tuôn không ngừng cho thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên.
Lại gần chân thác, bọt nước tung trắng xóa, gió thổi mát lạnh xua tan đi bao mệt mỏi, muộn phiền.
Con người thật quá nhỏ bé giữa thiên nhiên kỳ vĩ và nhiều bí ẩn.
Hồng Thạch gồm 2 thác nước liền nhau, chia thành 2 bậc rõ rệt. Thác dưới cao khoảng 70m, rộng 30m, thác trên cao 40m, bề rộng nhỏ hơn. Dưới mỗi chân thác đều có một hồ nước nhỏ.
Anh Hồ Văn Dung - tổ trưởng tổ bảo vệ rừng xã Tà Long - cho hay người địa phương thỉnh thoảng lên khu vực này thả lưới đánh cá suối, hái măng rừng hoặc lấy mật ong…
Cắm trại qua đêm ở chân thác, lắng nghe tiếng thác đổ trong đêm tĩnh lặng, ngắm nhìn những con đom đóm chớp đỏ chớp tắt sát bên thác là những trải nghiệm khó quên nếu bạn từng một lần đặt chân đến Hồng Thạch.
Apacha ẩn hiện trong mây
Trong khi đó, thác Apacha thuộc thôn Tà Lao, xã Tà Long. Cùng thuộc một xã nhưng 2 thác cách khá xa nhau và không thể chinh phục 2 thác trong cùng một ngày. Đường đến thác Apacha men theo khe Pa Cha khoảng 3 tiếng đi bộ.
Thác Apacha cao hơn 100m, chia làm nhiều bậc và thoải hơn so với Hồng Thạch. Mùa này, những cơn mưa dông rừng bất chợt xuất hiện làm thác Apacha thoắt ẩn thoắt hiện giữa những làn mây mỏng.
Chân thác là một hồ nước rộng lớn.
Men theo đường rừng bên phải thác, lữ khách dễ dàng leo lên thác để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng. Từ đỉnh thác, phóng tầm mắt ra xa là khung cảnh hùng vĩ của núi rừng điệp trùng.
Dọc đường đi, bạn cũng dễ dàng bắt gặp những đàn bướm đậu ven suối uống nước, hoặc những nhánh lan rừng đỏ rực giữa nền xanh của núi rừng.
Anh Nguyễn Hoàng, du khách từ TP Đông Hà, cho hay Apacha thực sự hùng vĩ và cuốn hút, thích hợp với du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên hoang sơ.
Ông Trương Quang Trung - giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông - cho hay thác Apacha nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn.
"Chúng tôi đang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, điều chỉnh các phân khu hợp lý, rồi làm đề án du lịch sinh thái tại thác này. Bài toán là để vừa có lợi ích cho rừng, vừa có lợi ích cộng đồng, tạo ra giá trị, có thu nhập cho bà con thì sẽ giảm áp lực phá rừng. Bảo vệ nghiêm ngặt thì giữ được nét hoang sơ, nhưng dân bản không có nguồn lợi", ông Trung thông tin.
Hiện cả 2 thác Hồng Thạch và Apacha đều chưa có hoạt động du lịch tại đây, mà chỉ có người địa phương, kiểm lâm và bảo vệ rừng lên khu vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận