22/03/2015 09:20 GMT+7

​Chỉ cho thuốc khi cần điều trị

BS LƯU KÍNH KHƯƠNG
BS LƯU KÍNH KHƯƠNG

TT - Sau khi đọc bài báo “Máy bảo bệnh chưa chắc bệnh” (Tuổi Trẻ 15-3), BS Lưu Kính Khương góp thêm ý kiến về chủ đề này.

Trái tim con người hình thành từ rất sớm và hoàn thiện dần khi còn trong bào thai và từ đó tim đập cho đến khi chúng ta về chầu ông bà. Mỗi phút tim đập trung bình khoảng 80 lần, vị chi mỗi ngày gần 115.000 lần, thử hỏi sau 40, 50 năm...làm việc miệt mài ngày cũng như đêm thì chuyện xơ hóa, dày lên rồi vôi hóa do chế độ ăn uống dẫn đến hở nhẹ van tim ¼ cũng là bình thường.

Trong trái tim chúng ta có các van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Van hai lá ngăn giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái, còn van động mạch chủ ngăn giữa tâm thất trái với động mạch chủ bên ngoài là đường dẫn máu nuôi các cơ quan quan trọng như não, gan, thận, phổi...

Tâm thất trái giữ vai trò quan trọng để bơm máu nuôi cơ thể, nếu vì một lý do nào đó gây tổn thương hở van hai lá thì máu bơm từ tâm thất trái trào ngược về nhĩ trái làm giảm lượng máu ra động mạch chủ để nuôi cơ thể; còn khi hở van động mạch chủ thì lượng máu khi bơm ra bị trào ngược lại tâm thất trái cũng làm giảm lượng máu nuôi cơ thể.

Van tim hở 1/4 thì lượng máu có trào về cũng không đáng kể, hầu như không ảnh hưởng đến sinh hoạt và chỉ được phát hiện khi tình cờ đi siêu âm. Chỉ khi van tim hở nhiều hơn từ 2/4 trở lên, giai đoạn đầu tim sẽ bù trừ bằng cách tăng nhịp tim lên, lâu dần sẽ dễ dẫn đến suy tim.

Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy mệt khi gắng sức như lên cầu thang hay đi bộ nhiều, hoặc hoạt động gì gắng sức cũng cảm thấy mệt. Nặng hơn thì bệnh nhân sẽ mệt cả khi nghỉ ngơi, khó thở về đêm hay khi nằm đầu thấp.

Những trường hợp hở van tim khi có bệnh lý van tim thực thể hay có ảnh hưởng chức năng thất trái thường hở từ 2/4 trở lên được điều trị bằng các thuốc chữa suy tim. Nhóm này cũng có tác dụng với bệnh nhân hở van tim có triệu chứng đang chờ mổ.

Van tim nhân tạo gồm có van tim cơ học và van tim sinh học, van tim nhân tạo có tuổi thọ khoảng 10-15 năm. Do đó chỉ thay van tim khi thật sự cần thiết, tức là khi để lâu tim có nguy cơ bị suy, rung nhĩ gây nguy cơ tai biến mạch máu não, phù phổi...

Vì vậy, nếu ai đi siêu âm được chẩn đoán chỉ hở van tim 1/4 mà được cho thuốc về uống thì nên hỏi lại bác sĩ chữ tâm đâu rồi.

Hay có những trường hợp bệnh nhân còn trẻ thỉnh thoảng than nhức đầu hay rần rần ở thái dương, khi khám bác sĩ đo huyết áp tâm thu chỉ 130 hay 140 mmHg nhưng cũng được cho thuốc chống tăng huyết áp về uống.

Trong khi đúng ra trong những tình huống như vậy chưa thật sự cần thiết phải điều trị mà chỉ cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi và dùng những biện pháp không dùng thuốc như chế độ ăn bớt mặn, nhiều rau xanh, tập thể thao đều đặn cũng có thể giúp huyết áp về bình thường.

Cái tâm người thầy thuốc ở đây là chỉ điều trị thuốc khi thật sự cần điều trị, chỉ định mổ khi thật sự cần mổ chứ không vì lợi nhuận mà bất chấp sự đau khổ của người bệnh.

BS LƯU KÍNH KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên