15/03/2015 10:09 GMT+7

​Máy bảo bệnh chưa chắc bệnh

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

TT - Nhiều người sau khi siêu âm tim thấy hở van tim 2 lá, 3 lá, hoảng lên nhưng đến bác sĩ khám thì nói không bệnh; ngược lại có người siêu âm, điện tim bình thường nhưng bác sĩ khám bảo bệnh.

Tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh: Hữu Khoa
Không thiếu gì người mệt muốn đứt hơi mà thầy thuốc siêu âm tới lui nhiều lần vẫn không tìm ra bệnh!

Nhờ kỹ thuật hiện đại, chẩn đoán ngày nay là dữ kiện rõ ràng đến từng chi tiết nhỏ trên giấy trắng mực đen. Sinh viên y khoa ở thế kỷ này chắc chắn không biết nỗi khổ của người học nghề làm thuốc vào bốn, năm thập niên về trước, khi bây giờ thiếu học liệu chỉ cần truy cập Internet, muốn biết nội tạng ra sao thì nhìn trực tiếp qua ống nội soi.

Vì máy quá tốt

Đã lỗi thời mất rồi hình ảnh thầy thuốc chăm chú lắng nghe từng tiếng tim khi vị trí của nhà điều trị thời nay hầu như đóng đinh trước màn hình máy vi tính. Mặt khác, có lẽ vì kích thước màn hình quá rộng, vì độ phân giải quá rõ nên thường khi che mất hình ảnh cá biệt của... người bệnh!

Chính vì máy quá tốt nên không thiếu người bỗng biến sắc thất thần khi rời phòng khám sau lần kiểm tra sức khỏe định kỳ vì nhận được chẩn đoán hở van tim 2 lá, 3 lá gì đó. Ai giữ bình tĩnh cho nổi khi biết đâu đó trong lồng ngực của mình đang có một khe hở! Ai không lo nếu vết thương lòng, thầm kín sớm có ngày xé ra to! 

Thầy thuốc ngày xưa khó có thể chẩn đoán chính xác nếu van 2 lá bị hở chút xíu vì phải đợi đến khi bệnh khá nặng mới nghe được tiếng tim bệnh lý. Nhà điều trị bây giờ nhàn hạ hơn nhiều vì đã có máy siêu âm màu ba chiều đo chính xác từng ly, từng chút lượng máu dội ngược khi van tim không đóng kín. Do đó hết đường chối cãi. Máy bảo bệnh thì... bệnh!

Cũng may là gần đây đã có nhiều thầy thuốc đồng ý với quan điểm hở van tim 2 lá, 3 lá ¼ trên máy siêu âm chưa có ý nghĩa bệnh lý nếu không đi kèm một số triệu chứng khác điển hình của bệnh hở van tim. Chỉ khổ là số bệnh nhân được giải thích tường tận để đừng quá lo, để đừng quá sợ vẫn đang chiếm... thiểu số!

Chuyện đời còn gì phức tạp nếu không có trường hợp... ngược lại. Trong khi có đối tượng bề ngoài còn khỏe bỗng ngã bệnh vì máy phát hiện chiếc van nào đó xì lỗ mọt thì cũng không thiếu gì người mệt muốn đứt hơi mà thầy thuốc siêu âm tới lui nhiều lần vẫn không tìm ra bệnh! Đó là số người rõ ràng hồi hộp, hụt hơi, ngộp thở khi gắng sức, nghĩa là triệu chứng điển hình của bệnh tim, nhưng kết quả siêu âm, điện tim lại bình thường! Nếu tưởng bệnh nhân giả đò hay nhõng nhẽo thì lắm khi oan cho người bệnh.

Đừng quên bộ não

Đau tim dù không tìm được sứt mẻ ở tim là trường hợp không hiếm thấy ở các đối tượng, đa số là phụ nữ, thuộc nhóm bệnh rối loạn chức năng tim do nguyên nhân thần kinh - nội tiết vì:

* Đau khổ lâu ngày bởi tình duyên trục trặc.

* Trầm uất do hậu quả của bệnh nội tiết như đái tháo đường, nhược tuyến giáp hoặc chưa biết, hoặc đã được điều trị nhưng không đến nơi đến chốn.

* Thường xuyên lo sợ vì căng thẳng trong nghề nghiệp, gia đình...

* Chấn động tâm lý sau tang sự, chấn thương, ly dị, phá sản.

* Và nhất là căm giận kéo dài vì ám tiễn bắn hoài sau lưng nhưng không có cơ hội nói hết cho hả giận nên từ tức cành hông chuyển sang nặng ngực rồi ở mãi không đi.

Điểm ngặt nghèo là tình trạng rối loạn chức năng của hệ tuần hoàn nếu không được điều trị kịp thời lại dễ phát triển thành bệnh thực thể như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ, thậm chí nhồi máu cơ tim do thuyên tắc mạch vành dù nạn nhân hãy còn rất trẻ, dù nạn nhân chưa hề có dấu hiệu báo động trước đó, dù bệnh nhân không béo phì cũng không tăng mỡ máu! Cũng chính vì thế mà xét nghiệm máu của bệnh nhân thường khi chỉ tốt cho... phòng khám!

Hở van tim đến mức độ bệnh lý tất nhiên dẫn đến bệnh tim. Nhưng nếu tưởng hễ bệnh tim phải có sứt mẻ sao đó ở van tim thì... lầm! Đừng quên vai trò chỉ đạo của bộ não! Trong ngôn ngữ đông y, chữ tâm bao trọn vừa chức năng bơm máu của trái tim, vừa chức năng tư duy vui buồn. Tâm mà không yên bình thì tim kia sớm muộn cũng ngã bệnh.

Chẩn đoán trong trường hợp này lại không thể dùng máy siêu âm, chụp hình cắt lát, đo điện tim... Định bệnh trong trường hợp này chỉ chính xác khi thầy thuốc trong lúc thao tác cũng có cái... tâm.

Cần tư vấn khi khám sức khỏe định kỳ

Việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho cán bộ công nhân viên các cơ quan, xí nghiệp cần có thêm mục tư vấn ngay sau khám để hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên theo chúng tôi biết hiện nay chỉ có 15-20% các cơ quan, xí nghiệp yêu cầu điều này khi khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên.

Cách đây gần 20 năm, siêu âm, MRI và CT scan, nội soi cùng những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại chưa có nhiều, độ nhạy, độ chuyên và độ chính xác của các phương pháp chẩn đoán này chưa cao. Việc chẩn đoán bệnh hầu như dựa vào khám lâm sàng, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ khám bệnh. Do đó niềm tin của bệnh nhân hầu như đặt vào người thầy thuốc của mình và cũng ít cảnh dở khóc dở cười trong khám chữa bệnh hằng ngày.

Ngày nay thì ngược lại, do sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh nên những tổn thương hay bất thường dù rất nhỏ của các cơ quan bộ phận như gan, thận, tim, đặc biệt là van tim... cũng được phát hiện.

Những kết quả ghi nhận được có khi làm cho bệnh nhân hoang mang và thầy thuốc lâm sàng rơi vào cảnh khó xử vì chưa có chuẩn mực nào rõ ràng được đưa ra làm ranh giới giữa sinh lý bình thường theo tuổi tác hay là biểu hiện của bệnh lý. Việc này càng khó xử nếu có sự phối hợp không rõ ràng giữa bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ lâm sàng, làm cho bệnh nhân không biết tin ai.

Nhưng theo quy định của ngành y, kết luận của bác sĩ khám bệnh là kết luận cuối cùng và chính xác vì họ khám bệnh nhân một cách tổng thể, bởi vì họ khám người bệnh bao gồm rất nhiều yếu tố: tuổi tác, giới tính, tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình... chứ không phải khám một bệnh đơn thuần. Còn kết luận của chẩn đoán hình ảnh đưa ra chỉ có giá trị tham khảo và phải hiểu kết quả đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Ví dụ như từ ngày có siêu âm tỉ lệ bệnh nhân phát hiện có gan nhiễm mỡ tăng, phần lớn những người trên 40 tuổi đều có gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên chúng ta phải tìm hiểu xem gan nhiễm mỡ độ mấy, có triệu chứng về gan mật đi kèm hay không vì đến tuổi này thoái hóa mỡ và tích tụ mỡ của các cơ quan như gan, cơ, bụng... là hiện tượng sinh lý đương nhiên.

Chính vì vậy để tránh hoang mang lo lắng vô cớ hay quá mức, bệnh nhân rất cần sự tư vấn kỹ của bác sĩ khám bệnh và luôn phải tâm niệm rằng những lời tư vấn ấy là chính xác và đáng tin cậy vì những bác sĩ này là người khám và hiểu bệnh nhân nhất. Còn bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chỉ căn cứ trên kết quả có được mà kết luận. Bác sĩ phải tư vấn kỹ càng, bệnh nhân phải tin tưởng bác sĩ, cả hai phía cùng phối hợp mới tránh được tình trạng dở khóc dở cười cho bệnh nhân và cho thầy thuốc.

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên