27/06/2014 05:00 GMT+7

Chắt bóp từng đồng cho con đến lớp

KIM THU
KIM THU

TT - Dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo, người làm cha, làm mẹ đều mong con mình học chăm, học giỏi và thoát cuộc sống bần hàn.

Nặng lòng cha mẹ nuôi conGần 2 tỉ đồng “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” ở Bến TreDù thế nào cũng ráng cho con học hành

1JXYJCn1.jpgPhóng to
* Ông Diệu mò mẫm dò đường khi cho heo ăn * Ông Hổ thường xuyên đẩy xe lăn đưa cháu Quỳnh đến lớp - Ảnh: Trung Tân

Khách hỏi đường vào nhà ông Nguyễn Duy Diệu (47 tuổi, thôn 7, xã Đắk Rồ, Krông Nô, Đắk Nông), một chị hàng xóm chỉ dẫn: “Có phải nhà Diệu - Sang, chồng mù lòa, vợ bệnh tim không?”. Chị hàng xóm còn dặn thêm: “Hết dốc này thấy hai căn nhà đang xây, căn nhà gỗ của chú Diệu lọt thỏm ở giữa”.

Cha mù, mẹ bệnh tim không để con thiếu chữ

60 hộ nông dân ở Đắk Nông được tiếp sức cho con đến trường

Sáng 27-6-2014, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Đắk Nông, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Đắk Nông với sự tài trợ của Công ty cổ phần GreenFeed VN tổ chức buổi lễ trao vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tại tỉnh Đắk Nông.

Chương trình sẽ trao 900 triệu đồng vốn cho 60 hộ nông dân ở hai huyện Krông Nô và Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Mỗi hộ sẽ nhận được số vốn vay không lãi suất là 15 triệu đồng và tiền thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng trong hai năm.

“Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” lần này nằm trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 367 của báo Tuổi Trẻ.

Khi khách đến, bà Lục Thị Sang (39 tuổi, vợ ông Diệu) đang lên TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tái khám bệnh hở van tim. Ông Diệu ở nhà lo nấu cám nuôi 11 con heo đang thời kỳ lớn.

Lúc này ông Diệu chuẩn bị cho đàn heo ăn cám, ông dò dẫm bước qua các ngạch cửa một cách chậm rãi. Rồi cũng bằng bàn tay dò dẫm, ông đổ cám vào các xô nhựa để sẵn, lần đến máng heo để đổ cám vào. Xong việc, ông trở vào nhà bắc một nồi hèm lên bếp để nấu rượu.

Ông Diệu kể năm 1996, trong một lần lên rừng cùng nhóm bạn, ông gặp tai nạn khi bị người đi săn bắn nhầm. Từ vụ tai nạn đó, sức khỏe ông Diệu sa sút hoàn toàn và trước mắt chỉ còn là bóng đêm.

Nhưng bi kịch vẫn chưa buông tha gia đình ông, vài năm sau vợ ông đổ bệnh. Đi bệnh viện được chẩn đoán là hở van tim, rối loạn thần kinh tim. Bác sĩ bảo bệnh này không nặng, có thể chữa lành nếu chịu khó nằm điều trị. Nhưng tiền đâu?

Vợ chồng bảo nhau lúc nào đau quá thì vô viện nằm ít hôm, đỡ lại xin thuốc về, còn lo rẫy vườn, còn cho con cái đi học. Vất vả, khó khăn là vậy, hai con của ông bà vẫn được đi học và năm nào cũng là học sinh tiên tiến.

Năm 2012, gia đình ông Diệu nhận 12 triệu đồng từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, vợ chồng đầu tư xây chuồng trại nuôi heo, mua heo giống về nuôi bán thịt.

Đến nay, từ nguồn vốn này ông đã nuôi được năm lứa heo, lãi khoảng 20 triệu đồng. Ông Diệu cho biết gần đây ông đã phải bán tám con heo thịt để dành tiền cho vợ đi bệnh viện vì “đau gần cả năm nay mà chưa có tiền”.

Thế nhưng hai tháng trước, thấy mẹ bệnh càng nặng, con đầu của ông bà là Nguyễn Thị Xuân, đang học lớp 12, đã bỏ học để vào Bình Phước làm trong công ty giày da, dù gia đình đã động viên đi học tiếp. Lương không nhiều nhưng hằng tháng Xuân vẫn gửi ít tiền về cho gia đình.

Ông Diệu tâm sự gia đình đã khuyên nhiều nhưng Xuân cứ quyết nghỉ học để em út là Nguyễn Thế Đạt được ăn học tiếp, vì cha mẹ thường xuyên đau bệnh...

Mong cho con khỏi bệnh

Khách vào nhà ông Hoàng Phi Hổ (51 tuổi, thôn 9, Tâm Thắng, Cư Jut, Đắk Nông) khi gia đình đang vội ăn cơm chiều để đưa con út là cháu Hoàng Như Quỳnh (11 tuổi) đi TP.HCM điều trị bệnh xương thủy tinh.

“Hôm nay trung tâm điều trị hẹn đưa cháu đến để thăm khám, điều trị trong vòng sáu tháng đến một năm. Cả nhà hi vọng nhưng cũng rất lo” - ông Hổ tâm sự.

Hơn 15 năm trước, ông Hổ nổi danh là người giàu có vì nhiều đất đai và “việc gì cũng biết làm”. Nhưng tai họa bỗng ập xuống gia đình ông, người vợ đầu của ông đột ngột qua đời vì tai nạn khi con trai đầu được hơn 2 tuổi. Nỗi buồn đã nhấn chìm ông, kinh tế gia đình sút giảm.

Năm năm sau, ông gặp và kết duyên cùng bà Đặng Thị Hồng (46 tuổi) và năm năm sau nữa thì cháu Quỳnh ra đời trong niềm vui của đôi vợ chồng. Nhưng cháu Quỳnh về nhà cứ khóc thét đau đớn. Vợ chồng ông Hổ đưa cháu đi bệnh viện mới biết con mình mắc căn bệnh hiếm gặp. Từ đó là hành trình đưa con đi băng bột, đi mổ chữa lành vết thương...

“Nhưng may mắn là cháu Quỳnh thông minh, lanh lợi nên bốn năm liền đều là học sinh xuất sắc” - ông Hổ bộc bạch.

Năm 2012, chương trình “Tiếp sức nhà nông...” cho vợ chồng ông Hổ một cơ hội thoát nghèo. “Nhận 14 triệu đồng từ chương trình, gia đình tôi vay thêm một số vốn nhỏ từ ngân hàng để xây dựng chuồng trại và nuôi heo nái. Tôi đi học một lớp sơ cấp thú y để chăn nuôi hiệu quả hơn. Cho đến nay gia đình tôi bán được bốn lứa heo và đang có ba heo nái trong chuồng” - ông Hổ cho biết.

Chia tay khách để cùng cha mẹ lên xe đi TP.HCM chữa bệnh, cháu Hoàng Thị Quỳnh vẫn cười tươi nói rằng: “Cháu sẽ chịu đau khi các bác sĩ chích, phẫu thuật để nhanh lành bệnh, để lại được về nhà đi học!”. Nghe giọng con thơ trong trẻo động viên mình, vợ chồng ông Hổ giấu đi giọt nước mắt chực rơi. “Tôi sẽ cố gắng tiếp tục nghề chăn nuôi để phát huy hiệu quả nguồn vốn của chương trình và cũng để có tiền cho con trị bệnh” - anh Hổ nói...

KIM THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên