15/08/2017 09:04 GMT+7

'Chắc chắn mình phải đi học tiếp!"

 ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Ngày nào còn đi theo mẹ hái lá thuốc nam, cô bé Lê Thị Mỹ Luyên (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) nay sắp là tân sinh viên Đại học Y - Dược Huế ngành y học cổ truyền.

*** Error ***
Hằng ngày Luyên đi khắp nơi hái cây thuốc nam kiếm tiền đi học - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Trời nắng như đổ lửa. Người đàn ông râu tóc xồm xoàm lăm lăm cây rựa và chiếc dùi, miệng lẩm bẩm điều gì nghe không rõ. Giữa sân đình, một cô bé dáng người nhỏ đang phơi từng mớ lá thuốc nam. Cô bé ngậm ngùi nói người đàn ông kia chính là cha mình.

Ước mơ trở thành bác sĩ đông y của Lê Thị Mỹ Luyên bắt đầu từ chính những cơn đau của người cha mắc căn bệnh tâm thần phân liệt đó. Những ngày trái gió trở trời, cha Luyên lại quậy phá. Mẹ Luyên cũng bị căn bệnh thần kinh tọa hành hạ.

Không ít lần cha đốt sách vở bắt Luyên nghỉ học. Những lúc như thế, Luyên lại dỗ cha uống thuốc rồi lén mang sách vở chạy sang nhà bà ngoại học, đợi khi cha ngủ lại về.

Ấy thế mà những năm học cấp ba, Luyên luôn là học sinh khá, giỏi của lớp, đoạt nhiều giải thưởng các cuộc thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ Luyên, nhớ lại: “Mỗi lần toan cho con nghỉ học, tui lại mở mấy tờ giấy khen của nó ra, xem đi xem lại mà đứt từng khúc ruột. Biết tin con đậu đại học mà tủi nhiều hơn mừng”.

Cả nhà Luyên bốn người sống nhờ vào 2 sào ruộng một tay mẹ làm. Mẹ Luyên hết việc đồng áng lại xin đi làm cỏ thuê, phụ việc vặt kiếm tiền thuốc thang cho chồng, nuôi con ăn học.

Căn nhà tuềnh toàng không có thứ gì đáng giá. Trong nhà giờ không có lấy một đồng dư, việc kiếm số tiền cho con nhập học với bà Hoa là không thể bởi thấy gia cảnh nhà bà, không ai dám cho vay mượn.

Có ai hỏi đến chuyện học đại học, đôi mắt Luyên lại nhòe đi, miệng cứ gượng cười nhưng em gật đầu cương quyết: “Có, chắc chắn mình phải đi học tiếp!” Và Luyên bắt đầu lên kế hoạch cho việc vào đại học.

Những ngày trước, Luyên đạp xe quanh các quán xá xin việc làm thêm, nhưng ở miền quê nghèo này, đó là việc vô cùng khó khăn. Đến khi Luyên tìm được một chân phụ quán thì cha nổi bệnh, đến đòi đánh và bắt bỏ việc. Thấy thế, chả nơi nào dám nhận Luyên làm nữa.

Rồi Luyên xin đi theo một người bà con hái lá thuốc. Luyên kể: “Từ nhỏ mình đã theo mẹ đi hái lá thuốc cho người chú là thầy thuốc đông y nên chừ cũng biết sơ sơ. Vừa làm kiếm tiền lại vừa học thêm được nhiều cái hay, mình mừng lắm”.

Mỗi bao tải lá thuốc đã phơi khô cắt nhỏ, Luyên kiếm được 200.000 đồng nhưng phải mất mấy ngày liên tục đi hết bụi này đến bờ nọ. Đi từ sớm đến trưa là Luyên tất bật về băm lá để phơi cho kịp nắng, nấu cơm ăn vội rồi lại đi.

Luyên còn để ý tìm hiểu nhiều về các cây thuốc nam, đọc vanh vách tên các loại cây thuốc một cách thích thú. 

“Mình sẽ học để tìm ra nhiều phương thuốc hiệu quả chữa bệnh cho ba mẹ”, Luyên nói chắc nịch. Nhưng đôi mắt em đỏ hoe. Công việc làm thêm này mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ chi phí trên con đường đại học trước mặt mà thôi.

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi cho Tuổi Trẻ

Các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hãy viết thư bày tỏ nguyện vọng của mình gửi Tuổi Trẻ để được hỗ trợ. Mẫu thư được tải về tại đây.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên