20/05/2023 17:06 GMT+7

Cạn thuốc giải độc, các bệnh nhân ngộ độc botulinum được điều trị ra sao?

Việc không có thuốc giải độc tố botulinum là thách thức đối với các bác sĩ điều trị và nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Cạn thuốc giải độc, các bệnh nhân ngộ độc botulinum được điều trị ra sao? - Ảnh 1.

Thuốc giải độc tố botulinum BAT đặc hiệu hiện đã cạn, bệnh nhân nhiễm độc có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Không có thuốc giải độc botulinum, chỉ điều trị hỗ trợ

Hiện tại các tỉnh phía Nam và cả nước đã cạn thuốc giải độc tố botulinum.

Ngày 16-5, hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã được chuyển từ Quảng Nam về để cứu sống ba anh em ruột bị ngộ độc do ăn chả lụa từ người bán dạo, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy điều phối năm lọ thuốc giải có giá 8.000 USD/lọ ra Quảng Nam để cứu bệnh nhân ngộ độc sau ăn món cá chép muối ủ chua.

TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết hết thuốc BAT giải độc botulinum là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và cũng như nan giải cho các bác sĩ điều trị.

Độc tố botulinum có bảy type gồm A, B, C, D, E, F, G. Thế giới hiện có ba loại thuốc giải độc tố này. Hai loại có tác dụng với một số type nhất định, riêng thuốc BAT có thể giải độc cho cả bảy type.

Một trường hợp ngộ độc botulinum nếu sử dụng thuốc BAT sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, và cũng không phải thở máy.

Thêm ba bệnh nhân nghi ngộ độc botulinum, TP.HCM đã hết thuốc giải

Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày tức rất sớm sau khi ngộ độc, trong khoảng thời gian trung bình từ 5 đến 7 ngày thì bệnh nhân có thể hồi phục và bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.

Trường hợp không có thuốc giải độc BAT, bệnh nhân chỉ được điều trị hỗ trợ bằng cách nuôi dưỡng và thở máy. “Mặc dù bệnh nhân được hỗ trợ thở máy, tuy nhiên kết quả cũng không được giống như mong muốn là sử dụng thuốc”, TS Hùng cho hay.

TS Hùng cho biết theo ghi nhận trên các y văn thế giới, những lần các bệnh nhân ngộ độc botulinum từ những năm 2020, nếu không có thuốc giải độc thì thời gian trung bình thở máy của bệnh nhân phải kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Việc thở máy để lại rất nhiều biến chứng như: suy dinh dưỡng, liệt hoàn toàn, nhiễm trùng…

Cần có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm

Trước đó, ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay hiện nước ta chưa có nơi lưu trữ thuốc hiếm tầm quốc gia. Cho đến nay việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc cần thuốc hiếm còn mang tính cá biệt.

Do đó ông đề xuất cần có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm do Bộ Y tế quản lý để điều chuyển thuốc cho tất cả các địa phương khi cần.

"Số lượng bệnh nhân cần thuốc hiếm không nhiều nhưng phải có cơ chế cụ thể, rõ ràng. Giả sử các bệnh viện mua riêng lẻ với số lượng ít nhưng không sử dụng tới, hoặc mua quá nhiều rồi để hết hạn sử dụng thì đều phải tiêu hủy, gây lãng phí", ông Thức cho hay.

Cục Quản lý dược cho biết đang phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc hiếm. 

Sau khi rà soát, xây dựng danh mục thuốc hiếm này, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị.

Thêm ba người tại TP.HCM bị ngộ độc botulinum do ăn chả lụa bán dạo và mắm ủ lâuThêm ba người tại TP.HCM bị ngộ độc botulinum do ăn chả lụa bán dạo và mắm ủ lâu

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa cho biết có thêm ba trường hợp bị ngộ độc botulinum do ăn chả lụa của người bán dạo và một loại mắm ủ lâu ngày.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên