02/11/2012 05:44 GMT+7

Cần nhiều giải pháp giảm tai nạn giao thông

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG

TT - Khoảng 7.000 người chết vì tai nạn giao thông trong chín tháng đầu năm nay là nỗi đau, nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Tại buổi giao lưu sáng 1-11 ở báo Tuổi Trẻ, đại diện các cơ quan hữu quan đã đưa ra nhiều giải pháp để kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông.

Xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến

RTGCO0gw.jpgPhóng to
Cấp cứu người bị tai nạn giao thông trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM ngày 19-7-2012 - Ảnh: T.T.D.

Trả lời bạn Lê Thị Hồng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, về nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, trung tá Lê Hồng Sơn, phó đội trưởng đội tham mưu Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, cho biết thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do lỗi chủ quan của người đi đường, chiếm 80-90% số vụ. Trong đó tập trung chủ yếu ở các lỗi như: đi không đúng phần đường, vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, đi ngược chiều, vào đường cấm, lái xe khi trong người có nồng độ cồn vượt quá quy định...

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác dẫn đến tai nạn giao thông như hạ tầng giao thông và kỹ thuật phương tiện không đảm bảo.

Thiếu đèn đường, dễ gây tai nạn

Bạn đọc Dương Văn Hà (Q.7) cho rằng một nguyên nhân khiến tai nạn giao thông xảy ra là sự cẩu thả của các tài xế xe tải, xe container. Theo ông Hà, phải giáo dục và nâng cao hiểu biết về pháp luật, đạo đức của những tài xế này mới giảm tai nạn được.

Ông Lương Hoàng Trung, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, cho rằng trong bối cảnh xe cộ cũng như áp lực về giao thông ngày càng tăng, hiệp hội ý thức rằng hoạt động vận tải hàng hóa có bảo đảm an toàn mới mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp, xã hội. Vì vậy, việc nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho các tài xế luôn là trọng tâm trong hoạt động của hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên.

Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết trong chín tháng đầu năm 2012, trên địa bàn TP xảy ra 555 vụ tai nạn giao thông, làm chết 488 người, bị thương 220 người. So với những năm trước đây, TP đã kéo giảm cả ba mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo ông Tường, tuy số người chết có giảm đáng kể nhưng vẫn còn rất cao so với cả nước nên thời gian tới phải quyết tâm và có nhiều giải pháp tập trung kéo giảm hơn nữa.

Nhiều bạn đọc có chung nội dung phản ảnh: nhiều tuyến đường trên địa bàn TP không có đèn đường suốt cả năm trời, hoặc một số tuyến đường bị tắt một nửa số bóng đèn khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông gia tăng. Ông Đậu An Phúc, trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP, cho biết hiện nay tình trạng mất cắp dây điện chiếu sáng xảy ra ở nhiều khu vực trên địa bàn TP, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý còn rất hạn chế. Cụ thể trong chín tháng của năm nay đã xảy ra 1.213 vụ mất dây điện chiếu sáng (87.922m) gây thiệt hại 17,5 tỉ đồng, nhưng cơ quan chức năng chỉ bắt được... sáu vụ!

Ông Phúc cho biết Sở GTVT TP đã phối hợp với các địa phương xác định các tuyến đường có mật độ xe cộ lớn, các tuyến đường trọng điểm để ưu tiên kéo cáp nhằm phục hồi chiếu sáng về đêm (do kinh phí còn hạn chế). Đồng thời đề nghị các địa phương cam kết không tiếp tục để xảy ra tình trạng mất cắp dây điện chiếu sáng. Riêng Công an TP đã có chỉ đạo công an 24 quận huyện tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp trộm cắp dây điện chiếu sáng công cộng và các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng thu mua trái phép dây điện này.

Đề cao tính nghĩa hiệp giúp người bị nạn

Tại buổi giao lưu, nhiều bạn đọc phản ảnh thực tế cho thấy ít người dám đứng ra giúp đỡ những người không may bị tai nạn trên đường. Không ít người chỉ xúm lại vì sự hiếu kỳ, mặc cho nạn nhân đau đớn quằn quại. Bạn đọc Anh Nguyễn (23 tuổi) nêu một thực tế là khi tai nạn giao thông xảy ra, không ít người muốn giúp đỡ nạn nhân nhưng sợ “làm ơn mắc oán” nên thôi. Anh Nguyễn nêu câu hỏi: “Làm thế nào để giúp họ bỏ tư tưởng đó?”.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP, chia sẻ: “Tôi rất đồng cảm với suy nghĩ của bạn. Thực tế trong xã hội khi xảy ra một vụ tai nạn giao thông có nhiều người muốn ra tay cứu giúp nhưng do ngại bị liên lụy đến bản thân nên còn né tránh. Tuy nhiên không phải ai cũng vậy, đã có rất nhiều trường hợp do được cứu giúp kịp thời nên nạn nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.

Theo tôi, để xóa bỏ nỗi sợ “làm ơn mắc oán” cần phải đề cao tinh thần cứu người và xã hội cần đề cao tính nghĩa hiệp, đồng thời lên án và xử lý nghiêm các trường hợp không cứu người mà còn lợi dụng lúc người ta gặp nạn để hôi của”.

Tuy nhiên, việc giúp người bị tai nạn giao thông cũng cần phải đúng cách. Theo bác sĩ Phạm Trí Dũng - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, chấn thương thường gặp trong tai nạn giao thông nguy hiểm nhất là chấn thương sọ não. Do đó nếu sử dụng xe hai bánh nên đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy cách. Nếu sử dụng ôtô, nên cài dây an toàn để giảm thiểu trường hợp chấn thương ngực do đập ngực vào tay lái.

Bác sĩ Dũng đưa ra lời khuyên: khi gặp một vụ tai nạn trên đường, tốt nhất là gọi ngay cấp cứu 115 vì hệ thống cấp cứu này phân bổ ở tất cả quận huyện tại TP nên đến hiện trường nhanh hơn. Bên cạnh đó, ngành y tế của TP cũng đã tập huấn về sơ cứu cho học sinh, sinh viên, tài xế taxi để kịp thời sơ cứu người bị tai nạn.

Sẽ làm gì cho ngày tưởng niệm những người chết vì tai nạn giao thông 19-11? Theo ông Tường, sắp tới Ban an toàn giao thông TP sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đưa những kiến thức, quy định về an toàn giao thông như phát hành 1,7 triệu cuốn cẩm nang tuyên truyền về an toàn giao thông gửi đến từng hộ dân. Đồng thời, công tác tuyên truyền tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên. Hình thức và nội dung tuyên truyền lần này ngắn gọn, dễ hiểu và đa dạng để mọi người nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông.

NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên