Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2012 toàn quốc có khoảng 7.000 nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.
Phóng to |
Tai nạn ôtô tại ấp Cáp Rang, xã Suối Tre, Long Khánh, Đồng Nai sáng 28-10 làm 3 người chết - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trung bình mỗi năm nước ta có hơn 10.000 người tử vong vì tai nạn giao thông.
Làm sao để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông? Làm sao để bảo vệ mình khi đi đường? Bạn sẽ ứng xử như thế nào khi gặp một nạn nhân bị tai nạn đang nằm hấp hối trên đường? Bạn thấy những bất cập trong việc tổ chức giao thông khiến khi tai nạn xảy ra nhưng không biết thông báo cho ai?...
Những vấn đề này đã được cơ quan hữu quan trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến diễn ra từ 8g30 đến 11g30 ngày 1-11-2012 trên TTO.
Khách mời giao lưu trực tuyến gồm:
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM.
- Trung tá Lê Hồng Sơn - Phó đội trưởng đội tham mưu Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt CA TP.HCM
- Ông Lương Hoàng Trung - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM.
- Ông Đậu An Phúc - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM.
- BS Phạm Trí Dũng - Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy
NỘI DUNG GIAO LƯU:
* Thông thường nạn nhân các vụ tai nạn giao thông tử vong do sơ cứu không đúng kỹ thuật. Bác sĩ có lời khuyên gì để sơ cứu nạn nhân bị tai nạn? (Lê Xuân Trường - SV trường đại học Y dược TP.HCM), 19 tuổi, truonglexuan1211@...)
* Khi gặp người bị tai nạn giao thông, phải làm như thế nào là cần thiết nhất? (Lê Minh Nghi, 20 tuổi, cobemacarong_vt2008@...)
- BS Phạm Trí Dũng - Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy: Chào bạn, theo tôi việc cần làm khi gặp nạn nhân trong các vụ tai nạn là:
- Thứ nhất, gọi những người xung quanh hỗ trợ vì có một số động tác một người không thể thực hiện được.
- Thứ hai, đưa bệnh nhân đến vị trí an toàn, chú ý lúc di chuyển nên cố định cột sống cổ bằng cách giữ thẳng đầu, cột sống cổ vì một nạn nhân bị tai nạn giao thông thông thường bị ảnh hưởng đến cột sống cổ.
- Thứ ba, đánh giá bệnh nhân còn thở được không? Lấy dị vật trong miệng, có thể thực hiện động tác nâng hàm lên để đường thở được thông thoáng (nếu bệnh nhân ngưng thở thì thực hiện hà hơi, thổi ngạt bằng đường miệng - hoặc miệng mũi. Nếu bệnh nhân ngưng tim kết hợp xoa bóp tim và lồng ngực.
- Thứ tư, cầm máu các vết thương chảy máu bênh ngoài bằng quần áo hoặc vải sạch, băng ép lên vết thương. Cố định các chi gãy bằng các thanh gỗ cứng.
* Cảnh sát giao thông là người trực tiếp điều tiết giao thông, xử lý những vụ tai nạn. Vậy cho tôi hỏi những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông và cách phòng tránh? Lê Thị Hồng- SV đại học Bách khoa, 20 tuổi, hongpham@...)
Phóng to |
Trung tá Lê Hồng Sơn (bìa phải) - đội phó Đội Tham mưu Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) - Công an TP.HCM - trả lời những câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Thanh Đạm |
- Trung tá Lê Hồng Sơn - Phó đội trưởng đội tham mưu Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt CA TP.HCM: Qua công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do lỗi chủ quan của người đi đường chiếm khoảng 80% - 90%. Trong đó tập trung chủ yếu ở các lỗi vi phạm như đi không đúng phần đường, vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, lái xe khi trong người có nồng độ cồn vượt quá quy đinh...
Bên cạnh đó còn một số các nguyên nhân khác dẫn đến TNGT như hạ tầng giao thông và kỹ thuật phương tiện, nhưng chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Về phương tiện kỹ thuật chủ yếu do hệ thống phanh không đảm bảo.
* Để phòng tránh tai nạn giao thông, không gì hơn hết tự bản thân của mỗi người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ. Đồng thời nên thường xuyên kiểm tra hệ thống phanh, hệ thống chuyển hướng, đèn chiếu sáng của xe trước khi chạy để đảm bảo an toàn.
* Tại sao đi ôtô vào làn đường dành cho xe máy thì bị cảnh sát giao thông (CSGT) thổi phạt còn khi xe máy chạy như "châu chấu" trên làn đường ôtô thì không thấy CSGT phạt? Nhiều vụ tai nạn do ôtô đâm vào xe máy trên làn đường dành cho ôtô đã xảy ra trong thời gian qua. (Đào Đình Mẫn, 50 tuổi, dinhman@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Nhằm đảm bảo trật tự An toàn giao thông cũng như phòng tránh tai nạn giao thông, lực lượng CSGT luôn kiên quyết, xử lý nghiêm các trường vi phạm Luật giao thông, cụ thể lực lượng CSGT đã phát hiện và xử phạt hơn 61.800 trường hợp đối với lỗi người lái xe mô tô, xe gắn máy đi không đúng phần quy định.
* Tại sao không đặt camera theo dõi trên đường quốc lộ, đoạn thường xảy ra tai nạn để có biện pháp điều chỉnh những bất cập trong việc tổ chức giao thông? Ngành chức năng có quản lý được việc cấp giấy phép lái xe không? (huyenkhoa, 37 tuổi, huyenhieu@...)
Phóng to |
Ông Đậu An Phúc - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
- Ông Đậu An Phúc - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM: Cảm ơn ý kiến đóng góp của bạn đọc. Việc lắp đặt camera theo dõi tai nạn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ hoặc trên các tuyến đường trọng điểm, đã được sở Giao thông vận tải tham mưu UBND TP.HCM để triển khai thực hiện.
Hiện nay Sở đang phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để triển khai thực hiện. Cụ thể là kênh VOV giao thông của Đài tiếng nói Việt Nam, kênh VOH của đài tiếng nói TP.HCM.
Hiện nay, thành phố đã có trên 200 camera giám sát tình hình giao thông để kịp thời thông báo thông tin đến người di đường, đồng thời chuyển thông tin đến lực lượng CSGT công an TP.HCM để kịp thời giải quyết các sự cố, cũng như đến các đơn vị quản lý của Sở Giao thông vận tải để nghiên cứu điều chỉnh những bất cập trong tổ chức giao thông.
Cũng xin thông tin thêm, hiện nay Đài tiếng nói Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai lắp đặt thêm 300 camera giám sát giao thông trên địa bàn TP.HCM để tăng cường công tác giám sát và thông tin điều hành giao thông nhằm đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Công tác quản lý và đào tạo cấp giấy phép lái xe trong nhiều năm qua đã được Sở Giao thông vận tải quan tâm nâng cao chất lượng, đảm bảo người được cấp giấy phép lái xe đủ điều kiện, đủ kiến thức trước khi được nhận bằng. Tuy nhiên, hiện nay qua công tác quản lý Sở nhận được rất nhiều đề nghị kiểm tra thông tin về bằng lái của người vi phạm do các cơ quan công an gởi đến để xác minh cũng đã phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng bằng lái giả.
Hiện Sở Giao thông vận tải đang triển khai thực hiện việc chuyển đổi giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET thay cho vật liệu bằng giấy như trước đây theo chủ trương của Bộ Giao thông vận tải. Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý về cấp giấy phép lái xe được tốt hơn cũng như hạn chế được việc sử dụng bằng lái giả.
* Khi đang đi trên đường vắng người mà lại không biết đó là vị trí nào, gặp người bị tai nạn trên đường thì phải báo cho ai, bằng cách nào? (Lã Quý Mạnh, 42 tuổi, laquymanh@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Khi gặp vụ tai nạn giao thông trên đường, nếu anh biết số điện thoại của công an phường hoặc đội CSGT nơi xảy ra vụ việc thì liên hệ trực tiếp để báo. Nếu anh không biết số điện thoại những đơn vị trên thì có thể gọi số điện thoại đường dây nóng của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt: 0838387521. Phòng này sẽ có trách nhiệm liên hệ với đơn vị có chức năng đến hiện trường.
* Nhiều vụ tại nạn xảy ra giữa đường và được người tốt bụng đưa vào bệnh viện. Tuy nhiên bệnh viện yêu cầu phải có người thân đi cùng thì mới nhập viện được. Trong trường hợp nạn nhân không mang theo giấy tờ tùy thân, không có cách nào liên lạc được với người thân thì phải làm sao? Mạng người là trên hết mà?(Bảo Anh (Hóc Môn), 34 tuổi, tuoidabuon77@...)
Phóng toBS Phạm Trí Dũng - Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Thanh Đạm
- BS Phạm Trí Dũng: Trường hợp nạn nhân không có thân nhân, không có giấy tờ tùy thân được người đi đường đưa vào thì bệnh viện vẫn tiếp nhận và điều trị như tất cả những bệnh nhân khác. Bệnh viện chỉ lấy thông tin cá nhân của người đưa vào để tiện việc liên lạc sau này phục vụ công tác điều tra hoặc theo yêu cầu của thân nhân bệnh nhân sau này.
* Tôi thấy tai nạn giao thông đường thủy cũng rất nghiêm trọng, thiệt hại về người và tài sản cũng lớn mà không thấy đề cập trong buổi giao lưu. Xin quý vị vui lòng cho biết số liệu về tai nạn giao thông đường thủy trong 9 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn TP.HCM. Các giải pháp để giảm thiểu tai nạn? (Le Thanh Ha, 52 tuổi, halegt3@...)
- Ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM: 9 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố, tai nạn giao thông đường thủy đã xảy ra 5 vụ, không có người chết và bị thương. So với cùng kỳ năm 2011, giảm 2 vụ (giảm 28,57%), giảm 2 người chết (100%), giảm 2 người bị thương (100%).
Để kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy, thời gian qua, thành phố đã có rất nhiều giải pháp tập trung kéo giảm như sau: Tăng cường công tác tuyên truyền luật giao thông đường thủy đến tận người dân, trọng tâm tập trung ở các bến đò, vận động tuyên truyền người dân khi đi đò phải sử dụng các loại phao cứu sinh (phao cầm tay, áo phao, cặp phao cho học sinh,...).
Tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý xử phạt các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy; Tổ chức khắc phục các bất cập về giao thông đường thủy nội địa như: lắp đặt các biển báo hướng dẫn về giao thông, lắp đặt các cọc phao tiêu, các thước đo mực nước...
* Hiện nay nhiều bảng quang báo điện tử trên đường phố chỉ đưa chung chung về “chấp hành luật giao thông”, trong khi đó người dân mong muốn các quang báo này cần thông tin cụ thể như những tuyến đường phía trước bị ùn tắc giao thông hoặc ngập nước để bà con tránh đi vào. Liệu có điều chỉnh nội dung thông tin trên bảng quang báo điện tử được không? (Hoàng Ngọc-tài xế hãng Vinasun, 43 tuổi, hoangngoctran@...)
- Ông Đậu An Phúc: Trong năm 2012, thành phố đã đầu tư 14 bảng quang báo điện tử nhằm mục đích thông tin, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Hiện Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với kênh VOV giao thông và Công ty FPT nghiên cứu và đưa ra các giải pháp sinh động, chuyển tải các thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông để người đi đường biết tình trạng trên tuyến đường để có lộ trình phù hợp. Việc này sẽ được triển khai trong tháng 11-2012 và sẽ tiếp tục được nhân rộng khắp địa bàn thành phố.
* Các chấn thương thường gặp trong tai nạn giao thông và cách phòng tránh? (Mai Hoàng Thiên ( Q.12), 24 tuổi, maiyeuem2007@...)
- BS Phạm Trí Dũng: Chấn thương thường gặp trong tai nạn giao thông nguy hiểm nhất là chấn thương sọ não.
Cách phòng tránh: nếu sử dụng xe 2 bánh thì nên đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy cách. Nếu sử dụng ôtô thì nên cài dây an toàn để giảm thiểu trường hợp chấn thương ngực do đập ngực vào tay lái.
Tốt nhất là khi đi đường bạn cần tuân thủ luật giao thông để hạn chế tai nạn.
* Một nguyên nhân thường xảy ra tai nạn là sự cẩu thả của cánh tài xế xe tải, xe container. Hiệp hội vận tải có thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra về đạo đức nghề nghiệp của tài xế hay không? (Dương Văn Hà-Q.7), 45 tuổi, havanduong@...)
Phóng toÔng Lương Hoàng Trung - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
- Ông Lương Hoàng Trung - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM: chúng tôi rất chia sẻ với sự quan tâm của đông đảo người dân và xã hội đến sự an toàn trong hoạt động giao thông. Trong bối cảnh hiên nay việc đi đường của mọi người, xe cộ ngày một tăng áp lực vào giờ cao điểm.
- Thực hiện chức năng và vai trò hoạt động của một tổ chức XH - nghề nghiệp, chúng tôi đã và đang khuyến cáo, định hướng, thường xuyên phối hợp để phổ biến các chương trình của các cơ quan nhà nước và cung cấp các văn bản pháp luật đến các doanh nghiệp hội viên để các doanh nghiệp có cơ sở trong việc tuyên truyền và quản lý lái xe của mình.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp tổ chức, thực hiện các đợt tập huấn cho đội ngũ lái xe về kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức hành nghề cho lái xe của công ty mình tùy thuộc vào điều kiện và mô hình hoạt động của doanh nghiệp.
Chúng tôi ý thức được rằng, hoạt động vận tải hàng hóa có bảo đảm an toàn thì mới đưa lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp, xã hội. Vì vậy, việc nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe luôn là trọng tâm trong hoạt động của hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên chúng tôi.
* Nghe nói năm nay nước ta tổ chức ngày tưởng nhớ những người tử vong vì tai nạn, trong khi các nước trên thế giới đã làm việc này từ lâu lắm rồi. Vì sao đến nay chúng ta mới làm? TP.HCM sẽ có những chương trình, hoạt động gì cho ngày này?(Lê Hồng Lĩnh- sinh viên trường đại học giao thông vận tải TP), 24 tuổi, honglinhgtvt@)
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Tháng3-2010, Đại Hội Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết A/64/L.44 công bố: "Thập niên hành động vì sự an toàn đường bộ giai đoạn 2011-2020". Nghị quyết này với sự tham gia của Việt Nam và hơn 100 quốc gia khác khuyến cáo: "Các nước thành viên tiếp tục tăng cường cam kết về an toàn đường bộ, kể cả việc tham dự hoặc theo dõi Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm.
Phóng toÔng Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
Để hưởng ứng chương trình trên, ngày 9-7-2012, Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo cho Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây đựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng. Riêng tại TP.HCM Ban an toàn giao thông thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông" với 3 hoạt động chủ yếu sau:
1. Hoạt động tuyên truyền tập trung phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của sự kiện tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, những đau thương mất mát do tai nạn giao thông; phổ biến rộng rãi nghị định số 71/2012/ NĐ-CP ngày 19-9-2012 của Chính phủ.
+ Cảnh báo các nguy cơ nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông; Cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông; Tuyên truyền các thông điệp về an toàn giao thông; phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
2. Tổ chức đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên các gia đình và nạn nhân bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại bệnh viện Chợ Rẫy và 10 quận huyện trên địa bàn thành phố. Trong đó có sự tham dự lãnh đạo của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia. Ngoài ra còn yêu cầu ban an toàn giao thông các quận huyện tùy vào điều kiện của địa phương mình chủ động tổ chức các đoàn thăm hỏi và có hình thức hỗ trợ phù hợp cho từng trường hợp, lưu ý các gia đình chính sách và gia đình neo đơn.
3. Tổ chức các hoạt động tưởng niệm ngày nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với thành đoàn và các ngành liên quan tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Nhà văn hóa thanh niên vào lúc 19g ngày 19-11-2012 với sự tham dự của trên 600 đại biểu.
* Tôi thấy phần nhiều CSGT giờ đứng khỏi ngã tư, giao lộ "canh me" người vi phạm để xử phạt, phải chăng đây là chủ trương của ngành giao thông? Nếu không phải thì mong có sự chấn chỉnh hành vi này của CSGT. Thiết nghĩ, chức năng của CSGT là chặn đứng hành vi vi phạm của người lái xe, sao lại có kiểu "núp" như vậy? (MINH QUÂN, 40 tuổi, minhquanmoviemagic2000@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Lực lượng CSGT ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều tiết giao thông tại các khu vực, giao lộ phức tạp, còn có nhiệm tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm nhằm để đảm bảo Trật tự An toàn giao thông.
* Nhiều người bị tai nạn sau khi đưa vào bệnh viện thì tử vong nhưng không có giấy tờ tùy thân nên không thể liên lạc được với người nhà, trong lúc người nhà chạy khắp nơi để tìm kiếm người thân. Các bệnh viện có nên cập nhật thông tin thường xuyên về những người bị tai nạn giao thông lên trang web của bệnh viện để người thân của họ có thêm kênh thông tin ? Nên chăng lập một số điện thoại chung cung cấp thông tin cho cả thành phố? (Lê Thị Thơ, huyện Hóc Môn, 35 tuổi, letho432011@...)
- BS Phạm Trí Dũng: Đối với bệnh viện Chợ Rẫy thì muốn tìm thông tin bệnh nhân, đề nghị bạn nên liên hệ trực tiếp với khoa cấp cứu bệnh viện qua số điện thoại trực tiếp 08.38563529.
* Kính gởi ông Tường. Rất nhiều người nhiệt huyết muốn hỗ trợ hoặc tài trợ cho chương trình an toàn giao thông nhưng rất khó tiếp xúc được với người có thẩm quyền cấp giấy phép. Làm cách nào các doanh nghiệp có thể dễ dàng liên hệ? (Tran Thanh Thế, 32 tuổi, thefpt@...)
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Đầu tiên, Ban An toàn rất cám ơn và ghi nhận những đóng góp của các cá nhân và tổ chức đã hỗ trợ và tài trợ cho chương trình An toàn giao thông về lĩnh vực tuyên truyền trong thời gian qua. Việc tuyên truyền cho người dân hiểu biết về luật giao thông là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp, các tổ chức, trong đó công tác xã hội hóa về lãnh vực tuyên truyền là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền này phải đảm bảo đúng theo quy định, trong đó có thẩm quyền cấp giấy phép của các đơn vị chức năng.
Năm 2012 là năm an toàn giao thông, ban An toàn giao thông thành phố cùng Sở Văn hóa thể thao du lịch được UBND TP.HCM cho phép xã hội hóa về công tác tuyên truyền, vì vậy từ đầu năm đến nay Ban đã nhận được nhiều đề nghị của cá nhân và tổ chức về nội dung này.
Để tạo điều kiện cho việc phối hợp này được thuận lợi, đề nghị các tổ chức cá nhân liên hệ trực tiếp với văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố tại 63 Lý Tự Trọng, Q1 để được hướng dẫn cụ thể.
* Trong 9 tháng đầu năm 2012, trên cả nước có khoảng 7.000 người chết, trong đó TP.HCM có trên 400 người. Ban có nhận xét gì về con số này? (Lê Trí - huyện Củ Chi), 34 tuổi, letringuyen@...)
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: 9 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 555 vụ tai nạn, làm chết 488 người, bị thương 220 người. So với những năm trước đây, TP chúng ta kéo giảm cao cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương.
Cụ thể như năm 2002, tai nạn đã xảy ra 2.640 vụ, làm chết 1.417 người và bị thương 2.821 người. Đến nay số người chết do tai nạn tuy có giảm đáng kể nhưng vẫn còn rất cao so với cả nước, vì vậy thời gian tới phải quyết tâm và có nhiều giải pháp để tập trung kéo giảm hơn nữa.
* Có ý kiến cho rằng UBND TP.HCM có chủ trương tiết kiệm điện, giảm 50% đèn chiếu sáng công cộng là sai lầm vì số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường này cao. Liệu Sở có kiến nghị với UBND TP.HCM không nên tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng? (Trần Công Hòa (Công ty Phương Trang), 53 tuổi, tranconghoa@...)- Ông Đậu An Phúc: Việc tiết giảm điện chiếu sáng công cộng là thực hiện chủ trương của Chính phủ và UBND TP.HCM. Tuy nhiên, việc tiết giảm được thực hiện một cách chọn lọc thông qua một số giải pháp như: điều chỉnh cường độ sáng theo thời gian thông qua trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng; sử dụng hệ thống đèn hai cấp công suất.
Riêng việc tiết giảm 50% (đèn sáng - tắt xen kẽ) chỉ được thực hiện trên các tuyến đường có lưu lượng xe thấp. Các tuyến đường trọng điểm, tuyến đường có lưu lượng xe lớn, các cây cầu, giao lộ không thực hiện việc tiết giảm.
Trong thời gian tới Sở Giao thông vận tải tiếp tục tham mưu UBND TP.HCM cho phép đầu tư, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hai cấp công suất hoặc được tiết giảm từ trung tâm điều khiển nhằm hạn chế tiết giảm 50%.
* Tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn do bảo vệ hiện trường nên người dân không dám đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nếu đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời thì sẽ cứu được mạng sống, nhưng có những người bị chết oan trong trường hợp này? CSGT xử lý tai nạn có lời khuyên gì không? (Trần Đại Ngãi, Q.Bình Tân, 46 tuổi, buocgiangho@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Theo quy định tại điều 38 của Luật giao thông đường năm 2008, những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn thì ngoài việc có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, báo tin cho cơ quan công an, bảo vệ người bị nạn còn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn.
Những người có mặt tại hiện trường xảy ra tai nạn giao thông nên cố gắng giúp đỡ đưa nạn nhân đi cấp cứu để giảm được tỉ lệ thương vong.
* Nhiều vụ tai nạn trong đêm do không có đèn đường, hỏi cơ quan chức năng thì lần nào cũng nói do bị mất cắp. Có những tuyến đường không có đèn chiếu sáng cả năm trời. Sở GTVT đã có biện pháp nào để ngăn ngừa nạn trộm dây điện, đèn đường nhằm giảm tai nạn giao thông? (Lê Vũ Lư, Q.Thủ Đức, 43 tuổi, levuduc@...)
- Ông Đậu An Phúc: Hiện nay tình trạng mất cắp dây điện chiếu sáng xảy ra ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực ngoại thành làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và xã hội. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý còn rất hạn chế. Cụ thể trong 9 tháng năm 2012 đã xảy ra 1.213 vụ mất dây, với chiều dài là 87.922m gây thiệt hại 17,5 tỉ đồng (nhưng với chỉ bắt được 6 vụ).
Nhằm hạn chế tai nạn giao thông, trong thời gian qua Sở Giao thông vận tải đã cùng phối hợp với các địa phương khảo sát các tuyến đường bị mất cắp dây cáp chiếu sáng công cộng, xác định các tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông lớn, các tuyến đường trọng điểm để ưu tiên kéo cáp nhằm phục hồi chiếu sáng về đêm (do kinh phí còn hạn chế). Đồng thời cũng đề nghị các địa phương (cụ thể ở ngoại thành) phải cam kết không tiếp tục để xảy ra tình trạng mất cắp.
Trong trường hợp các tuyến đường được kéo cáp trở lại nhưng vẫn tiếp tục mất cắp, Sở Giao thông vận tải sẽ không tiếp tục kéo cáp trở lại. Hiện nay, công an thành phố cũng đã có chỉ đạo đến các lực lượng công an 24 quận huyện tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp trộm cắp dây điện chiếu sáng công cộng và các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng thu mua trái phép dây cáp.
* Một số người cho rằng khi bệnh viện tiếp nhận cấp cứu người bị tai nạn, không có thân nhân đóng tiền thì không tiến hành giải phẫu cho bệnh nhân dẫn đến một số người tử vong? Liệu có bao nhiêu % số người chết vì không được cấp cứu kịp thời? (Hoàng Văn Phúc-Long An, 43 tuổi, unghoangphuc2311@...)
- BS Phạm Trí Dũng: Tôi xin khẳng định với bạn là nạn nhân đến cấp cứu tại bệnh viện dù thân nhân không có tiền thì vẫn cấp cứu, tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
* Theo hiệp hội vận tải, có nên làm hồ sơ thông tin tài xế để kiểm soát và giúp các doanh nghiệp vận tải lựa chọn được tài xế ưng ý? (Chu Văn Hùng-Tây Ninh, 52 tuổi, hungbro@...)
- Ông Lương Hoàng Trung: Hiện nay việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mới chỉ dừng lại ở góc độ cấp khi có kết quả thi đạt yêu cầu của chương trình học và cấp lại khi hết thời hạn ghi trên giấy phép lái xe. Còn trong thời hạn của giấy phép họ làm gì, có hành nghề hay không hay hành nghề có vi phạm gì hay không gần như nhà nước đang bỏ ngỏ, không có giá trị để đánh giá cấp lại khi hết hạn đổi giấy phép.
Theo chúng tôi, các cơ quan chuyên ngành hoặc hiệp hội phải kiểm soát được việc hành nghề lái xe trong thời hạn của giấy phép: họ làm gì, ở đâu, vi phạm bao nhiêu lần đều phải được cập nhật hoặc nhận xét từ đơn vị sử dụng để xem xét trong việc cấp đổi hoặc thu hồi giấy phép trước thời hạn nếu xét thấy cần thiết.
- Việc xử lý các lỗi vi phạm hiện nay thuộc chức năng của CSGT và TTGT căn cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo chúng tôi để giảm thiểu việc các lái xe vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, cần phải có cơ chế kiểm soát được ý thức, đạo đức trong quá trình hành nghề của mỗi lái xe.
* Rất nhiều người chết oan do những xe chạy ẩu, lạng lách va phải. Phải chăng mức phạt hiện nay chưa đủ “đô” để ngăn chặn những người vi phạm? (Nguyễn Thị Hằng, 65 tuổi, ngụ Quận 4, hangnhoccon@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Trong thời gian qua, mức xử phạt đối với những hành vi chạy xe lạng lách, đánh võng... trong Nghị định 34/NĐ-CP đã được nâng cao hơn so với các Nghị định trước đây. Ngoài ra trong tháng 3-2012 UBND TP.HCM ra quyết định tăng mức tiền tạm giữ xe lên 500.000đ/ngày đối với các hành vi có liên quan đến việc chạy xe gây rối trật tự công cộng, cụ thể như: chạy xe thành đoàn gây cản trở giao thông, chạy xe dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên, lạng lách, đánh võng...
Bên cạnh đó công an TP.HCM còn chỉ đạo công an các địa phương tiến hành kiểm điểm các người vi phạm trước tổ dân phố và có biện pháp quản lý giáo dục. Từ đầu năm đến nay, tình trạng tụ tập, chạy xe lạng lách đánh võng đã giảm đáng kể.
*Tai nạn xảy ra trên địa bàn thành phố thường xe cứu thương đến rất chậm. Tại sao vậy? Trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ có thể đi xe máy tới hiện trường để cấp cứu nạn nhân trước khi xe cứu thương tới không? (Đào Xuân Ngọc, 56 tuổi, vuivoituoigia121@...)
- BS Phạm Trí Dũng: Nguyên nhân xe cứu thương đến chậm là do khoảng đường từ bệnh viện đến hiện trường tai nạn quá xa, hoặc giờ cao điểm kẹt xe...
Theo tôi cách tốt nhất khi xảy ra tai nạn giao thông bạn nên gọi cấp cứu 115 vì hệ thống cấp cứu 115 phân bổ tất cả quận huyện trên thành phố.
Bác sĩ không thể nào đi xe máy đến hiện trường để cấp cứu nạn nhân được vì không thể nào mang theo trang thiết bị cấp cứu như xe cứu thương và thời gian di chuyển bằng xe gắn máy thì cũng không nhanh hơn vì xe gắn máy không có còi ưu tiên.
Hiện nay, ngành Y tế của TP.HCM cũng đã tập huấn về sơ cấp cứu cho học sinh, sinh viên, tài xế taxi...
* Một số tuyến đường lắp đặt dải phân cách không có khoảng hở gây bất tiện cho người dân và dễ xảy ra ùn tắc. Trước cửa nhà tôi, đoạn xa lộ Hà Nội trước Suối Tiên. Từ ngã ba 621 đến cầu vượt trạm 3 không hề có một khoảng hở nào để người dân có thể qua đường.
Nếu đi vòng thi mất khoảng 3km, do đó nhiều người chọn giải pháp đi ngược chiều. Như vậy càng nguy hiểm hơn là việc mở khoảng hở giữa dải phân cách. Tôi cũng đi nhiều nơi nên biết thêm một số điểm có tình trạng tương tự như trên quốc lộ 1A, đoạn cầu vượt Quang Trung, Quốc lộ 1A, đoạn huyện Bình Chánh...Sở có giải pháp nào cho việc này? (Trần Kiều Nữ, Q.3, 43 tuổi, kieunukhongcantien@...)
- Ông Đậu An Phúc: Một trong những nguyên nhân gây tai nạn là do tình trạng người đi đường (đặc biệt là người lái xe 2 bánh) chạy không đúng phần đường quy định. Để ngăn ngừa và kéo giảm tai nạn, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu UBND TP.HCM triển khai lắp đặt dải phân cách cứng nhằm tách bạch rõ làn lưu thông của các xe để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Qua theo dõi tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường được lắp đặt dải phân cách, số vụ tai nạn giao thông (đặt biệt trên tuyến quốc lộ 1) đã giảm đáng kể.
Quốc lộ 1 đoạn qua khu du lịch Suối Tiên là khu vực trọng điểm của thành phố có mật độ xe rất lớn, đặc biệt là xe tải và các xe khách chạy tuyến liên tỉnh, nên việc mở dải phân cách trên đoạn đường này sẽ gây nguy cơ mất an toàn giao thông và ùn tắc.
* Khi xảy ra tai nạn, nạn nhân tử vong không mang giấy tờ tùy thân, cảnh sát giao thông có lấy biển số xe truy tìm địa chỉ để thông báo cho người thân họ biết không? (Trần Nguyễn Hà, Q.Phú Nhuận, 23 tuổi, nhoquehuong@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông, nếu không xác định được nhân thân của nạn nhân thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh biển số xe của nạn nhân để biết chủ sở hữu, địa chỉ và thông báo vụ việc tới gia đình.
* Tại những đoạn đường đông xe, sao không đặt con lươn để ngăn sự chen lấn giữa xe mô tô và cơ giới với nhau? Có thể thấy tai nạn thương tâm đều xảy ra giữa xe mô tô và cơ giới, ví dụ đoạn đường từ ngã tư Vũng Tàu đến ngã tư Thủ Đức, và đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến Hàng Xanh (Hoàng Huy, 27 tuổi, mrtrumktx@...)
- Ông Đậu An Phúc: Ý kiến của bạn rất đúng, việc triển khai lắp đặt dải phân cách để ngăn sự chen lấn giữa xe mô tô và xe cơ giới với nhau hiện đang được TP.HCM triển khai thực hiện đồng loạt trên nhiều tuyến đường có đủ điều kiện. Đối với tuyến đường quốc lộ 1, đoạn từ cầu Đồng Nai đến cầu Sài Gòn đang được TP.HCM triển khai mở rộng đúng theo quy hoạch, trong đó việc tách bạch giữa xe mô tô và ôtô cũng được quan tâm thực hiện.
* Khi tai nạn giao thông xảy ra, một số người rất muốn giúp đỡ nhưng họ lại sợ "làm ơn mắc oán". Vậy làm thế nào để giúp họ bỏ tư tưởng đó? (Anh Nguyễn, 23 tuổi, anhnguyen.lk@...)
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Tôi rất đồng cảm với suy nghĩ của bạn. Thực tế trong xã hội khi xảy ra một vụ tai nạn giao thông có nhiều người muốn ra tay cứu giúp nhưng do ngại bị liên lụy đến bản thân nên còn né tránh. Tuy nhiên không phải ai cũng vậy, đã có rất nhiều trường hợp do được cứu giúp kịp thời nên thoát khỏi cơn nguy kịch.
Theo tôi, để xóa bỏ những suy nghĩ của mọi người sợ "làm ơn mắc oán" thì cần phải đề cao tinh thần cứu người và xã hội cần đề cao tính nghĩa hiệp, đồng thời lên án và xử lý nghiêm các trường hợp không cứu người mà còn lợi dụng lúc người bị nạn gặp nạn để hôi của.
* Vì sao người đi xe máy khi có điện thoại thì tấp vào lề để nghe còn tài xế ôtô, xe tải, xe du lịch, xe buýt thì cứ vô tư, một tay cầm lái, một tay cầm di động. Có cách nào để xử phạt được họ? (Gia Nghĩa, 50 tuổi, gianghia@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Theo quy định, Luật giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 34/NĐ-CP chỉ nghiêm cấm và xử phạt đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe thô sơ khác về hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh trừ thiết bị trợ thính khi đang lái xe.
* Có nên làm đường cao tốc hai tầng để giải tỏa kẹt xe và tai nạn giao thông? (Đắc, 62 tuổi, maithedac@...)
- Ông Đậu An Phúc: Việc đầu tư và xây dựng thêm nhiều tuyến đường, trong đó có đường cao tốc là một trong những chủ trương hàng đầu của TP.HCM trong việc phát triển hạ tầng kinh tế xã hội. Theo quy hoạch các tuyến đường cao tốc sẽ được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020.
* Tại sao có những người đã đội mũ bảo hiểm nhưng té xe vẫn bị chết vì chấn thương sọ não? (Âu Văn Lợi- huyện Dĩ An, Bình Dương, 43 tuổi, auloivan@...)
- BS Phạm Trí Dũng: Có đội mũ bảo hiểm nhưng té xe vẫn bị chết do chấn thương sọ não có thể có nhiều nguyên nhân: Lực va chạm quá mạnh, mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, đội mũ không đúng quy cách nên mũ thường văng ra khi té.
* Hằng ngày đi làm tôi chứng kiến tình trạng vi phạm giao thông rất nhiều, ngay cả khi có công an. Vì sao cơ quan chức năng không tiến hành phạt “nguội” bằng cách ghi hình bằng các camera gắn ở ngã tư, trên đường?
Việc này tôi thấy áp dụng rất hay và hiện các nước đang phát triển áp dụng phương pháp này. Sao không xử thật nghiêm những trường hợp vi phạm nhiều lần, và tước bằng lái vĩnh viễn? (tài xế không được thi lại bằng lái mới). Phạt thật nhiều tiền? Vì sao không giáo dục ý thức công dân khi các em còn ngồi ghế nhà trường? (Đỗ Minh Triết, 29 tuổi, doleminhtriet@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Hiện nay ngoài việc tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trên đường thì Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt cũng tăng cường ghi hình xử phạt qua hình ảnh bằng các hệ thống camera cố định và camera di động.
Cụ thể từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt đã ghi hình thiết lập, trích xuất hình ảnh và gửi thông báo hơn 13.300 phiếu báo đến chủ xe. Đồng thời Phòng còn gửi thông báo vi phạm đến công an địa phương nơi chủ xe cư trú để phối hợp có biện nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông.
Bên cạnh đó Phòng cũng phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhà trường tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền như 143 đợt tuyên truyền miệng và hơn 23 hội thi tìm hiểu pháp luật an toàn giao thông, trong đó tập trung chủ yếu là học sinh, sinh viên.
* Vừa qua Sở GTVT có chủ trương xây dựng cầu vượt bộ hành qua các giao lộ trong nội đô nhưng vì sao triển khai quá chậm? Tại các bến xe An Sương, Ngã Tư Ga, miền Đông , miền Tây rất cần xây cầu vượt cho người dân, vì sao Sở chưa đầu tư xây dựng? (Bùi Xuân Hà, Q.9, 44 tuổi, xuanha777@...)
- Ông Đậu An Phúc: Việc xây dựng cầu vượt bộ hành trên địa bàn thành phố đã được Sở Giao thông vận tải nghiên cứu và khảo sát đề xuất tại nhiều vị trí, trong đó có các nơi như đề xuất của anh. Tuy nhiên do kinh phí của thành phố còn hạn chế nên việc đầu tư cầu vượt trong thời gian qua còn chậm, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP.HCM cho phép xã hội hóa nhằm kêu gọi vận động các doanh nghiệp, nhân dân cùng tham gia thực hiện.
* Theo bác sĩ có nên xây dựng ý thức giao thông từ trong học đường được không, nên tập võ và tập thiền ở trình độ nhất định thì sẽ ý thức về bản thân hơn? (Nguyễn Đăng, 32 tuổi, xuandieudtc@...)
- BS Phạm Trí Dũng: Việc xây dựng ý thức là một quá trình lâu dài nên phải rèn luyện từ nhỏ qua giáo dục nhà trường, gia đình và các mối quan hệ xã hội. Việc tập võ, thiền theo tôi thì nên, vì nó cũng là một hình thức để luyện tính kỷ luật, nhạy bén và tạo sự tự tin cho bản thân.
* Thời gian qua theo dõi trên báo đài tôi thấy nhiều vụ tai nạn có “kịch bản” như sau: một chiếc xe tải đậu hoặc chạy thụt lùi trên làn xe máy khiến xe máy phải lấn ra ngoài làn ôtô và xảy ra tai nạn. Thế nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM vẫn còn tình trạng xe tải đậu hàng giờ trên làn xe máy hoặc chạy lùi trên làn xe máy rất nhiều. Sao không dẹp tình trạng trên? (Hồng Hà, Q. Tân Bình, 36 tuổi, nguyhongha@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt luôn bố trí lực lượng thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Những trường hợp dừng đỗ sai quy định đều được CSGT kiên quyết lập biên bản xử lý. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm Phòng đã lập biên bản và xử lý trên 9.000 trường hợp đối với các hành vi vi phạm.
* Hiện nay ý thức tham gia giao thông của người dân còn kém, trong khi các cuộc thi tuyên truyền chủ yếu là cán bộ công nhân viên tham gia, vậy làm cách nào chúng ta đưa những kiến thức, quy định về an toàn giao thông đến người dân một cách nhanh chóng? Lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng, chúng ta có định hướng sẽ bổ sung không? (Vinh, 30 tuổi, levanquangvinh2002@...)
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Như chúng ta biết nguyên nhân dẫn đến TNGT trong thời gian vừa qua chủ yếu là do ý thức của người đi đường như: đi không đúng phần đường, làn đường, quay đầu xe không báo trước, chạy xe quá tốc độ, chạy xe vào đường cấm, đường ngược chiều, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia trước khi lái xe... và người gây ra TNGT phần lớn là thanh niên. Vì vậy công tác tuyên truyền chúng ta cần đi đúng vào thanh thiếu niên và nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; hình thức tuyên truyền hết sứ đa dạng, trực quan.
Cụ thể sắp tới Ban An toàn giao thông TP sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để đưa những kiến thức, quy định về an toàn giao thông một cách nhanh chóng như: phát hành 1 700 000 cẩm nang tuyên truyền về ATGT đến từng hộ dân, phát hành các tờ bướm, lắp đặt các pano, treo băng rôn, áp phích tuyên truyền trên các tuyến đường. Phối hợp với mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức hội thi, hội thảo tìm hiểu về luât giao thông và các nghị định có liên quan. Phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức cuộc thi giao thông thông minh trên internet cho học sinh cấp 1 và 2...
* Tôi nghĩ thiếu kinh nghiệm lái xe cũng một phần gây tai nạn giao thông. Cần làm clip và giáo trình mang tính giải trí hướng dẫn lái xe để chiếu tại các bến xe để mọi người lái đúng cách. (Nguyen Thanh Tam, 27 tuổi, tamnonstop@...)
- Ông Đậu An Phúc: Rất đồng tình quan điểm với bạn trong việc cần phải xây dựng nhiều giáo trình mang tính giải trí, hướng dẫn lái xe để chiếu tại các bến xe, các nơi công cộng tập trung đông người.
Đây cũng là một trong những chủ trương của thành phố trong công tác giáo dục tuyên truyền Luật giao thông đường bộ. Sở Giao thông vận tải hiện đang nghiên cứu mô hình công viên an toàn giao thông cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng để đưa vào đó các nội dung giáo dục về Luật giao thông đường bộ, ý thức và hành vi ứng xử khi đi đường.
* Thời gian qua, một số tài xế thường phát biểu trên báo chí rằng họ bị các chủ xe, chủ hàng ép chở quá tải. Xe quá tải cũng là một trong những nguyên nhân gây tai nạn. Hiệp hội vận tải có ý kiến gì không?(Hà Lê, Q.Bình Thạnh, 34 tuổi, haletran@...)
- Ông Lương Hoàng Trung: Xe chở quá tải nguy cơ tiềm ẩn gây ra các vụ tai nạn giao thông. Về chủ trương Hiệp hội chúng tôi đã và đang kiên trì theo đuổi việc chống tình trạng xe chở quá tải đang phổ biến như hiện nay. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để giải quyết căn cơ vấn đề này, trước hết cần phải xác định cụ thể và làm rõ khái niệm: thế nào là quá tải, vì thực tế quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ trong quy định việc xe quá tải: quá tải cầu, quá tải đường, quá tải thiết kế xe, quá tải tham gia giao thông...
Trong đó, có những lỗi quá tải thuộc về chủ hàng, chủ xe hoặc lái xe nhưng cũng có nhiều lỗi xuất phát từ những bất cập của hạ tầng giao thông hoặc từ những quy định của pháp luật không phù hợp với thực tế của xe hiện nay.
Để tồn tại tình trạng xe chở quá tải như hiện nay là tổng hợp nhiêu nguyên nhân như chúng tôi đã nói ở trên. Vì thế việc một số lái xe có ý kiến cho rằng bị chủ xe, chủ hàng ép buộc chở quá tải là ý kiến chủ quan của họ. Về phía các doanh nghiệp vận tải cũng luôn mong muốn được chở hàng đúng tải vì những lợi ích mang lại trực tiếp như hao mòn máy móc, nhiên liệu, vỏ xe giảm, nguồn hàng phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và phản ánh đúng giá thành dịch vụ. Nhưng để giải quyết được bài toán xe chở hàng đúng tải cần phải có sự quyết liệt vào cuộc của nhiều ngành, nhiều lực lượng một cách đồng bộ theo hướng xã hội hóa trách nhiệm thì mới hi vọng đạt được kết quả mong muốn.
* Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi năm tiếp nhận bao nhiêu ca nạn nhân bị tai nạn? Nạn nhân thường nhập viện trong tình trạng ra sao? Đã có ca nào gặp rắc rối trong việc không có người nhà nạn nhân đi theo nên không nhập viện chưa? (Hoàng Dương, 23 tuổi, thanhhoang@...)
- BS Phạm Trí Dũng: Năm 2011 số bệnh nhân tai nạn giao thông: 26.023, tử vong 1.669, số nạn nhân mổ cấp cứu 3.502
- Năm 2012 số bệnh nhân tai nạn giao thông: 24.248, tử vong 1.405 bệnh nhân, số nạn nhân mổ cấp cứu 3.563
Không có trường hợp nào xảy ra khi không có người nhà nạn nhân đi theo mà không cho nhập viện.
* Ông đánh giá như thế nào về phân luồng giao thông (đặt dải phân cách). Hiện nay Sở chấn chỉnh tình trạng biển báo giao thông bất hợp lý ra sao? (Phúc Phan, 39 tuổi, phanphanphuc@...)
- Ông Đậu An Phúc: Việc tổ chức phân luồng giao thông mà cụ thể là đặt dải phân cách trong thời gian qua trên địa bàn thành phố đã mang lại hiệu quả cao trong việc kéo giảm và hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trước thực trạng quá tải của đô thị TP.HCM, việc tổ chức lắp đặt dải phân cách cũng đã làm hạn chế nhất định đến đời sống và sinh hoạt của một bộ phận người dân thành phố. Vì vậy, rất mong những người dân bị ảnh hưởng cùng gánh vác chung với thành phố trong việc xây dựng một đô thị văn minh và hiện đại.
Việc rà soát và chấn chỉnh các vị trí biển báo bất hợp lý là một trong những công tác thường xuyên cùa ngành giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp của người dân thành phố hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo Tuổi Trẻ, VOV, VOH...) để chúng tôi tiếp thu và phản ánh kịp thời.
* Cần những giải pháp cấp bách và lâu dài ra sao để kéo giảm tai nạn giao thông? (Lê Hồng Ninh, 25 tuổi, hongleninh@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Để đảm bảo Trật tự ATGT, với sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đã tập trung triển khai và thực hiện các giải pháp như sau:
- Tăng cường đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục và phối hợp cơ quan báo đài tăng thời lượng tuyên truyền về an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.
- Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Đẩy mạnh việc sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như: máy đo nồng độ cồn, cân tải trọng, máy đo tốc độ, camera ghi hình... để nâng cao cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính.
Chủ động động phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ chức năng và chính quyền địa phương xây dựng phương án, chủ động nắm tình hình kiên quyết không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép và ngăn chặn tình trạng tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng
- Tiến hành phối hợp với Ban ATGT TP, Sở GTVT và các cơ quan chức năng có liên quan khảo sát và đề xuất kiến nghị bất cập về tổ chức giao thông như hệ thống biển báo, vạch kẻ đường... để xem xét và tổ chức lại giao thông cho hợp lý.
Kết quả tình hình Trật tự ATGT trong 9 tháng đầu năm đã có chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông được kéo giảm so với năm trước.
* Kính gửi ông Nguyễn Ngọc Tường. Ông có cho rằng tình trạng tại nạn giao thông tăng lên là do một phần của chính việc CSGT ăn mãi lộ, làm tiền người tham gia giao thông? Những người bạn của tôi cũng bị CSGT làm luật (cả những CSGT xử lý tại nạn và những cảnh sát đứng ngoài đường. Ông có biện pháp gì làm ngay hay không? Và nếu câu hỏi của tôi được ông quan tâm thì tôi có vài việc muốn trao đổi thêm, mong nhận được email của ông. (Nguyễn Đình Văn, 25 tuổi, nguyendinhvanvn@...)
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Năm 2013 Ủy ban ATGT quốc gia dự kiến tiếp tục thực hiện là năm ATGT với chủ đề theo hướng nâng cao ý thức trách nhiệm người thực thi công vụ và văn hóa của người tham gia giao thông.
Theo tôi nghĩ nếu như không có người đưa mãi lộ thì sẽ không có việc cảnh sát giao thông nhận mãi lộ. Thực tế trong thời gian qua có rất nhiều gương điển hình CSGT không nhận mãi lộ đã được biểu dương, khen thưởng trong các hội nghị và trên báo đài. Tuy nhiên cũng còn vài cá nhân vi phạm bị ngành xử lý nghiêm minh trong ngành và trước pháp luật (đây là những "con sâu làm rầu nồi canh").
Theo tôi biết, những năm vừa qua ngành công an triển khai chỉ đạo quyết liệt tình trạng này. Nếu phát hiện có tiêu cực sẽ bị kỷ luật như tước quân tịch, đưa ra khỏi ngành... Đồng thời phía Mặt trận tổ quốc thành phố có tổ chức phát động trong nhân dân như chấp hành tốt luật giao thông, nếu có vi phạm thì không đưa hối lộ.
Tôi sẽ email liên lạc với anh để cùng trao đổi thêm.
* Khi đi đường tôi thấy xe buýt (loại xe được ưu tiên) được di chuyển trên tất cả các làn, nhưng theo tôi thấy lượng tai nạn giao thông chủ yếu do xe buýt và taxi. Khi kẹt xe, xe buýt lấn cả vào làn dành cho xe gắn máy dẫn đến kẹt xe và có nguy cơ kẹt xe cục bộ. Nên chăng phải có chế tài người lái xe buýt và xe taxi? (Phan Văn Thương, 36 tuổi, phanvanthuong.atc@...)
- Ông Đậu An Phúc: Việc phát triển xe chở hành khách công cộng (xe buýt, Metro...) là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của các đô thị trên thế giới, việc tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt trong đô thị là nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ công cộng đến người dân cũng là một trong những giải pháp nhằm hạn chế sử dụng xe cá nhân.
Tuy nhiên, việc chạy xe gây mất trật tự, an toàn giao thông làm ùn tắc của một bộ phận nhỏ người lái xe cũng đã ảnh hưởng đến mục tiêu chung của thành phố trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng. Sở Giao thông vận tải luôn kiên quyết loại bỏ đối với các hành vi vi phạm của người lái xe buýt.
* Phạt xe không chính chủ. Tôi mượn xe của của anh trai chạy ra mua hộp cơm, gặp CSGT thổi lại để kiểm tra giấy tờ. Tất cả mọi yêu cầu để tham gia giao thông tôi đều chấp hành đầy đủ (bằng lái tên tôi, bảo hiểm xe máy, giấy đăng ký xe máy, có điều là giấy đăng ký mang tên anh trai tôi, và tôi bị phạt do lái xe không chính chủ. Tôi không hiểu như thế nào, chẳng lẽ tôi mượn xe đi mấy phút cũng phải làm giấy mượn, rồi đi photo CMND? Hoặc xe ai người đó đi hay sao? Vợ không đi xe của chồng được, cha không đi xe của con được? (Trần Chí Công, 26 tuổi, congc25@...)
- Ông Lê Hồng Sơn: Để đảm bảo giải đáp được chính xác, đề nghị anh đến Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (341 Trần Hưng Đạo P.Cầu Kho, Quận 1) và mang theo giấy tờ liên quan để chúng tôi trực tiếp xem và giải đáp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận