12/10/2023 06:19 GMT+7

Cả chục sân khấu kịch ở TP.HCM sáng đèn, sự trỗi dậy bất ngờ

Còn nhớ sau dịch COVID-19, sân khấu kịch TP.HCM chỉ còn chừng 3-4 sàn diễn sáng đèn hằng tuần. Nhưng gần đây, số lượng tăng vọt với cả chục sân khấu khiến nhiều người bất ngờ.

Nghệ sĩ Hồng Ánh trước đây vốn hoạt động ở sân khấu kịch Idecaf, sau đó chị về cộng tác thường xuyên ở sân khấu Hoàng Thái Thanh. Nay chị quay trở lại và xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu Nhà hát kịch Idecaf. Hồng Ánh trong vở Một ngày làm vua - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ Hồng Ánh trước đây vốn hoạt động ở sân khấu kịch Idecaf, sau đó chị về cộng tác thường xuyên ở sân khấu Hoàng Thái Thanh. Nay chị quay trở lại và xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu Nhà hát kịch Idecaf. Hồng Ánh trong vở Một ngày làm vua - Ảnh: LINH ĐOAN

Khó tin bởi thời điểm trước, ngay cả ông bầu có kinh nghiệm lâu năm của sân khấu Idecaf là Huỳnh Anh Tuấn còn thở dài không biết sân khấu ông có thể trụ được hay phải đóng cửa.

Những biến động này dường như đang dự báo một sự thay đổi của sân khấu kịch thành phố trong thời gian tới.

Thu hẹp rồi lại... bung ra

Không chỉ ông Tuấn, có rất nhiều người bi quan về tình hình sân khấu. Một số sân khấu không thể trụ được đã lặng lẽ rút lui.

Một số sân khấu khác như Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân... vì khó khăn phải chọn cách thức diễn theo mùa, không thể sáng đèn định kỳ hằng tuần.

Có người còn khẳng định sẽ có thêm nhiều sàn diễn khác rơi rụng bởi lúc đó số sân khấu kịch có thể sáng đèn hằng tuần chỉ còn kịch Idecaf, Thế Giới Trẻ, Nhà hát kịch 5B...

Hai năm gần đây sân khấu trỗi dậy không ngờ, nhiều sân khấu mới xuất hiện, có cả chục sân khấu đang hoạt động như Nhà hát kịch 5B, Nhà hát kịch Idecaf, Nhà hát Thanh Niên, sân khấu kịch Thiên Đăng, Hoàng Thái Thanh, Trương Hùng Minh, Quốc Thảo, Thế Giới Trẻ, Hồng Vân.

Bên cạnh đó còn có những nhóm kịch nhỏ hơn như nhóm Đời, Xóm Kịch... Ngoài ra còn có Nhà hát Thế Giới Trẻ với các vở kịch lịch sử mà NSND Hoàng Yến đầu tư cũng duy trì đều đặn các suất diễn phục vụ học đường.

Không chỉ tăng về số lượng, lượng khán giả ở mỗi sân khấu cũng rất khả quan. Thêm nữa, không ít nghệ sĩ kỳ cựu cũng như các nghệ sĩ trẻ giới thiệu những dự án kịch thể nghiệm như Hồng Ánh với kịch thể nghiệm Mình nói chuyện mình; các dự án kịch thể nghiệm, tương tác của các đạo diễn Trà Nguyễn, Lê An...

Nghệ sĩ trẻ Lạc Hoàng Long (trái) rất quen thuộc ở sân khấu kịch Hồng Vân, cộng tác với sân khấu Thế Giới Trẻ trong vở Ngày hội Cái Bang do thầy anh, NSƯT Hữu Châu, đạo diễn - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ trẻ Lạc Hoàng Long (trái) rất quen thuộc ở sân khấu kịch Hồng Vân, cộng tác với sân khấu Thế Giới Trẻ trong vở Ngày hội Cái Bang do thầy anh, NSƯT Hữu Châu, đạo diễn - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ biến động

Chuyện đi ở tại các sân khấu trong thành phố là bình thường, nhưng gần đây là sự xáo trộn lớn. Nhiều năm trước, khá nhiều sân khấu xã hội hóa sở hữu lực lượng nghệ sĩ "cứng".

Hễ nhắc tên nghệ sĩ đó là người ta nói trúng phóc tên sân khấu mà họ diễn thường trực. Nhưng giờ đến sân khấu này, khán giả sẽ phát hiện nhiều gương mặt quen đến từ sân khấu khác.

Điển hình là sân khấu kịch Thiên Đăng với lực lượng nghệ sĩ rất đông đã từng là gương mặt quen thuộc ở Idecaf.

Nhà hát Thanh Niên, được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn trao quyền quản lý cho đạo diễn Ngọc Hồng - vốn từng là quản lý lâu năm của Thế Giới Trẻ, nên lực lượng nghệ sĩ hiện tại của nhà hát có nhiều gương mặt quen thuộc từng diễn ở Thế Giới Trẻ.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh sau khi chuyển sang hình thức diễn theo mùa thì những cái tên quen thuộc như Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Ngọc Duyên, Quang Thảo, Hồng Ánh, Tuyết Thu... hiện đang có mặt rải rác tại Nhà hát kịch 5B và Nhà hát kịch Idecaf.

Nghệ sĩ Hữu Châu ngoài việc diễn kịch ở Thiên Đăng thì đang đảm nhiệm vai trò đạo diễn ở sân khấu Thế Giới Trẻ với các vở như Ngày hội Cái Bang, Hót Gơ nổi loạn...

Như nghệ sĩ Thành Lộc, khi hợp tác làm sân khấu Thiên Đăng, bày tỏ mong muốn hướng đến "một nền nghệ thuật tử tế".

Với khả năng và kinh nghiệm lâu năm như anh, khán giả cũng đang chờ đợi những dấu ấn ở Thiên Đăng như nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như đã làm được khi rời Idecaf để thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Nhà hát kịch 5B đang đẩy mạnh dòng chính kịch với hai vở khá "nặng đô" vừa ra mắt là Ái tình ngoài hôn nhânBến lửa lòng. Sân khấu kịch Hồng Vân đang khai thác nhạc kịch với vở đầu tiên là Bông cánh cò, mời giám đốc âm nhạc "xịn" là Minh Vy tham gia để có chất lượng âm nhạc tốt.

Sân khấu Trương Hùng Minh lần đầu đầu tư làm kịch thiếu nhi Bí mật trăm đốt tre đã thắng lớn khi có thể kéo dài đến hơn 50 suất diễn.

Nhà hát kịch Idecaf và Nhà hát Thanh Niên cũng đang nỗ lực duy trì giữ nhiệt và thu hút khán giả. Kế hoạch phát triển hai nhà hát khá đa dạng, tuy nhiên có lẽ phải cần thêm thời gian vì đến hiện tại hai nhà hát vẫn chưa có vở diễn nào tạo được sự đột phá.

"Kịch Sài Gòn" được xem là "đặc sản" khi nhắc đến văn hóa giải trí TP.HCM. Trải qua bao thăng trầm, các nghệ sĩ vẫn cố gắng duy trì được sàn diễn là điều đáng nể.

Với "trang mới" này, người yêu kịch nói vẫn mong làng kịch thành phố có thêm nhiều sáng tạo, đột phá chứ không thể mãi luẩn quẩn với kịch sinh hoạt, kịch đồng tính, kịch ma...

Đại Nghĩa "tung hoành" sân khấu kịchĐại Nghĩa 'tung hoành' sân khấu kịch

Sau khi quay lại sân khấu kịch Idecaf sau hơn 5 năm gián đoạn với vở Thuốc đắng giã tật hồi Tết 2023, Đại Nghĩa đang trên sàn tập cùng lúc hai vở Sắc màu và Tơ duyên, dự kiến ra mắt vào tháng 7 tại sân khấu Idecaf.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên