09/11/2017 15:20 GMT+7

Buổi sáng của anh Hội có gì đặc biệt?

PHẠM MINH HIỀN
PHẠM MINH HIỀN

TTO - Kể lại câu chuyện người đàn ông 8 năm ròng đưa đón những cô cậu học trò nghèo đến trường để cha mẹ các em đỡ vất vả, bạn đọc Phạm Minh Hiền hy vọng: mong cuộc sống ngày càng lan tỏa những câu chuyện đẹp!

Buổi sáng của anh Hội có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

8 năm ròng, bất kể nắng mưa anh anh Nguyễn Văn Hội đều dậy từ 5 giờ sáng để đưa những đứa nhỏ đến trường - Ảnh: PHẠM MINH HIỀN

Dưới đây là bài viết của tác giả Phạm Minh Hiền - chủ nhiệm CLB tình nguyện Lửa Ấm (TP.HCM) gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

"8 năm ròng, bất kể nắng mưa, bấc có thổi già, thổi non, hay những ngày anh sụt sùi cảm sốt, cũng phải ráng chạy xe từ 5 giờ sáng để đưa những đứa nhỏ đến trường.

"Mỗi khi tôi mệt, tụi nhỏ cứ hay câu cổ tôi mà nói "Ba ơi cố lên", tự dưng lúc đó tôi hết mệt, câu nói của trẻ giống như nguồn năng lượng bất tận của tình yêu thương, từ đó để tôi sống hết mình với tụi nó".

Nguyễn Văn Hội

Tâm nguyện của anh, không đứa trẻ nghèo nào phải nghỉ học, và coi như mình phụ giúp ba mẹ nó có thời gian để làm kiếm thêm được lon gạo.

Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hội (40 tuổi) người đàn ông độc thân đang nuôi mẹ già, ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang, làm mọi người cảm phục về việc làm thầm lặng hàng ngày của anh.

Đó là đưa đón những đứa trẻ nghèo đi học, việc làm này để đảm bảo tụi nhỏ không thể bỏ học vì nhà xa, hay bỏ học vì không ai đưa đón.

Anh nói :"Ở đâu đó, người ta học để biết thêm nhiều kiến thức, nhưng với những đứa trẻ ở xã biên giới nghèo này, học để sinh tồn với số phận. Nên tôi không thể nào cam tâm thấy những đứa nhỏ quê mình phải bỏ học và tiếp tục với cảnh nghèo...".

4 giờ sáng, anh thức dậy cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và chăm lo cho mẹ già. Đúng 5 giờ, anh sẽ ra khỏi nhà và lần lượt đến từng nhà của những đứa trẻ để chở đến trường.

Mỗi lần chở được 3 em, và cứ quay đi quay lại như vậy, đảm bảo đến 7 giờ kém thì tất cả 60 em học sinh nghèo ấy phải có mặt ở trường.

Trong suốt 8 năm qua, những đứa trẻ anh chở đi học ngày nào giờ đã thành những cô cậu chuẩn bị bước vào giảng đường đại học. Nhưng mỗi lần gặp anh, vẫn kính cẩn khoanh tay, cuối đầu: "Con thưa ba!".

Anh Hội là quân nhân dự bị của địa phương, lâu lâu đơn vị cử đi học ở tỉnh, là anh phải xa tụi nhỏ đến vài tuần.

Anh kể: "Tụi nó hay mượn điện thoại của người quen, gọi vào số máy của tôi, vì trong tập đứa nào cũng có ghi số điện thoại của tôi. Giọng trẻ trong điện thoại cứ ríu rít: "Ba ơi, khi nào ba về đưa con đi học, con nhớ ba quá...".

"Tất cả, đứa nào cũng gọi tôi bằng ba. Lo lắm, đi như vậy, sợ không có tôi ở nhà thì tụi nó bỏ học. Mỗi lần, tôi vừa về tới nhà, tụi nhỏ cứ bu xung quanh tôi suốt buổi, đó là chính động lực duy nhất để tôi gắn bó với việc này." - anh Hội kể.

Anh kể: "Nhà tui có 6 công ruộng. Ráng làm vụ này, vụ sau nữa để dành tiền mua chiếc xe giống như chiếc xe ba gác máy để chở tụi nó đi cho an toàn. Chứ tống ba, tống bốn như vầy hoài, chiếc xe đã mòn mỏi 8 năm qua, bây giờ cũng đã hư lên hư xuống nhiều rồi... "

Bà con trong ấp, trong xã ai cũng quý mến anh. Thấy anh đi chợ mua bó rau, con cá đem về cho mẹ, người ta cứ từ chối lấy tiền của anh miết.

Người ta cứ lấy lý do: "Để dành tiền đó, mua xăng đổ vô xe đặng chở tụi nhỏ đi học". Hoặc lâu lâu có người đem cho chục trứng, mớ cá, mớ tép... với anh, đó là những chân tình quý giá nhất mà anh đã nhận được từ tất cả mọi người dành cho anh.

Có một điều đặc biệt, tôi nhìn thấy được khi tôi theo anh để lấy tư liệu viết bài này. Anh chở các em học sinh trên xe, ai đi ngược lại với anh đều cúi đầu :"Chào chú Hội!".

Đâu đó ở một nơi biên giới nghèo, lại có những người sống giàu tình cảm và nghị lực đến như vậy. Họ đoàn kết, họ quấn lấy nhau từ trong những khó khăn nhất, để rồi nhận lại sự nồng ấm, yêu thương từ cái nghĩa của người với người, của đồng bào, của ruột thịt.

Chuyên mục "Nhịp cầu nhân ái" của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này.

Thông tin giới thiệu gửi qua email: nhipcaunhanai@tuoitre.com.vn hoặc ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

"Nhịp cầu nhân ái" mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, "Nhịp cầu nhân ái" sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ.

Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: (08) 39973838. Số tài khoản: * VND: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. * USD: 007.137.0195.845 * EUR: 007.114.0373.054.

Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 107, hỗ trợ anh Nguyễn Văn Hội, ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

PHẠM MINH HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên