21/09/2017 16:11 GMT+7

Bụt ơi hãy giúp em, bởi đời cần có... Bụt

PHẠM MINH HIỀN
PHẠM MINH HIỀN

TTO - Kể lại câu chuyện đáng thương của cô bé người dân tộc H'Mông, bạn Phạm Minh Hiền mong muốn: "Chúng ta hãy là những ông Bụt, thực hiện điều ước bình thường và giản dị ấy đến với em..."

Bụt ơi hãy giúp em, bởi đời cần có... Bụt - Ảnh 1.

Em Nông Thị Ánh và mẹ - Ảnh: PHẠM MINH HIỀN

Dưới đây là bài viết của tác giả Phạm Minh Hiền - Chủ nhiệm CLB tình nguyện Lửa Ấm (TP.HCM) cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

"Mẹ ơi, hay là... đừng điều trị nữa mẹ nhỉ. Con sẽ vô rừng, khóc thật nhiều để ông Bụt hiện ra, con sẽ xin Bụt cho con hết bệnh, để ba mẹ ở nhà với con. Mỗi khi con đi học về, con đói, mà không có ba mẹ, con không ăn được cơm...".

Em Nông Thị Ánh rất nhiều lần thỏ thẻ với mẹ trong đêm như vậy

Đó là lời tâm sự hàng đêm của em Nông Thị Ánh lớp 5A, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, xã Dakrong, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông.

Vừa chào đời, Ánh đã không có sụn mũi. Đã không ít lần em Ánh tâm sự với mẹ: "Mẹ ơi, các bạn cứ trêu con suốt, vì con không có cái mũi. Để con ráng học thật giỏi, sau này con đi làm có tiền, con sẽ đi nâng cái mũi lên, mẹ nhỉ!?"

Tuy nhiên, đó chưa phải là những thiệt thòi mà Ánh phải chịu đựng. Lên 6 tuổi, căn bệnh quái ác đã ập đến. Em bị... bệnh máu trắng. Hay còn gọi là bệnh bạch cầu. Một loại ung thư các tế bào máu điển hình ở trẻ em.

Những tế bào bệnh bạch cầu là dị thường không thể làm việc bình thường mà những tế bào máu làm. Chúng không thể giúp đỡ cơ thể đấu tranh chống lại bệnh truyền nhiễm. Vì lý do này, những người mắc bệnh bạch cầu thường dễ bị nhiễm trùng và sốt.

Cơ thể Ánh yếu ớt do thiếu máu, mỗi tháng một lần, Ánh phải đi viện truyền máu. Chi phí mỗi lần truyền máu cho em, đã được nhà nước hỗ trợ nhưng cũng vẫn đến 1 triệu đồng/lần. Cứ mỗi tháng một lần, em đều đặn đến viện để truyền máu, để duy trì sự sống.

Mẹ em Anh là chị Vy Thị Khuyên (sinh năm 1987) tâm sự: "Nhà cũng có miếng rẫy nhỏ, trồng đậu, trồng ngô... Cố dữ lắm thì cũng đủ cơm ăn qua ngày. Ba mẹ phải đi làm thuê, làm mướn thêm để có tiền truyền máu cho con hàng tháng...".

Chị Khuyên kể, khi nghe những lời thẻ thẻ của Ánh, chị chỉ biết ôm con vào lòng mà cắn răng khóc cho không ra tiếng. Bằng cách nào đó, chị phải thật mạnh mẽ và kiên cường để... con không phải thấy mình đang là gánh nặng của ba mẹ.

Bụt ơi hãy giúp em, bởi đời cần có... Bụt - Ảnh 3.

Em Nông Thị Ánh (giữa) giao lưu cùng các thành viên CLB Tình nguyện Lửa Ấm trong chương trình Trăng Ấm với trẻ em dân tộc khó khăn - Ảnh: PHẠM MINH HIỀN

Tình máu mủ muôn đời, luôn thiêng liêng và gắn liền ruột rà. Người ta có thể hy sinh, cả những công sức, những nhọc nhằn của bản thân ở cõi phù sinh, để... ai đó thân thương trong cuộc đời này luôn ở cạnh mình, luôn bên mình. Sự hiện diện ấy là một hình hài thật đẹp, thật hạnh phúc của một gia đình.

Em không có mũi, khuôn mặt em dị dạng luôn bị bạn bè trêu chọc. Nhưng với chúng tôi, với bạn, và cả bạn nữa... Ánh là một người thật đẹp, chừng ấy tuổi mà tâm hồn đã nồng ấm, yêu thương, biết nghĩ đến ba, đến mẹ mình cực nhọc. 

Em trong sáng đến nỗi... vẫn tin ở trên đời này luôn có một ông Bụt, ông Bụt sẽ đem lại phép màu để... em sẽ không còn bệnh. Để em cùng ba, cùng mẹ có được một bữa cơm chiều ấm cúng. 

Tôi đã đóng vai ông Bụt qua điện thoại suốt buổi trưa hôm ấy với em. Trong điện thoại, giọng trẻ trong veo mà bên đây tôi thấy thắt lòng mình. Xốn xang, bàng hoàng.

Em nói: "Bụt ơi, khi nào con mới hệt bệnh vậy Bụt. Bụt ơi, Bụt có chiếc xe đạp giống như chị Thảo không (là một bạn hàng xóm), con thích chiếc xe đạp đó quá trời. Lâu lâu chị cho con mượn, con chỉ dám sờ chứ không dám chạy, vì lỡ... té một cái vết thương con sẽ không lành, trầy xe chị Thảo... ". 

Ông Bụt nghẹn ngào, vì đứng trong hoàn cảnh bệnh tật, ai cũng khát khao mình sẽ qua khỏi. Ông Bụt giả bộ nói: "... Bây giờ Bụt đi ăn cơm, tối nay mình gặp nhau trong mơ nhé, Bụt sẽ tặng con chiếc xe giống chị Thảo... ".

Nói đến khó khăn thì trong tất cả chúng ta ai cũng có. Những khó khăn không thể mang những hình hài giống nhau, đôi khi khó khăn là những ngày khắc khoải, là nỗi đau, là khốn cùng, là nước mắt. 

Nỗi đau sẽ dừng lại để thay thế cho niềm tin, niềm khát vọng, sự vươn lên để chiến đấu là những vòng tay, những ân tình, những… tình người với người để chúng ta cùng nhau sưởi ấm cho nhau.

Chúng ta hãy là những ông Bụt, thực hiện điều ước bình thường và giản dị ấy đến với em. Rất mong đón nhận sự đóng góp để tiếp thêm những giọt máu để nuôi sống tâm hồn trong trẻo ấy".

Chuyên mục "Nhịp cầu nhân ái" của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này.

Thông tin giới thiệu gửi qua email: nhipcaunhanai@tuoitre.com.vn hoặc ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

"Nhịp cầu nhân ái" mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, "Nhịp cầu nhân ái" sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ.

Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Điện thoại: (08) 39973838.

Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. * USD: 007.137.0195.845 * EUR: 007.114.0373.054.

Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 101, giúp đỡ bé Nông Thị Ánh xã Dakrong, Huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông.


PHẠM MINH HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên