25/02/2024 11:29 GMT+7

Bước vào tuổi 'gánh' cha mẹ và con cái

Chúng ta bước vào tuổi trung niên, cha mẹ cũng đến tuổi xế chiều. Nhiều cặp vợ chồng ở tuổi này đã phải đối diện với thực tế: vừa nuôi con ăn học, vừa chăm sóc cha mẹ già mắc nhiều bệnh nền.

Trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống - Ảnh: XUÂN MAI

Trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống - Ảnh: XUÂN MAI

Gánh nặng kinh tế và trách nhiệm khiến họ rơi vào vòng xoáy căng thẳng, áp lực.

"Đòn gánh" gánh cả hai đầu: cha mẹ và con cái

Dù dòng họ hai bên đông anh em nhưng chỉ có mỗi vợ chồng bà V.T.P. (53 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) gần cha mẹ già. Cũng vì thế mà mọi việc lớn nhỏ gì cũng đến tay hai vợ chồng bà. Mỗi ngày cả hai vợ chồng bà đều tới lui hết phía nội đến phía ngoại.

Những năm gần đây, ông bà hai bên đều đổ bệnh, con gái út đang học năm cuối đại học ở TP.HCM nên vất vả gánh trên vai hai vợ chồng bà P. tăng lên gấp nhiều lần.

Đợt gần nhất là mẹ ruột của bà P. bị ung thư bàng quang ở tuổi 82. Tuổi cao, sức yếu nên gia đình chỉ chạy chữa cho bà giảm đau qua ngày. Những ngày tháng này, cuộc sống vợ chồng bà P. thật sự đảo lộn.

Để công việc vẫn duy trì, nhà cửa có người trông, hai vợ chồng chọn phương án hết lượt vợ đến lượt chồng thay phiên nhau vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Muốn kịp giờ làm việc, hai vợ chồng "giao ca" chăm mẹ bệnh lúc 4h sáng vì khoảng cách từ bệnh viện tỉnh về nhà đi mất gần một tiếng đồng hồ.

Trường hợp gia đình bà P. là ví dụ điển hình của phần đông người ở độ tuổi trung niên vừa phải đi làm lo kinh tế, vừa chăm sóc cha mẹ già và nuôi hai con ăn học.

Cũng như gia đình bà P. nhưng vợ chồng bà L.N.M. (46 tuổi, ngụ TP.HCM) là ba thế hệ sống chung một mái nhà. Vợ chồng bà M. đưa mẹ từ ngoài quê vào TP.HCM sinh sống được mấy năm nay. 

Vài tháng gần đây, mẹ chồng của bà M. thường xuyên bị cao huyết áp, kèm theo bệnh đái tháo đường nhiều năm.

Hằng tháng, mẹ chồng bà M. phải đến bệnh viện gần nhà lấy thuốc bảo hiểm y tế về uống. Tuổi cao, không rành đường sá nên mỗi lần đến bệnh viện tái khám, nhận thuốc là bà M. hoặc chồng đều chở mẹ đi. Chưa kể thỉnh thoảng huyết áp của mẹ chồng bà tăng cao đột ngột, phải đi cấp cứu, nhập viện theo dõi vài ngày.

Bà M. tâm sự nhiều lúc bản thân bận rộn việc nhà, việc công ty, lo cho đứa con ở tuổi ăn học nên không thể quán xuyến mọi sinh hoạt, sức khỏe của mẹ chồng. Có lúc mẹ chồng bà M. dỗi, tủi thân, đòi về quê sống, không thì gọi điện thoại than vãn các con ruột.

"Giữa trách nhiệm làm con dâu, làm mẹ, công việc và thời gian cho cá nhân đến giờ tôi chưa thể cân bằng được. Nặng nề nhất là áp lực kinh tế trong một gia đình ba thế hệ, mà chỉ thế hệ thứ hai chúng tôi làm ra tiền, trong khi mẹ già bệnh cần được chăm sóc, nhưng quỹ thời gian thì chỉ có thế" - bà M. chia sẻ.

Với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Với tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Lời giải cho câu chuyện thiếu người chăm sóc ở tuổi ốm đau?

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.

Trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh, mỗi người Việt Nam trung bình có 10 năm phải sống với bệnh tật. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Theo PGS Lê Đình Thanh - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, trưởng bộ môn lão khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), người cao tuổi không những mắc nhiều bệnh phải điều trị mà cần người phục vụ, chăm sóc nên chi phí xã hội cho người cao tuổi rất lớn.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mô hình gia đình hạt nhân (gia đình hai thế hệ) đang dần thay thế cho mô hình gia đình truyền thống (có từ ba thế hệ trở lên) khiến số người thân chăm sóc cho người cao tuổi cũng ít đi.

Do đó, cần nghiên cứu điều trị, chăm sóc người cao tuổi trong mỗi gia đình là chiến lược phải đặt ra sớm, đồng thời cần có giải pháp đồng bộ giữa ngành y tế với các ngành khác để giải quyết thực trạng già hóa dân số.

PGS Lê Đình Thanh cho biết thêm, hiện tuổi thọ bình quân đầu người của Việt Nam lên đến 73,6. Đây là số tuổi chưa cao nhưng so với những thế hệ trước thì tuổi thọ này đã vượt bậc. Thế nhưng việc chăm sóc, điều trị, định hướng cho người cao tuổi có chất lượng cuộc sống tốt tại nước ta chưa đạt như mong muốn.

Vậy nên ngoài câu chuyện báo hiếu ở riêng mỗi gia đình, những trăn trở chăm lo cho cha mẹ già có được một đời sống tinh thần và sức khỏe được tốt nhất vào cái tuổi xưa nay hiếm vẫn còn là nỗi niềm canh cánh trong lòng của không ít người con...

Cần tăng cơ sở dưỡng lão công lập

Số liệu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy cả nước có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Số người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội khoảng 62.000 người với khoảng 10% là người già cô đơn.

Riêng tại TP.HCM, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP, hiện TP có 20 cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người cao tuổi (trong đó 7 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập).

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - phó trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM - cho rằng xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu. Do đó cần tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở dưỡng lão hiện hữu và tăng số lượng cơ sở dưỡng lão công lập.

Con đâu muốn cha mẹ bị rút năng lượng, dồn tiêu cực lên conCon đâu muốn cha mẹ bị rút năng lượng, dồn tiêu cực lên con

'Tôi thật sự sốc khi con mình nói, con không muốn nói chuyện với mẹ', chị M. kể trên một diễn đàn online dành cho cha mẹ về nuôi dạy con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên