16/03/2024 13:47 GMT+7

Bước vào hôn nhân còn mơ màng, làm thế nào tránh được ly hôn

Cứ như đến một giai đoạn, người ta bị đẩy đến trước ngưỡng cửa hôn nhân và họ cứ thế bước vào. Đơn giản là đến lúc kết hôn rồi, không lấy người này thì lấy ai.

Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Khi kết hôn, hẳn là rất ít người nghĩ đến cảnh ly hôn. Tuy nhiên thực tế là tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng, và quan trọng là hầu hết mọi người đều cảm thấy ổn hơn sau ly hôn.

Có phải là do hôn nhân hoàn toàn khác so với những gì họ từng nghĩ trước đó?

Tôi từng có một cuộc hôn nhân trong 2 năm. Lúc đó tôi 30 tuổi, vừa kết thúc một mối tình gần 10 năm, nghĩ rằng mình chẳng thể yêu ai nữa. Cô ấy xuất hiện và chỉ vài tháng sau chúng tôi kết hôn. 

Khi đó tôi chỉ nghĩ mình chẳng có gì để mất. Kết hôn cũng tốt, xem như hoàn thành bước "tề gia" để tập trung "trị quốc, bình thiên hạ".

Nhưng tôi đã lầm. Cuộc hôn nhân tự đi như cách nó tự đến. Cuộc hôn nhân vui vẻ chỉ chóng vánh, còn lại là gập ghềnh níu kéo và không thể không kết thúc.

Giai đoạn mơ màng về hôn nhân

Hiện tôi có làm một "nghề" tay trái là lắng nghe tâm sự của người khác. Tôi không phải người khai vấn hay chữa lành, chỉ đơn thuần là lắng nghe người cần giãi bày.

Qua công việc này, tôi được biết có rất nhiều bạn trẻ cũng trải qua một giai đoạn hôn nhân mơ hồ như tôi vậy.

Cứ như đến một giai đoạn, người ta bị đẩy đến trước ngưỡng cửa hôn nhân và họ cứ thế bước vào. Đơn giản là đến lúc kết hôn rồi, không lấy người này thì lấy ai.

Bước vào thì vỡ mộng. Có người thì vài tháng, một năm, cũng có người chỉ vài tuần, chưa kịp đăng ký kết hôn đã "ai về nhà nấy".

"Ngày trước người ta ly hôn vì không thể sống với nhau được nữa. Ngày nay người ta ly hôn vì nghĩ rằng họ có thể hạnh phúc hơn". Đây là đúc rút của thầy tôi - một người có nghiên cứu trong chủ đề ly hôn và ngoại tình ở Việt Nam.

Hiện tượng có thể nhìn thấy được là hầu hết mọi người nhẹ nhõm hơn sau ly hôn. Nhưng điều không thấy được là vết thương bên trong mỗi người. Người ta cần rất nhiều thời gian để hồi phục sau đó, để bớt sợ hôn nhân và để có thể lại yêu.

Ly hôn chỉ nên là khi đã cố gắng hết sức

Với những người bất ổn đến tìm tôi tâm sự, tôi chưa từng khuyên ai ly hôn, mà luôn tìm ra những cách thức có thể giúp họ cải thiện tình trạng mối quan hệ hoặc ít nhất là giúp họ thấy ổn trong giai đoạn bất ổn kia.

Có người nghe tôi, kiên trì ở lại, thay đổi bản thân và mối quan hệ của họ với chồng, vợ cũng được cải thiện từng chút một.

Có người đơn thuần là chịu đựng, bỏ mặc, cũng có người đã ly hôn.

Cũng như cách các bác sĩ bước ra từ phòng cấp cứu và tuyên bố "Chúng tôi đã cố gắng hết sức", tôi cho rằng ly hôn là một quyền, nhưng nên là giải pháp cuối cùng sau khi đã "cố gắng hết sức".

Với những người đang gặp vấn đề trong mối quan hệ hôn nhân, tôi thường lắng nghe câu chuyện của họ, nghe họ nói về những ấm ức, khổ đau, mong muốn không được đáp ứng…, nghe họ kể tội chồng, gia đình chồng... Đó là bước nhìn lại vấn đề.

Sau đó tôi hỏi họ điều gì tệ nhất và tốt nhất ở người chồng, và một số câu hỏi gợi mở để giúp họ nhìn rộng ra, có khi thấy được những thứ đáng quý trong mối quan hệ mà trước đó chỉ tập trung vào vấn đề nên vô tình bỏ qua.

Cuối cùng, tôi hỏi họ thật sự đang muốn gì ở mối quan hệ này. Bất kể tình trạng hiện tại và các yếu tố liên quan thế nào, bạn thật sự muốn gì?

Nếu họ muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này, tôi sẽ cùng họ tìm ra một vài cách đột phá, thay đổi, hoặc chịu đựng cho qua. Có người đến đây đã nhận ra những vấn đề mà mình gặp phải thật ra không quá lớn.

Người nào vẫn muốn "giải thoát" bằng cách ly hôn thì tôi biết mình "đã cố gắng hết sức".

Kết hôn hay ly hôn: Đều cần sự xuất hiện của cả hai người

Hôn nhân là một giao ước mà ta cam kết gắn bó cuộc đời mình với người kia. Hãy cố gắng hoàn thành giao ước đó - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hôn nhân là một giao ước mà ta cam kết gắn bó cuộc đời mình với người kia. Hãy cố gắng hoàn thành giao ước đó - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thầy tôi cũng nói, để cứu vãn một cuộc hôn nhân cần có hai điều kiện: người đàn ông chịu thay đổi và người phụ nữ chấp nhận chờ đợi cho sự thay đổi đó xảy ra!

Trong câu nói trên, người đàn ông và phụ nữ có thể thay đổi vị trí cho nhau. Bên nào cần thay đổi thì chấp nhận thay đổi, còn bên kia thì kiên nhẫn đợi cho sự thay đổi xảy ra.

Một yếu tố quan trọng khác ở đây là sự xuất hiện của hai người. Nếu một người chấp nhận thay đổi mà người kia không chờ nổi, hoặc một người chờ mãi mà người kia không thay đổi thì chẳng thể hạnh phúc được mà ngày càng tệ hơn. Khi đó, hôn nhân thật sự là nấm mồ của tình yêu. Nơi nấm mồ đó sẽ mọc lên những bông hoa ngoại tình hoặc những loài nấm độc chứa đầy vô cảm.

Hôn nhân là một giao ước mà ta cam kết gắn bó cuộc đời mình với người kia, cam kết ở bên cạnh nhau dù sướng vui, đau khổ, giàu có hay nghèo khổ. Hãy tận hết khả năng hoàn thành giao ước đó của chính mình.

Nếu "đã cố gắng hết sức" và chờ đợi đủ lâu mà tình hình không có chuyển biến, không thấy sự hợp tác nào từ phía bên kia thì hãy nắm lấy lựa chọn cuối cùng, thực hiện "quyền ly hôn" của bản thân. Cuối cùng thì ngày mai là một ngày mới và điều gì rồi cũng sẽ qua đi.

Lập gia đình: Gánh nặng hay hạnh phúc là do ta cảLập gia đình: Gánh nặng hay hạnh phúc là do ta cả

Nhiều góc nhìn đã được bạn đọc chia sẻ những ngày qua sau trải nghiệm, quan sát cuộc sống xung quanh về chuyện lập gia đình. Suy cho cùng, lựa chọn ra sao vẫn ở chính mỗi người.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên