Xe
29/06/2016 10:46 GMT+7

Brexit giáng đòn vào công nghiệp xe hơi châu Âu

TRÙNG DƯƠNG
TRÙNG DƯƠNG

TTO - Sau sự kiện Anh rời EU, giá trị đồng bảng Anh đã sụt giảm 11% so với USD. Trong các ngành bị thiệt hại, ngành công nghệ ôtô Anh dính đòn nặng nề.

Brexit tạo cú sốc lớn lên ngành công nghiệp ôtô Anh Quốc và châu Âu - Ảnh: Autoweek
Brexit tạo cú sốc lớn lên ngành công nghiệp ôtô Anh và châu Âu - Ảnh: Autoweek

 

Mất hàng tỉ USD, thị trường ôtô Anh biến động mạnh

Không nằm ngoài dự đoán, Brexit ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp ôtô nước Anh và cả châu Âu, với con số thiệt hại trước mắt lên đến hàng tỉ USD.

Trong đó, Jaguar Land Rover - nhà sản xuất xe hơi lớn nhất ở Anh, ước tính lợi nhuận hằng năm của hãng sẽ giảm khoảng 1 tỉ bảng Anh đến cuối thập niên này.

Evercore ISI dự đoán doanh số bán xe tại Anh sẽ giảm 4,5% trong năm nay và tiếp tục giảm 14% vào năm tới.

Doanh thu của các nhà sản xuất xe hơi tại thị trường ôtô lớn thứ hai của châu Âu sau Đức trong hai năm kế tiếp có thể giảm hơn 8,9 tỉ USD.

Không có cơ sở sản xuất tại Anh, nhưng các “đại gia” ôtô Pháp hết sức lo ngại về sức tiêu thụ các mẫu xe Peugeot, Citroen và DS (từng chiếm 8,5 % thị trường) của mình trong quý này.

Ngoài ra, theo tờ Figaro, Tập đoàn ôtô Pháp PSA Peugeot Citroen có khả năng sẽ tăng giá ôtô trước tình trạng đồng bảng Anh sụt giảm.

BMW không nằm ngoài vòng chi phối của Brexit, khi hai thương hiệu lớn là Rolls-Royce và MINI có dây chuyền sản xuất đặt tại đảo quốc sương mù.

Hãng siêu xe Đức đang đau đầu để giải quyết rắc rối trong khâu cung ứng giữa hai quốc gia Anh-Đức, ngoài ra vấn đề thuế quan thương mại có thể sẽ phát sinh giữa EU và Vương quốc Anh ngay sau Brexit.

Riêng Tập đoàn Volkswagen đang “án binh bất động” vì chưa thể đưa ra bảng đánh giá chính xác về sự tác động của thời kỳ hậu Brexit đối với thương hiệu xe sang Bentley.

GM, Ford cũng chịu nhiều ảnh hưởng

Theo Financial Times, Toyota và Honda (hai hãng xe Nhật này có cơ sở sản xuất tại Anh, nhằm cung cấp sản phẩm mình cho toàn thị trường châu Âu) có 75% xác suất rút khỏi Anh, nếu hàng sản xuất của họ tại Anh chịu mức thuế 10% khi nhập vào thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, sẽ cần rất nhiều thời gian thậm chí có thể kéo dài gần cả thập kỷ để các hãng xe Nhật tính toán sự được - mất trước tác động thời kỳ hậu Brexit.

Nhưng trong ngắn hạn, mối lo ngại lớn nhất của họ hầu hết tập trung vào sự tăng giá của đồng yen lên đến 1%, kéo lợi nhuận hãng xe giảm xuống đến 2,5%.

Nhưng không phải tất cả nhà sản xuất xe đều có cái nhìn bi quan sau vụ Brexit. CEO của Aston Martin có cái nhìn đầy lạc quan.

Ông cho rằng việc rời khỏi EU sẽ khiến đồng bảng Anh mất giá, sẽ tác động tích cực đến việc xuất khẩu xe của hãng.

“Bài toán” khó về thuế quan thương mại

Market Watch đưa tin ngày 28-6, các nhà sản xuất xe hơi tại đảo quốc này đang đối mặt với sự thay đổi không mấy tích cực về mặt thuế quan thương mại và quy trình xuất nhập khẩu giữa Anh sang EU và ngược lại.

Việc xuất khẩu xe từ Anh đến các quốc gia khối EU từng được miễn thuế và hưởng những ưu đãi đặc biệt.

Năm 2015, Anh đã sản xuất 1,5 triệu chiếc xe, trong đó có hơn 900.000 chiếc (chiếm khoảng 57,5%) được bán vào thị trường châu Âu.

Theo Automotive News, Hãng xe Toyota đã sản xuất 190.000 chiếc xe ở Anh trong năm ngoái, trong đó 75% lượng xe được xuất khẩu cho các nước trong khối EU, chỉ khoảng 10% sản phẩm được tiêu thụ ở Anh.

Riêng Nissan đã sản xuất 475.000 chiếc, hầu hết đều được xuất khẩu sang các nước châu Âu. Mỗi năm, hãng xe Đức BMW Volkswagen, tập đoàn xe Daimler bán được hơn một nửa số xe mới của mình ở Anh, khoảng 810.000 chiếc.

Nhưng ngay sau Brexit, các nhà sản xuất xe ở Anh có thể sẽ phải trả mức thuế khoảng 10% khi xuất khẩu xe của mình sang các nước châu Âu, đồng nghĩa những chiếc xe đến với người tiêu dùng châu Âu đắt đỏ hơn.

Mức thuế xuất nhập khẩu đối với xe Anh tại các quốc gia sẽ thay đổi tùy theo thỏa thuận song phương của đôi bên.

Nếu Anh được chấp nhận gia nhập khu vực thương mại châu Âu (EEA), các thành viên của EEA có thể được bảo vệ quyền lợi trong thuế quan thương mại hoặc hưởng các ưu đãi thuế với những nước còn lại trong khu vực.

Trong trường hợp xấu nhất, Anh trắng tay với các thỏa thuận sau Brexit, các nhà sản xuất ôtô tại xứ sở sương mù này buộc phải chấp nhận các khoản thuế mà EU quy định lên các sản phẩm của họ.

Khi đó, việc cạnh tranh thương mại giữa họ so với các đối thủ nặng ký như Mỹ, Nhật Bản, hay các nước tại EU Pháp, Đức trở nên gây gắt và khó khăn hơn.

Vậy “bài toán” khó ngành công nghiệp ôtô Anh đang đối mặt chính là loại giao dịch thương mại nào với EU sẽ được thương lượng. Đáp án đó còn là một ẩn số.

 

TRÙNG DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên