28/06/2016 08:12 GMT+7

Chính trường Anh hỗn loạn vì Brexit

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Những lá phiếu Brexit đang đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng, từ chia rẽ xã hội cho đến rạn nứt nền tảng chính trị.

Giao dịch chứng khoán ở khu tài chính London ngày 27-6. Theo BBC, đồng bảng Anh tiếp tục mất giá ở châu Á - Ảnh: Reuters
Giao dịch chứng khoán ở khu tài chính London ngày 27-6. Theo BBC, đồng bảng Anh tiếp tục mất giá ở châu Á - Ảnh: Reuters

 

Theo truyền thông Anh, hiện Đảng Bảo thủ cầm quyền đang rối ren vì khoảng trống quyền lực sau khi Thủ tướng David Cameron tuyên bố sẽ từ nhiệm trong vài tháng tới. Trong khi đó cuối tuần qua, các thành viên cao cấp thuộc Công Đảng (Đảng Lao động Anh) đã “khởi nghĩa” chống lại thủ lĩnh Jeremy Corbyn.

Gần chục thành viên thuộc nội các đối lập Anh đã từ chức hoặc bị sa thải sau khi lên tiếng phản đối sự lãnh đạo của ông này.

Từ Scotland, Thủ hiến Nicola Sturgeon cũng “góp một tay” khuấy đảo với tuyên bố sẽ bảo vệ đến cùng vị trí của Scotland trong Liên minh châu Âu (EU), thậm chí trưng cầu ý dân tách khỏi Anh nếu cần.

Nền kinh tế Anh đủ vững mạnh để đương đầu với những thách thức sắp tới

GEORGE OSBORNE (bộ trưởng tài chính Anh) tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 27-6

Hỗn loạn toàn phần

Kết quả trưng cầu ý dân vừa qua được cho là thể hiện sự chia rẽ trong lòng nước Anh. Tuy nhiên, hỗn loạn ở cấp lãnh đạo lại là điều không được dự báo trước trong tiến trình Brexit.

Theo lời thủ hiến Scotland thì “nước Anh đang cần sự lãnh đạo hơn bất cứ lúc nào trong giai đoạn hậu chiến, nhưng cả Công Đảng và Đảng Bảo thủ đều đang chối bỏ trách nhiệm”.

“Tôi nhìn cảnh này với sự khiếp sợ tột cùng” - bà Sturgeon mô tả.

Cuối tuần qua, đặc phái viên của Anh tại EU Jonathan Hill thông báo sẽ từ chức trong vài tuần nữa vì kết quả Brexit khiến ông “không còn tự tin để ở lại”. Do vậy thay vì đến tận năm 2020, giờ đây nước Anh đang đứng trước viễn cảnh thay đổi sớm bộ máy lãnh đạo.

Khả năng là tân thủ tướng được chỉ định bởi Đảng Bảo thủ sẽ tổ chức bầu cử sớm để củng cố sự ủng hộ, hoặc Quốc hội Anh sẽ làm việc này nếu được 2/3 số thành viên tán thành.

“Brexit đã đủ rối, nhưng khoảng trống lãnh đạo ở London còn tệ hơn” - ông James Mitchell, giám đốc Học viện chính phủ ĐH Edinburgh, nhận xét.

Các ứng viên tiềm năng kế nhiệm ông David Cameron hiện nay bao gồm cựu thị trưởng London Boris Johnson - người dẫn đầu phong trào Brexit và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May - đồng minh của ông Cameron.

Những nhiệm vụ khó khăn mà người kế nhiệm ông Cameron phải đương đầu bao gồm việc định hình quan hệ tương lai giữa Anh và EU; xây dựng lại tất cả các hiệp định thương mại toàn cầu của Anh từ “con số không”; chặn đà suy thoái của nền kinh tế; đoàn kết đất nước...

Cái khó cho tân lãnh đạo Anh là nhóm vận động chống Brexit chưa chắc gì đồng ý với giải pháp ông/bà ấy đưa ra.

Đức - Pháp đồng thuận về Brexit

Theo Đài BBC, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố họ đã đạt được đồng thuận về cách thức giải quyết hậu quả của Brexit. Ông Hollande cảnh báo châu Âu nếu chia rẽ sẽ phải đối mặt với “bất hòa và tranh chấp”.

Mặt khác, tổng thống Pháp cũng khẳng định “không có đường lui” cho quyết định của nước Anh. “Điều không ai nghĩ tới đã trở thành điều không thể thay đổi” - ông Hollande mô tả.

Theo kế hoạch, bà Merkel tiếp tục thảo luận Brexit với ông Hollande, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trong ngày 27-6. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ bắt đầu các chuyến ngoại giao con thoi đến London và Brussels.

Ông Kerry trước đó bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của Anh và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ gần gũi với EU. “Brexit và những thay đổi sắp xảy ra phải được tính toán cho phù hợp với lợi ích và những giá trị kết nối chúng ta với EU” - ông Kerry kêu gọi.

Cuối tuần qua, dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và một số ngoại trưởng EU kêu gọi Anh nên sớm khởi động tiến trình Brexit (tức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon), nhưng Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định “trước mắt sẽ chưa có gì xảy ra”.

Quan điểm này cũng được Berlin ủng hộ: “Các chính trị gia ở London nên dành thời gian xem xét lại những hệ quả của quyết định Brexit” - chánh văn phòng thủ tướng Đức Peter Altmaier kêu gọi.

Điều tra chữ ký giả

Theo BBC, Ủy ban tiếp nhận thỉnh cầu Hạ viện Anh đang tiến hành điều tra cáo buộc gian lận liên quan đến kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân về Brexit lần hai. Nhà chức trách nghi ngờ nhiều tên tuổi trong số 3,2 triệu chữ ký là giả và đã có ít nhất 77.000 chữ ký bị xóa bỏ.

“Những người thêm chữ ký giả vào bản kiến nghị nên biết rằng họ đang phá hoại lý lẽ mà họ cố bảo vệ” - bà Helen Jones, chủ tịch Ủy ban tiếp nhận thỉnh cầu, nhấn mạnh.

Bản kiến nghị đòi trưng cầu ý dân lần hai ở Anh đến nay thu hút khá nhiều sự quan tâm từ dư luận, nhưng giới quan sát nhận định không có khả năng kịch bản này sẽ xảy ra.

“Anh không thể cứ phát minh ra những rào cản mới chỉ vì anh ở bên thua” - ông Iain Watson, phóng viên chính trị Đài BBC, nhận xét.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên