"Chúng tôi không tìm cách xây dựng mọi thứ ở Mỹ. Thay vào đó, chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi kinh tế dài hạn đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng.
Điều này có nghĩa là làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế của Mỹ với nhiều quốc gia mà Mỹ có thể tin cậy, trong đó có Việt Nam", bà Janet Yellen khẳng định trong cuộc gặp báo chí ngày 21-7.
Mỹ tập trung vào Việt Nam và các nước đang phát triển
Trong khoảng 20 phút, bà Yellen đã nói về những bước phát triển nhanh chóng trong quan hệ Việt Nam - Mỹ. Bà cũng trình bày quan điểm của Mỹ đối với xây dựng nền kinh tế tự cường, dẻo dai.
Trong đó bà nhấn mạnh những "cú sốc" về kinh tế, sức khỏe cộng đồng và địa chính trị trong hơn 2 năm qua đã cho thấy sự cấp bách phải có một nền kinh tế đủ sức chống chịu, ổn định và bền vững.
Để làm được điều đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy một chương trình nghị sự xây dựng tính dẻo dai của nền kinh tế.
Nguyên tắc của chương trình nghị sự này là tăng cường cam kết và hợp tác của Mỹ với một mạng lưới rộng lớn các đối tác kinh tế đáng tin cậy trong các lĩnh vực như thương mại và khí hậu.
"Những nỗ lực này không chỉ tập trung vào các nền kinh tế tiên tiến mà còn tập trung vào các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi như Việt Nam", bà Yellen nêu vấn đề.
Về thương mại, chính quyền Biden đang theo đuổi "friendshoring": đặt sản xuất ở các quốc gia bằng hữu.
Mục tiêu của Mỹ là giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước những cú sốc về nguồn cung trong quá trình sản xuất hàng hóa quan trọng, đặc biệt là do sự tập trung quá mức, rủi ro địa chính trị và an ninh.
Ưu tiên hàng đầu của Mỹ xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Bà Yellen viện dẫn Đạo luật CHIPS và khoa học khuyến khích các nhà sản xuất xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Mỹ cũng trích một phần tiền theo quy định của đạo luật trên để hỗ trợ các quốc gia khác, đặc biệt tại Đông Nam Á.
"Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu", bà Yellen khẳng định.
Bộ trưởng Mỹ chỉ ra việc nhiều công ty Mỹ trong ngành công nghệ cao đã đầu tư vào Việt Nam để phục vụ cho các hoạt động sản xuất cách đó nửa vòng Trái đất.
Chẳng hạn Amkor - một công ty có trụ sở tại bang Arizona - sẽ sớm khai trương một nhà máy lớn và hiện đại để lắp ráp, thử nghiệm chất bán dẫn tại Bắc Ninh.
Tại tỉnh Đồng Nai, một công ty Mỹ khác là Onsemi đang sản xuất chip được sử dụng trong ô tô. Còn tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (TP.HCM), Intel đang đặt cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất thế giới.
Mỹ không theo đuổi mục tiêu "câu lạc bộ độc quyền"
Như để trấn an các lo ngại về "friendshoring", bà Yellen nhấn mạnh chính sách này không nhằm tạo ra "một câu lạc bộ độc quyền" chỉ bao gồm nhóm nhỏ các nước.
"Sáng kiến friendshoring hoàn toàn mở và bao gồm các nền kinh tế tiên tiến, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Mỹ đang nỗ lực tăng cường chứ không làm suy yếu mối quan hệ của chúng tôi với thế giới mới nổi và đang phát triển. Điều đó thể hiện qua quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam", bộ trưởng Tài chính Mỹ giãi bày.
Một vấn đề khác cũng được bà Yellen nhắc đến trong bài phát biểu là xây dựng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.
Theo bộ trưởng Mỹ, giảm thiểu các rủi ro do tình trạng biến đổi khí hậu cũng quan trọng như việc giảm các rủi ro trong thương mại.
Hiểu được điều đó, Mỹ đã thông qua các đạo luật để tăng cường sử dụng năng lượng sạch và giảm thiểu tác động đến khí hậu.
Washington cũng tích cực tham gia các sáng kiến, hợp tác nhằm giúp đỡ các nước khác, ví dụ các thỏa thuận về chuyển đổi năng lượng công bằng cho các nước đang phát triển như Việt Nam.
Kết thúc bài phát biểu, bà Yellen tái khẳng định tính dẻo dai và tự cường của nền kinh tế trong dài hạn thực sự chỉ có thể đạt được thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Bất chấp lịch sử khó khăn và phức tạp của chúng ta, tôi vẫn lạc quan về tương lai kinh tế mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng", bà Yellen bày tỏ.
Trước cuộc gặp báo chí, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã gặp đại diện 10 doanh nghiệp Mỹ hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam nhằm lắng nghe các khó khăn và cơ hội của các doanh nghiệp này.
Ngày 21-7 là ngày cuối bà Yellen ở Việt Nam. Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Mỹ Yellen đã gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận