21/07/2023 17:32 GMT+7

Bộ trưởng NN&PTNT: Tái cấu trúc một ngành tôm có trách nhiệm

"Để ngành tôm phát triển bền vững, những người nông dân hợp tác với doanh nghiệp cũng phải giữ chữ tín. Tôi đề nghị các doanh nghiệp từ tư duy mua bán chuyển sang hợp tác với nhau, hợp tác dài hạn, hỗ trợ nhau".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo thông qua hình thức trực tuyến - Ảnh: CHÍ TUỆ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo thông qua hình thức trực tuyến - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ý kiến trên được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra tại hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" do báo Tuổi Trẻ phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 21-7.

Theo ông Hoan, để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, những người nông dân hợp tác với doanh nghiệp cũng phải giữ chữ tín. Theo đó, cần xem lại có hay không trường hợp thương lái bên ngoài nâng giá lên một hai trăm đồng là bà con bẻ hợp đồng bán cho người khác.

"Phải xây dựng mối quan hệ có trách nhiệm, có chữ tín với nhau. Đề nghị các doanh nghiệp từ tư duy mua bán chuyển sang hợp tác với nhau, hợp tác dài hạn, hỗ trợ nhau. Có một thực trạng hiện nay là nông dân ngày càng không phân biệt được đâu là giống sạch bệnh, bởi có quá nhiều loại bệnh", bộ trưởng nhấn mạnh.

Để nông dân hiểu thêm, ông Hoan đề nghị các nhà khoa học cố gắng đơn giản hóa khi nói chuyện, cần phải đặt mình vào vị trí của nông dân. Bởi theo bộ trưởng, dù công nghệ có hiện đại đến thế nào nhưng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng xa thì không bền vững được. Phải thoát khỏi được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

"Tôi đề nghị thành lập hiệp hội ngành nuôi tôm của ĐBSCL. Chúng ta phải hướng tới sản xuất minh bạch, bền vững và có trách nhiệm", ông Hoan đề nghị.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, hiệp hội ngành hàng tôm không phải chỉ có doanh nghiệp, mà phải giải quyết vấn đề về công nghệ, thị trường và giống, thức ăn.

"Tôi tin rằng khi chúng ta có hiệp hội thì sẽ khác đi. Chúng ta cần cấu trúc lại một ngành hàng có trách nhiệm".

Ban tổ chức tặng hoa cho các khách mời tham gia hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ban tổ chức tặng hoa cho các khách mời tham gia hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhấn mạnh tầm quan trọng về môi trường vùng nuôi, ông Hoan cho rằng thị trường tôm là một chuyện; nguồn cung, vùng nuôi cũng là chuyện quan trọng không kém. Ô nhiễm nguồn nước, giống, thức ăn thời gian qua đã ảnh hưởng đến môi trường nuôi rất nhiều.

Tại hội thảo, sau khi ghi nhận các ý kiến về việc thiếu sự giám sát dẫn đến chất lượng tôm giống bấp bênh, dịch bệnh nhiều làm ảnh hưởng đến người nuôi, bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ yêu cầu Cục Thủy sản báo cáo lại vấn đề về giống, khâu nào không phù hợp sẽ sửa.

"Qua hội thảo, tỉnh Bạc Liêu cũng như các địa phương nuôi tôm trên cả nước rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Bộ NN&PTNT và có những chỉ đạo về cơ chế, chính sách phù hợp để định hướng xây dựng phát triển ngành tôm ổn định và bền vững.

Từ đó giúp ngành tôm Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng phát triển hiệu quả, giúp Bạc Liêu thành công xây dựng trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Hy vọng với những ý kiến của đại biểu sẽ có nhiều người ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý môi trường nuôi tôm, góp phần cho thành công, tiến bộ chung của ngành tôm Việt Nam", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chia sẻ.

Nuôi tôm tỉ đô cần môi trường bền vững - Kỳ 1: Quá tải vì... con tômNuôi tôm tỉ đô cần môi trường bền vững - Kỳ 1: Quá tải vì... con tôm

Nuôi tôm mang lại giá trị xuất khẩu hàng tỉ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long và là ngành đang phát triển "nóng" khiến hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi vốn đã không đáp ứng được nay càng trở nên quá tải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên