01/07/2023 08:46 GMT+7

Bổ sung chất xơ thế nào để tránh bệnh đại tràng, sỏi mật...

Chế độ ăn nghèo chất xơ dễ bị táo bón, viêm ruột thừa, trĩ, ung thư đại tràng, sỏi mật và suy mạch vành... Ăn chất xơ không đúng cũng gây tắc ruột, tử vong. Vậy ăn như thế nào để phòng ngừa và chữa trị bệnh tật?

Bổ sung chất xơ đúng sẽ giúp phòng ngừa nhiều bệnh - Ảnh minh họa

Bổ sung chất xơ đúng sẽ giúp phòng ngừa nhiều bệnh - Ảnh minh họa

Chất xơ - thuốc nhuận tràng phòng tránh nhiều bệnh

PGS.TS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho biết chất xơ là các polysaccharid, không phải là tinh bột, đó là bộ khung các tế bào thực vật và có sức chống đỡ với các men tiêu hóa ở người. 

Chất xơ có vai trò phòng ngừa bệnh đái tháo đường, tim mạch, điều hòa năng lượng, chống béo phì, giảm mỡ máu, cải thiện chức năng đại tràng...

PGS.TS Trần Đáng phân tích, chất xơ được xem là "thuốc nhuận tràng" hữu ích, làm tăng tốc độ lưu chuyển trong ruột, do đó cải thiện và duy trì chức năng đại tràng. Khối lượng phân tăng do chất xơ giữ nước và ion, nhờ đó làm phân mềm.

Đồng thời do chất xơ (chất xơ hòa tan) láng trơn bề mặt thành ruột nên tạo điều kiện cho khối phân lưu chuyển dễ dàng.

Chế độ ăn nghèo chất xơ dễ bị táo bón, viêm ruột thừa, trĩ, ung thư trực tràng, sỏi mật và suy mạch vành. Một chế độ ăn giàu chất xơ giúp đào thải nhanh, chống táo bón, phòng ngừa các nguy cơ trên.

PGS.TS Triệu Triều Dương - nguyên viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết chất xơ bổ sung không đúng có thể gây u bã thức ăn (tắc ruột) rất dễ tử vong. Bởi chất xơ không thể tiêu hóa trong hệ thống dạ dày - ruột vì thiếu các men tiêu hóa đặc hiệu.

Chất xơ được chia làm hai nhóm: tan và không tan được trong nước. Thức ăn nhiều xơ tuy không có giá trị dinh dưỡng cao nhưng rất cần thiết với cơ thể, ví dụ: chất xơ không tan giúp cho quá trình tiêu hóa làm tăng nhu động ruột, chống táo bón, tăng thải trừ chất độc...

Chất xơ tạo cảm giác no, giảm ham muốn thèm ăn nên không làm dư thừa năng lượng - giúp giảm cân, chống béo phì, ổn định pH của đường ruột... 

Chất xơ khi được hòa tan sẽ tạo thành chất nhầy nhớt, chất gel cản trở men tiêu hóa tác động lên các axit béo, cholesterol, đường glucose, là thực phẩm hữu ích cho người béo phì và đái tháo đường.

Cần lưu ý nên ăn cùng lúc cả hai loại xơ sợi tan được và không tan được trong nước với tỉ lệ tương đương 50/50 để hỗ trợ nhau về tiêu hóa và hấp thu.

Chất nền cho vi khuẩn, cung cấp năng lượng cho tế bào đại tràng

PGS.TS Trần Đáng phân tích, hệ vi khuẩn trong đại tràng có 400 loài. Hệ vi khuẩn này rất cần polysaccharid của chất xơ để phát triển và chuyển hóa, chúng làm mềm cặn bã thức ăn và các chất bài tiết từ ruột non xuống.

Chất xơ tuy không bị men tiêu hóa thủy phân nhưng bị vi khuẩn đại tràng làm lên men (thoái giáng). Khả năng bị lên men tùy thuộc vào loại vi khuẩn và loại chất xơ. Xơ không tan khó bị lên men hơn, xơ hòa tan bị lên men hoàn toàn.

Vi khuẩn làm lên men các polysaccharid vách tế bào theo nhiều con đường ưa khí sinh ra CO2, hydrogen, methan, nước và các axit béo chuỗi ngắn (chủ yếu là các anion, acetate, butyrate và propionate).

Mỗi ngày có khoảng 200 - 300 mmol axit béo chuỗi ngắn được tạo ra trong đại tràng và được hấp thu nhanh chóng. Sau khi được hấp thu phần lớn các axit béo này được tế bào biểu bì đại tràng dùng làm nguồn năng lượng tại chỗ. 

Ăn ít chất xơ (10g/ngày) các axit béo chuỗi ngắn cung cấp 25kcal, nếu ăn nhiều chất xơ, nguồn năng lượng này từ 150 - 200kcal.

Người ta chứng minh được rằng axit béo chuỗi ngắn butyrate có tác dụng kéo dài sự nhân đôi tế bào và làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư đại tràng. Propionate có tác dụng ức chế tiêu hóa tinh bột, ức chế tổng hợp cholesterol, làm giảm cholesterol. 

Acetate là axit béo chuỗi ngắn chính, được gan và mô ngoại biên hấp thu, chuyển hóa nhanh thành CO2. Acetate gián tiếp ảnh hưởng lên sự tiêu dùng gluco bằng cách làm giảm axit béo tự do trong máu.

Như vậy, vai trò chất xơ thực phẩm với chức năng đại tràng không chỉ là chống táo bón, làm tăng tốc độ lưu chuyển trong đại tràng và làm chất nền cho hoạt động của vi khuẩn, cung cấp năng lượng cho tế bào đại tràng.

Bổ sung đủ chất xơ không chỉ giúp đại tràng khỏe mạnh mà còn phòng ngừa các bệnh: ung thư, tim mạch, sỏi mật, trĩ, ruột thừa…

Tốt nhất bổ sung chất xơ bằng cách ăn: ngũ cốc (lúa mạch, kiều mạch, lúa mì vỡ hạt, ngô, hạt kê, lúa mạch đen…); rau quả: atiso, măng tây, măng tre, củ cải đường, súp lơ, cải bắp, cà rốt, rau diếp; đào, lê, dứa, mận và các cây họ đậu…

Người Việt đang ăn thiếu chất xơ, trong khi rau trái bốn mùaNgười Việt đang ăn thiếu chất xơ, trong khi rau trái bốn mùa

Chất xơ làm giảm đáp ứng đường huyết và đáp ứng insulin sau bữa ăn, nên tránh tăng cao đường huyết đột biến, giúp giảm các nguy cơ biến chứng và tình trạng hôn mê do nhiễm toan, tăng áp lực thẩm thấu do đường huyết tăng cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên