Vỉa hè rộng rãi, vẫn thích chạy bộ dưới lòng đường
Tuyến đường Phạm Văn Đồng từ giao lộ đường số 9, phường Linh Tây, TP Thủ Đức kéo dài đến cầu Gò Dưa, vào mỗi buổi sáng không khó để bắt gặp cảnh người đi bộ, chạy bộ dưới lòng đường.
Đường Phạm Văn Đồng nối TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), TP Thủ Đức với một số quận trong nội thành TP.HCM nên có lưu lượng xe cộ rất đông. Việc nhiều người chạy bộ xuống lòng đường luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Chị Nhật Diễm (27 tuổi, ngụ TP Dĩ An) cho biết chị làm việc ở quận Tân Bình, do quãng đường đi làm xa nên chị thường đi rất sớm. Nhiều năm liền đi về mỗi ngày trên đường Phạm Văn Đồng, chị Diễm thấy ngoài những người đi xe đạp thiếu ý thức, có không ít người đi bộ, chạy bộ tràn xuống lòng đường.
"Thấy mấy người đi xe đạp dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ là mình sợ lắm rồi. Nhưng tránh xe đạp xong thì gặp ngay mấy người chạy bộ. Có hôm phải đi ra giữa đường để nhường làn xe máy lại cho họ" - chị Diễm kể.
Tại khu vực công viên Gia Định, dù có đường chạy bộ rộng rãi nhưng nhiều người vẫn chạy xuống các con đường bao quanh công viên như đường Đặng Văn Sâm, Hoàng Minh Giám...
Buổi sáng lượng xe đổ về đường Hoàng Minh Giám rất đông, không ít người chạy bộ lấn ra len lỏi giữa những chiếc xe máy. Có người vừa chạy vừa đeo tai phone nghe nhạc, xe cộ phía sau bóp còi xin đường họ cũng mặc.
Ghi nhận tại một số tuyến đường thuộc các khu đô thị Sala, Vạn Phúc (TP Thủ Đức) hay trong các khu dân cư ở TP.HCM cũng không khó bắt gặp cảnh chạy bộ dưới lòng đường.
Một số người còn chủ quan cho rằng đường trong khu dân cư thông thoáng, ít xe nên lấn ra giữa đường bất chấp nguy hiểm.
Muốn an toàn thì chạy bộ ngược chiều?
Chị Kim Ngân (ngụ TP Thủ Đức) cho biết rất mê chạy bộ mỗi buổi sáng. Tuy nhiên gần nơi chị ở trọ không có công viên hay sân vận động nào, nên chị thường chạy trên đường Phạm Văn Đồng.
Chị Ngân thừa nhận đôi lúc cũng chạy xuống lòng đường vì vỉa hè đường Phạm Văn Đồng có những đoạn gần như bị hàng quán lấn chiếm hết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tới (ngụ TP Thủ Đức) và hai người bạn hay chạy bộ buổi sáng trên đường Phạm Văn Đồng thường chạy sát vỉa hè và chọn cách chạy ngược chiều để... an toàn.
"Sáng sớm có người chạy xe thiếu tỉnh táo, chúng tôi phải chạy ngược chiều để quan sát, có gì còn tránh kịp. Chứ mình chạy cùng chiều, xe ở sau ủi lên sao mình biết mà tránh" - anh Tới phân bua.
Một nhóm bạn trẻ hay chạy bộ tại quận Bình Thạnh cho rằng họ nhận thức được việc chạy bộ dưới lòng đường là nguy hiểm, nhưng không phải tuyến đường nào cũng có vỉa hè thông thoáng thích hợp cho việc chạy bộ.
Gây tai nạn có thể bị xử lý hình sự
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM): Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
Trường hợp người đi bộ khi tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 9 nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức tiền phạt là từ 60.000 - 200.000 đồng.
Bên cạnh đó, nếu người đi bộ vi phạm giao thông như: băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Lúc này, người đi bộ gây tai nạn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.
Cũng theo luật sư Phát, thực tế tại các đô thị lớn có một số nơi hạ tầng vẫn chưa đảm bảo dành cho người đi bộ, chạy bộ. Bên cạnh đó là vấn nạn lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán.
Thế nhưng, vì luật đã quy định nên người đi bộ, chạy bộ vi phạm thì khi cơ quan chức năng xử lý người dân vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận