02/01/2024 11:22 GMT+7

Bí mật những cuộc chiến đẫm máu từ lòng đất - Kỳ 3: Đường hầm cứu rỗi ở chiến địa Sarajevo

"Các bạn là chứng nhân cho khoảnh khắc lịch sử này. Tôi muốn thông báo với các bạn đúng 8h50 tối 30-7-1993, Sarajevo đã được thông suốt qua đường hầm dài 760m nối liền Dobrinja và Butmir dưới đường băng sân bay".

Đường hầm chạy từ Dobrinja bên trong Sarajevo bị vây hãm xuyên qua bên dưới đường băng đến khu vực an toàn Butmir - Ảnh: arrivalshall.com

Đường hầm chạy từ Dobrinja bên trong Sarajevo bị vây hãm xuyên qua bên dưới đường băng đến khu vực an toàn Butmir - Ảnh: arrivalshall.com

Cách đây 30 năm, tướng Rašid Zorlak đã long trọng phát biểu như trên tại buổi lễ trong doanh trại Nguyên soái Tito ở Sarajevo. Ông là người đưa ra ý tưởng và thúc đẩy xây dựng đường hầm độc đáo này.

Tôi đã quan sát đường băng trong sáu ngày và tự hỏi tại sao không xây dựng thứ gì đó bên dưới đường băng.

RAŠID ZORLAK

Dự án tuyệt mật sau sáu ngày quan sát đường băng

Chiến tranh đẫm máu xảy ra tại Bosnia & Herzegovina (năm 1992 - 1995) sau khi Liên bang Nam Tư tan rã. Thủ đô Sarajevo bị quân đội người Serb ở Bosnia vây hãm từ ngày 5-4-1992 đến 29-2-1996.

Cuộc vây hãm kéo dài 1.425 ngày được xem là cuộc vây hãm thủ đô dài nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại.

Để phá thế bao vây, quân đội Cộng hòa Bosnia & Herzegovina đã chủ trương đào một đường hầm kết nối Sarajevo với thế giới bên ngoài. Đường hầm mang tên "đường hầm cứu rỗi" hay còn gọi là "đường hầm hy vọng".

Trao đổi với Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), tướng về hưu Rašid Zorlak - tác giả cuốn sách Đường hầm và hơn thế nữa xuất bản năm 2014 - cho biết vào đầu cuộc chiến, ông từ mặt trận miền trung nhận lệnh điều động về Sarajevo và được bổ nhiệm làm phó tư lệnh phụ trách hậu cần của quân đoàn 1 quân đội Bosnia & Herzegovina.

Lúc bấy giờ Sarajevo đang bị bao vây nên cách duy nhất để vào thủ đô là băng qua đường băng sân bay. Về mặt kỹ thuật, sân bay nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc song băng qua đường băng chẳng khác gì hành trình tự sát.

Ông kể: "Hiện nay rất ít người biết và rất ít tài liệu viết về chuyện băng qua đường băng thời đó có ý nghĩa như thế nào. Sân bay được bài binh bố trận đến mức gần như không có con chim nào có thể bay qua.

Dây thép gai được bố trí dày đặc và rất nhiều cảm biến kết nối với pháo sáng. Ai chạm vào cảm biến, pháo sáng sẽ kích hoạt chiếu sáng toàn vùng, sau đó quân Chetnik (quân người Serb) bắt đầu bắn".

Một đêm nọ khu vực Butmir bên ngoài Sarajevo thuộc quyền kiểm soát của quân đội Bosnia & Herzegovina bị pháo kích dữ dội. Đó là lúc ông bắt đầu suy nghĩ phương cách khác để vào Sarajevo.

Ông nhớ lại: "Tôi đã quan sát đường băng suốt sáu ngày và tự hỏi tại sao không xây dựng thứ gì đó bên dưới đường băng".

Tướng Zorlak đến gặp một người tên Ahmed Pašic từng hành nghề xây dựng và bảo trì đường băng nên có thể cung cấp thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng dưới lòng đất sân bay Sarajevo.

Pašic cho biết các ống thoát nước được lắp đặt dọc đường băng (theo hướng ngược lại với hướng vào Sarajevo) nên chỉ còn phương án đào đường hầm bên dưới đường băng.

Ông triệu tập hai kỹ sư dân sự trẻ Nedžad Brankovic và Fadil Šero, thông báo họ sẽ tham gia một dự án bí mật quân sự lớn. Brankovic sau đó được xem là người thiết kế "đường hầm cứu rỗi" còn Šero mượn cớ đi thăm vợ rồi không quay lại nữa.

Ngày 22-12-1992, tướng Zorlak ban hành công văn thành lập dự án đào đường hầm. Để giữ tuyệt đối bí mật, dự án mang tên "Dự án thông tin D-B", công văn chỉ đóng dấu chứ không lưu vào hồ sơ quân đoàn.

Một chỉ thị có nội dung chung chung là "thực hiện một dự án liên quan sẽ được thông báo sau" chỉ có tên viết tắt và chữ ký của tư lệnh quân đoàn 1 Mustafa Hajrulahovic. Trong quá trình xây dựng đường hầm, không ai không cho phép ghi hình bất cứ lúc nào.

Phần lớn đường hầm chỉ cao 1,5m - Ảnh: krajina.ba

Phần lớn đường hầm chỉ cao 1,5m - Ảnh: krajina.ba

Đường hầm thi công như thế nào?

"Dự án thông tin D-B" bắt đầu vào ngày 28-1-1993, dự kiến đào một đường hầm từ khu Dobrinja trong Sarajevo bị vây hãm chạy dưới đường băng đến khu vực an toàn Butmir ngoài vòng vây. Do chạy đua với thời gian nên không có bảng mô tả kỹ thuật hoặc bảng dự toán chi phí xây dựng.

Ban đầu nhân công gồm tám nhân viên phòng vệ dân sự lớn tuổi đào 3 - 4 tiếng mỗi ngày.

Tướng Zorlak giải thích: "Lúc đầu không ai tin vào khả năng xây dựng đường hầm. Đường hầm không phải do quân đội xây dựng mà lại do lực lượng phòng vệ dân sự đảm trách... Một số người còn thấy nó lố bịch".

Để mọi người tin tưởng vào dự án, ông Zorlak đã yêu cầu tư lệnh quân đoàn 1 Hajrulahovic điều động lính công binh đào đường hầm. Hai đội đào từ hai đầu Dobrinja và Butmir tiến về đoạn giữa và hầu như không liên lạc với nhau. Nhân công chia làm ba đội đào liên tục ngày đêm, chủ yếu bằng cuốc và xẻng.

Sau ca tám tiếng, mỗi người được phát một bao thuốc lá, mặt hàng bán rất có giá trong thời chiến. Có đoạn nước ngầm xì ra ngập tới thắt lưng, nhân công phải dùng sô hoặc bình bi đông để tát. Nguồn sáng duy nhất là cái nồi chứa đầy dầu với ngọn bấc ngắn nổi bên trên.

Lối vào trong sân gia đình Kolar (nay là Bảo tàng Đường hầm Sarajevo) - Ảnh: federalna.ba

Lối vào trong sân gia đình Kolar (nay là Bảo tàng Đường hầm Sarajevo) - Ảnh: federalna.ba

Ngày 30-7-1993, hai đội đào từ hai đầu Dobrinja và Butmir đã bắt tay nhau bên dưới đường băng sân bay.

Tổng cộng đã có 2.830m3 đất được đào. Đường hầm chiến tranh Sarajevo dài 760m, rộng khoảng 0,9m. Phần lớn lối đi hẹp và cao chỉ 1,5m (một số chỗ cao 1,8m) nên không thể đứng thẳng lưng.

Đoạn bên dưới đường băng khó đào nhất vì sâu gần 5m và chỉ lớn hơn không gian để trườn một chút. Đường hầm có hình như chữ L chứ không phải đường thẳng để tránh quân người Serb phá hoại. Gần một nửa chiều dài là hầm có mái che.

Đêm đầu tiên sau khi đường hầm đi vào hoạt động, 12 tấn hàng tiếp tế gồm thực phẩm, xăng dầu, thuốc lá, rượu và chủ yếu là vũ khí và đạn dược đã được chuyển vào Sarajevo. Đường hầm là phao cứu sinh duy nhất đưa lương thực và đạn dược vào Sarajevo và đưa người thoát ra ngoài.

Trung bình mất hai tiếng để đi hết đường hầm. Lúc đầu đường hầm rất tối và không có hệ thống thông gió. Lối đi bùn lầy. Mọi hàng hóa được vận chuyển bằng tay. Sau đó, một đường ray nhỏ được lắp đặt để dùng cho 24 xe đẩy.

Đường hầm cũng được trang bị đèn điện, cáp điện thoại và đường ống dẫn xăng dầu. Đường hầm liên tục bị ngập nước và không đủ oxy vì quá dài, phải lắp máy bơm nước.

Mỗi ngày hàng ngàn binh sĩ và người dân chen lấn nhau ra vào ở hai đầu. Người men theo giao thông hào vào đường hầm an toàn còn xe tải phải tắt đèn chạy thầm đến lối vào. Hơn 20 triệu tấn lương thực đã được đưa vào thành phố và nhiều triệu lượt người ra vào Sarajevo bị vây hãm.

Tướng Zorlak nhận xét: "Đường hầm đã giữ vai trò quan trọng về mặt quân sự. Các đơn vị chuyển quân qua đó, nguyên liệu cũng được đưa vào vì ngành công nghiệp quốc phòng phụ thuộc vào con đường này. Cảm ơn Chúa vì khi đã đào xong đường hầm, các chàng trai không còn phải chết trên đường băng nữa".

Ông nói toàn bộ hoạt động thông tin liên lạc của chính phủ đều được thực hiện thông qua đường hầm. Tổng thống Izetbegovic đã nhiều lần đi qua đường hầm. Cuối cùng ông nhấn mạnh: "Đường hầm cứu rỗi là tượng đài cho sự trường tồn của dân tộc".

***************

Các tòa nhà đổ sập xuống. Khói bụi và mảnh vụn bắn lên không trung. Bom đường hầm có sức tàn phá đặc biệt nặng nề suốt 10 năm chiến tranh ở Syria và Iraq. Quân nổi dậy, bọn khủng bố và quân đội chính phủ đều sử dụng đường hầm.

Kỳ tới: Vũ khí bom đường hầm ở Syria và Iraq

Israel tuyên bố phát hiện đường hầm của các thủ lĩnh HamasIsrael tuyên bố phát hiện đường hầm của các thủ lĩnh Hamas

Ngày 20-12, quân đội Israel tuyên bố đã phát hiện một mạng lưới đường hầm từ nhà của các thủ lĩnh Hamas ở sâu bên dưới thành phố Gaza tại Dải Gaza.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên