08/03/2018 16:04 GMT+7

Bệnh máu khó đông

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)

Được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, người có Hemophilia (hay còn gọi là bệnh máu khó đông) hoàn toàn có thể sống, làm việc và đóng góp cho xã hội như những người khỏe mạnh.

Bệnh máu khó đông - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: southof64.com

Hemophilia là bệnh rối loạn chảy máu do thiếu yếu tố cần thiết để làm đông máu và thể bệnh thường gặp là Hemophilia A (thiếu yếu tố VIII) và Hemophilia B (thiếu yếu tố IX). Bệnh mang tính chất di truyền, có liên quan đến nhiễm sắc thể X. Bệnh thường thấy ở trẻ trai hơn trẻ gái. Khi người bố bị bệnh Hemophilia, người mẹ bình thường thì tất cả những người con trai sẽ không bị bệnh nhưng tất cả con gái sẽ mang gen bệnh. 

Những người phụ nữ mang gen bệnh sẽ không có biểu hiện bệnh nhưng có thể truyền cho thế hệ sau. Khi họ sinh con, sẽ có 50% con trai sinh ra bị Hemophilia và 50% khả năng con gái mang gen bệnh. Trẻ gái chỉ có khả năng bị bệnh Hemophilia trong trường hợp bố bị Hemophilia còn mẹ thì mang gen bệnh nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.

Ngoài ra, có 1/3 trường hợp bị bệnh là do đột biến mới trong gen. Biểu hiện của bệnh là chảy máu khó cầm ở khắp các vị trí trên cơ thể. Người lớn hay gặp nhất ở cơ và khớp. Trẻ nhỏ thường bị xuất huyết dưới da, bầm tím, đặc biệt trong thời kỳ trẻ bắt đầu tập lẫy, tập bò, tập đi; chảy máu khó cầm khi cắn phải môi hoặc khi đánh răng, chảy máu mũi… Người bệnh không được chơi thể thao, tránh các va chạm mạnh và chảy máu, phải được chăm sóc y tế thường xuyên và nhập viện điều trị khi chảy máu...

Hiện nay, bệnh Hemophilia vẫn chưa thể chữa khỏi và việc điều trị phải kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách, người có Hemophilia hoàn toàn có thể sống, làm việc và đóng góp cho xã hội như những người khỏe mạnh.

Theo nghiên cứu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho thấy, 60% người lớn và 25% trẻ em mắc bệnh Hemophilia bị tàn tật. Nguyên nhân, do hiểu biết về bệnh của cộng đồng, của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân còn hạn chế nên đa số bệnh nhân được phát hiện, chẩn đoán muộn. 

Bệnh Hemophilia cũng dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác như: Bệnh nhân Hemophilia bị chảy máu bên trong khớp dẫn tới sưng đau nhưng lại được hiểu và điều trị theo cách chữa bệnh về khớp thông thường. Điều đó dẫn tới điều trị sai và khớp của bệnh nhân ngày càng đau nặng hơn để lại di chứng tàn tật. Người bị bệnh nặng có thể đầu tuần ra viện, cuối tuần lại vào viện là chuyện bình thường.

Để phòng bệnh, các bác sỹ khuyến cáo, các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn nên đi khám để được tư vấn và tầm soát các bệnh di truyền. Những người bị bệnh cần phải nâng cao hiểu biết về bệnh, biết cách tự chăm sóc và điều chỉnh lối sống cho phù hợp.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên