11/04/2023 08:50 GMT+7

'Bẫy' trong hợp đồng bảo hiểm đến từ đâu?

Đây là câu hỏi được đặt ra khi thời gian qua nổ ra nhiều vụ lùm xùm liên quan loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, trong đó gần nhất liên quan diễn viên Ngọc Lan.

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có hàng chục trang giấy kèm với rất nhiều điều khoản, khách hàng cần phải nghiên cứu kỹ trước khi ký kết - Ảnh: PHẠM VŨ

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có hàng chục trang giấy kèm với rất nhiều điều khoản, khách hàng cần phải nghiên cứu kỹ trước khi ký kết - Ảnh: PHẠM VŨ

Xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp của bảo hiểm nên câu hỏi có "bẫy" hay không, "bẫy" ở đâu trở thành mối quan tâm lớn của nhiều người.

Thực tế dễ đứt gánh giữa đường

Bảo hiểm nhân thọ là con đường dài hạn, thông thường khách hàng phải đều đặn đóng tiền 10 - 20 năm. Để được bảo vệ, khách hàng cũng phải trả cho công ty bảo hiểm hàng loạt chi phí và tuân thủ nhiều quy tắc.

Ví dụ một khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ (cơ bản) với mức phí 100 triệu đồng/năm, sau 10 năm sẽ đóng tổng cộng là 1 tỉ đồng. 

Tuy nhiên công ty bảo hiểm trừ khoảng 200 triệu đồng chi phí ban đầu, ngoài ra còn trừ chi phí bảo hiểm rủi ro, chi phí quản lý hợp đồng... Do đó sau 10 năm, số tiền khách hàng nhận về có thể dưới 800 triệu đồng.

Khi hủy bỏ hợp đồng trước hạn, từ năm thứ 1 đến năm thứ 5, khách hàng bị trừ 100% phí, tức nhận về 0 đồng. Từ năm thứ 6 đến năm thứ 10 khách hàng bị trừ phí lần lượt là 80%, 60%, 40%, 20% chi phí hủy trước hạn. 

Đối với sản phẩm bảo hiểm bổ trợ (thẻ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo...), phí bị "rơi" theo từng năm, không thể rút ra như bảo hiểm thông thường.

Mới đây á hậu - diễn viên Diễm Châu cũng chia sẻ chỉ được công ty bảo hiểm trả 182 triệu đồng dù đã đóng tổng cộng 360 triệu đồng trong sáu năm qua. Nguyên nhân chính của việc bị trừ phí là do khách hàng đã tất toán hợp đồng trước hạn. 

Trên thực tế, tồn tại kẽ hở trong quá trình kiểm soát việc tư vấn của đại lý bảo hiểm cũng như quá trình thẩm định hợp đồng, dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng bị đứt gánh giữa đường, không đủ khả năng tài chính để duy trì.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều khách hàng cho hay họ đã nhầm tưởng rằng bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tiết kiệm đầu tư sinh lãi cao. Khi không còn khả năng nộp tiếp có thể bị mất trắng trong những năm đầu. 

Việc hạ mức phí đóng xuống thấp hơn có thể chỉ giúp đại lý bảo hiểm giữ được chỉ tiêu về tỉ lệ duy trì hợp đồng tính theo năm, song khách hàng cũng gần như bị mất trắng khoản tiền đóng ban đầu.

Bẫy trong hợp đồng bảo hiểm đến từ đâu? - Ảnh 2.

Nhân viên (trái) tư vấn cho khách về bảo hiểm cho thân nhân - Ảnh: T.T.D.

Phải tư vấn đúng bản chất bảo hiểm

Bà Hồ Thị Ngọc Như - trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) - cho biết không phải ai cũng có đủ hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ nên mới cần tư vấn. 

Nếu tư vấn bảo hiểm như một sản phẩm đầu tư sinh lời sẽ dễ khiến khách xuống số tiền lớn để mua. Tuy nhiên, tư vấn như vậy là sai bản chất, khách có thể đóng phí năm thứ nhất, nhưng các năm tiếp theo thì chưa chắc.

Người tư vấn cần giúp khách hàng hiểu rằng bảo hiểm là hành trình dài hạn, phải kiên trì đóng 10 - 20 năm liền. Tuy nhiên, cuộc sống của mỗi người sẽ có nhiều biến cố khó lường liên quan đến sức khỏe, công việc, tình hình kinh tế... 

Mức phí bảo hiểm chỉ nên chiếm khoảng 10 - 20% thu nhập/năm. Chẳng hạn đối với một người có thu nhập 100 triệu đồng/năm thì số tiền đóng bảo hiểm nhân thọ là 10 triệu đồng (khoảng 833.000 đồng/tháng). Như vậy kể cả khi biến cố xảy ra, khách hàng vẫn có khả năng duy trì bảo hiểm đến cùng.

Bên cạnh đó, đối với những khách hàng có tiềm lực kinh tế lớn, cũng cần phân tán rủi ro. Chẳng hạn khách hàng muốn đóng phí bảo hiểm là 300 triệu đồng/năm thì đại lý có thể tư vấn tách làm ba hợp đồng, quyền lợi vẫn giống nhau. 

Đến khi chẳng may gặp sự cố về kinh tế, khách hàng vẫn đóng được hai hợp đồng (vẫn được bảo vệ), một hợp đồng còn lại tạm thời bị mất hiệu lực (không được bảo vệ) nhưng có thể khôi phục hiệu lực trong vòng 24 tháng kể từ khi không có khả năng đóng phí.

Trong khi đó, không ít nhân viên tư vấn ít khi tư vấn đầy đủ, và rất nhiều trường hợp tư vấn viên chỉ dùng lời lẽ đẹp đẽ để "dụ" người mua. 

Trong khi người mua không được tư vấn những mặt rủi ro có khả năng xảy ra, đồng thời nhiều người đọc không kỹ hợp đồng có quá nhiều điều khoản chằng chịt, có thể trở thành "bẫy" với người mua.

Bẫy trong hợp đồng bảo hiểm đến từ đâu? - Ảnh 3.

Khách hàng tham khảo hợp đồng điện tử về bảo hiểm nhân thọ sau khi điều chỉnh rút ngắn thời gian đóng tiền bảo hiểm - Ảnh: TỰ TRUNG

Cần chuẩn hóa quy trình tư vấn bảo hiểm

Trải qua quá trình phát triển lớn mạnh của ngành bảo hiểm, bên cạnh các tác động tích cực, cũng tồn tại không ít mặt trái khiến người dân bức xúc. 

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng cần nhanh chóng chuẩn hóa quy trình tư vấn và đào tạo đại lý bảo hiểm. 

Ở các quốc gia phát triển, đại lý bảo hiểm phải sát hạch kiến thức hằng năm và Việt Nam cũng cần sát hạch như vậy. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) là đơn vị kiểm soát, giám sát. Việc này có thể kìm hãm sự tăng trưởng ồ ạt số lượng đại lý bảo hiểm, tuy nhiên tránh được hệ lụy cho người dân.

Song song đó, mặc dù đại lý được công ty bảo hiểm ủy quyền để tư vấn, theo luật đại lý làm sai thì công ty bảo hiểm chịu, song khi xảy ra tranh chấp, khách hàng khó có thể chứng minh được mình đã bị tư vấn sai lệch, mập mờ. 

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dài từ vài chục đến hàng trăm trang, rất nhiều thuật ngữ, nhiều người cũng chưa có thói quen đọc kỹ các loại hợp đồng ngắn hơn rất nhiều như hợp đồng thuê nhà, mua bán bất động sản, hợp đồng lao động... chắc chắn sẽ ký đại vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Do đó, để kiểm soát việc người đại lý tư vấn bảo hiểm rõ ràng, minh bạch hay chưa, bên cạnh việc xác minh qua chữ ký trên bảng minh họa, giấy tờ liên quan đến hợp đồng, công ty bảo hiểm cũng cần chuẩn hóa nội dung các cuộc gọi xác nhận sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. 

Theo đó, bộ phận tổng đài của công ty bảo hiểm phải gọi điện đến khách hàng, hỏi các mục cơ bản, để chắc chắn khách hàng mua bảo hiểm đúng nhu cầu, tránh trường hợp gọi cho có.

Điều quan trọng, cần có thêm biên bản tư vấn, trong đó trình bày các mong đợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm, liệt kê các nội dung chính khách hàng đã được tư vấn. 

Biên bản này cần có sự tham gia của bộ phận quản lý đại lý hoặc bộ phận pháp chế của công ty bảo hiểm, lưu ý đại lý bảo hiểm không được tham gia. Tránh để người bán bảo hiểm làm mọi việc từ A đến Z, rất khó kiểm soát. 

"Công ty bảo hiểm cũng có trách nhiệm kiểm soát đại lý tư vấn, không thể để đại lý bảo hiểm muốn nói sao thì nói để ăn hoa hồng, không màng đến thiệt hại của khách hàng", ông Đán nhấn mạnh.

178.200 tỉ đồng

Đó là doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam năm 2022, chi trả quyền lợi cho khách hàng ước đạt 40.600 tỉ đồng. Riêng quý 1-2023, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ hơn 39.500 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Hóa khổ vì bỗng dưng mang tiếng giàu

Hiện nay không ít người có thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng nhưng trong giấy tờ thẩm định tài chính thì con số gấp vài lần đến hàng chục lần. Những người thu nhập thấp, làm công việc chân tay, lại ghi là kinh doanh với mức thu nhập ngút ngàn...

Điều này không chỉ tạo kẽ hở để kẻ gian lợi dụng, mà còn khiến khách hàng không theo đuổi được hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong dài hạn, có nguy cơ bị từ chối chi trả bồi thường.

Để bảo vệ bản thân, khách hàng cũng cần thực sự để tâm vào việc đọc xem mình ký vào giấy tờ gì, có trách nhiệm hơn với chữ ký của mình. Ngoài lời của người tư vấn, khách hàng cũng có thể liên hệ công ty bảo hiểm nhân thọ qua email, đường dây nóng (nên ghi âm) để được giải đáp thắc mắc về các điều khoản nào.

Trong thời gian 21 ngày cân nhắc, khách hàng cần tận dụng tốt để xem xét lại hợp đồng và nhu cầu bảo hiểm của mình, nếu cảm thấy có gì sai sót thì báo để công ty bảo hiểm điều chỉnh, không phù hợp thì có thể hủy để lấy số tiền đã đóng.


Ngăn chặn việc bán bảo hiểm bằng cách "thao túng cảm xúc"

Theo các "nạn nhân" đứt gánh giữa đường với bảo hiểm, nhiều nhân viên tư vấn rất giỏi đánh vào nỗi sợ hãi của con người, rất giỏi thao túng tâm lý, sự thiếu hiểu biết của người mua về những kiến thức tài chính phức tạp, và nhất là đánh vào sự cả tin.

Ngoài ra còn có việc mua bảo hiểm qua người quen, được "chăm sóc chu đáo" trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Khi có ý định mua bảo hiểm nhân thọ, cần phân biệt rõ ràng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với những sản phẩm đầu tư tài chính phức tạp mang mác bảo hiểm nhân thọ, và ngược lại.

Với các trường hợp người mua có điều gì để lo lắng cho tương lai như làm mẹ đơn thân, nuôi mẹ già, con nhỏ, gia đình đơn chiếc..., người tư vấn sẽ tô đậm yếu tố bảo hiểm nhân thọ. Với những người có lòng tham, người tư vấn sẽ nhấn mạnh vào yếu tố đầu tư sinh lời.

Nhìn vào tình hình chung của thị trường bảo hiểm, ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định có một thực trạng tồn tại hàng chục năm nay là nhiều người bán bảo hiểm bằng việc "thao túng cảm xúc".

Khách hàng mua bảo hiểm vì quá tin tưởng người đại lý, chứ không phải do đã được tư vấn rõ ràng và hiểu biết về quyền lợi, các nguyên lý bảo hiểm.

Điều này cũng cho thấy tồn đọng các kẽ hở trong đào tạo. Nhiều người học lấy code (mã số đại lý bảo hiểm) trong thời gian chớp nhoáng, rồi dùng kiến thức này để bán bảo hiểm cả đời, chưa kể các trường hợp dùng "chiêu trò" để lấy được code.

Với mục đích đẩy doanh số, người bán bảo hiểm siêng năng học thêm các lớp kỹ năng mềm, thuyết phục và chiếm được lòng tin và tình cảm của khách hàng. Họ không mặn mà học thêm kiến thức về bảo hiểm vì khô khan, khó học.

Bên cạnh đó, nếu tư vấn bảo hiểm là... bảo hiểm thì rất khó chốt hợp đồng. Để bán dễ hơn, người đại lý lại mập mờ tư vấn bảo hiểm như một sản phẩm đầu tư sinh lời cực cao. Trong khi đối với sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư, điều đầu tiên phải giúp khách hàng hiểu rằng đây là bảo hiểm, đầu tư chỉ là phụ, lợi nhuận từ đầu tư là không đảm bảo, bằng chứng là trong hơn một năm nay nhiều khoản đầu tư của các công ty bảo hiểm bị thua lỗ nặng.

"Do đó cần ngăn chặn việc bán bảo hiểm nhân thọ bằng cách "thao túng cảm xúc", không đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết", ông Đán nói.

B.MAI

Nhân viên tư vấn cho khách mua gói bảo hiểm nhân thọ kèm bảo hiểm sức khỏe tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nhân viên tư vấn cho khách mua gói bảo hiểm nhân thọ kèm bảo hiểm sức khỏe tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Vụ diễn viên Ngọc Lan và Bảo hiểm MVI:

Bộ Tài chính yêu cầu báo cáo

Ngày 10-4, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được thông tin về việc bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) phản ánh về giao kết hợp đồng bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI.

Bộ Tài chính đã có công văn gửi Công ty MVI yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp cũng như thực hiện rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với bà Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm.

Ngoài ra MVI phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm.

Công văn cũng đề nghị công ty chủ động làm việc, giải quyết khiếu nại của khách hàng và có phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn, báo chí về vụ việc, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên về Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm trong hôm nay 11-4.

L.THANH

Có bằng chứng tư vấn sai mới có thể kiện

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), khi mua bảo hiểm, khách hàng phải cần hiểu về lĩnh vực bảo hiểm và quan hệ giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng vì đó là quyền và nghĩa vụ của mình.

Luật sư Tuấn nói bảo hiểm nhân thọ là một công cụ tài chính trước những rủi ro trong cuộc sống chứ không phải một hình thức đầu tư hay tiết kiệm lãi suất cao.

Luật sư Tuấn cho hay theo Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm và ngược lại.

Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mua bảo hiểm phải có bằng chứng chứng minh bên bán đã tư vấn sai, cố ý che giấu thông tin bảo hiểm.

Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm, trong đó quy định việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời hạn ít nhất 5 năm.

Nếu quy định này có hiệu lực thì có thể hạn chế trường hợp tư vấn viên bảo hiểm tư vấn mập mờ dẫn đến khách hàng hiểu sai về bảo hiểm.

TUYẾT MAI

Thăm dò ý kiến

Để tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ, theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bộ Tài chính yêu cầu các công ty bảo hiểm nhân thọ phải giải quyết khiếu nại của khách hàngBộ Tài chính yêu cầu các công ty bảo hiểm nhân thọ phải giải quyết khiếu nại của khách hàng

Đó là chỉ đạo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chiều 10-4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên