04/08/2023 09:49 GMT+7

Bầu thủ tướng Thái Lan: Bế tắc kéo dài

Giới quan sát đang chờ xem liệu Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) có thể phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay không khi gần ba tháng đã trôi qua kể từ ngày tổng tuyển cử, Thái Lan vẫn chưa có thủ tướng mới.

Các nghị sĩ Thái Lan trong cuộc họp xem xét việc tái đề cử lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat làm ứng viên thủ tướng hôm 19- 7. Cuối cùng ông Pita không được tái đề cử - Ảnh: Bangkok Post

Các nghị sĩ Thái Lan trong cuộc họp xem xét việc tái đề cử lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat làm ứng viên thủ tướng hôm 19- 7. Cuối cùng ông Pita không được tái đề cử - Ảnh: Bangkok Post

Ngày 3-8, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha thông báo hoãn cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng mới dự kiến vào ngày 4-8. Quyết định đưa ra sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan tuyên bố chưa ra phán quyết về nghị quyết của Quốc hội bác bỏ việc tái đề cử lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat cho ghế thủ tướng.

Vì sao MFP bị loại?

Quốc gia Đông Nam Á với hơn 70 triệu dân đã tổ chức tổng tuyển cử từ ngày 14-5 nhưng cho đến nay gần như chắc chắn ông Pita Limjaroenrat, ứng viên thủ tướng của đảng chiến thắng MFP, sẽ không trở thành người lãnh đạo đất nước.

Gần ba tháng sau bầu cử, Thái Lan chưa có thủ tướng mới, chưa có chính phủ mới, trong khi nhiều cuộc biểu tình của người dân vẫn diễn ra. Tình hình đang cho thấy một thế bế tắc chính trị.

Với hệ thống nghị viện của Thái Lan, việc thành lập các chính phủ liên minh sau bầu cử không phải chuyện lạ. Các đảng có thể lập liên minh và thủ tướng được bầu ra theo quy trình này.

Tuy nhiên, ông Pita đã đối mặt với một trở ngại khác trên con đường trở thành thủ tướng: các nhân vật bảo thủ theo chủ nghĩa bảo hoàng tại Thượng viện Thái Lan phản đối kế hoạch cải cách của MFP, trong đó có ý định sửa đổi luật khi quân (theo luật, những ai phỉ báng nhà vua có thể bị phạt tù tới 15 năm). Không chỉ thế, Đảng MFP cũng muốn giảm bớt ảnh hưởng của quân đội.

Trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng tại Quốc hội Thái Lan hôm 13-7, các thượng nghị sĩ từng được bổ nhiệm dưới thời chính quyền quân sự đã ra sức ngăn chặn ông Pita, khiến ông không giành đủ 376 phiếu cần thiết.

Đến ngày 19-7, Quốc hội Thái Lan tuyên bố tước bỏ tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita vì không thể đề cử một người hai lần trong cùng một kỳ họp. Quyết định này đã dẫn tới một vụ khiếu nại lên Tòa Hiến pháp Thái Lan. Ngày 3-8, tòa cho biết họ cần xem xét cẩn thận các khiếu nại và dự kiến đưa ra phán quyết vào ngày 16-8.

Pheu Thai sẽ phải nhượng bộ?

Sau khi lộ trình trở thành thủ tướng của ông Pita bị cản trở, Đảng Pheu Thai (đảng có nhiều phiếu thứ hai trong bầu cử và thuộc liên minh tám đảng do MFP dẫn đầu) có vẻ sẽ đứng ra thành lập chính phủ liên minh.

Ngày 2-8, ông Chonlanan Srikaew, lãnh đạo Đảng Pheu Thai, cho biết sau khi nói chuyện với các thượng nghị sĩ và các đảng khác, ông nhận thấy rõ ràng lập trường của MFP về chế độ quân chủ Thái Lan là trở ngại lớn cho liên minh tám đảng trong việc giành đủ số phiếu tại Quốc hội.

Ông Chonlanan nói Pheu Thai sẽ cố gắng thành lập chính phủ mà không có MFP trong liên minh và sẽ đề cử ông trùm bất động sản Srettha Thavisin làm ứng viên thủ tướng. Theo kế hoạch, Pheu Thai sẽ công bố các đối tác trong liên minh mới vào ngày 3-8, nhưng sao đó họ đã hoãn công bố.

Theo Đài ABC, Pheu Thai là đảng theo chủ nghĩa dân túy, chống quân đội. Nếu Pheu Thai lập liên minh mới không có MFP và bỏ qua những cam kết cải cách của MFP, họ sẽ dễ được các nhân vật bảo thủ chấp nhận hơn nhưng cũng rơi vào tình thế khó khăn.

"Để Pheu Thai có thể thành lập chính phủ, đảng này sẽ buộc phải gạt bỏ niềm kiêu hãnh và gạt đi mọi thứ mà họ đã đấu tranh. Họ sẽ phải thành lập một liên minh với chính các đảng ủng hộ quân đội" - tiến sĩ Aim Sinpeng của Đại học Sydney (Úc) nhận định. Và trong kịch bản như vậy, MFP sẽ thành đảng đối lập.

Bà Sinpeng nói thêm: "Chúng tôi thực sự không biết Pheu Thai sẽ đề cử ai cho chức thủ tướng. Có vẻ là ông Srettha Thavisin. Ông ấy không phải là một chính trị gia có nhiều kinh nghiệm, mà chủ yếu là một doanh nhân".

Pheu Thai đang chịu áp lực phải thành lập chính phủ mới trước khi cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra về nước. Đảng này cũng có hai ứng viên dự bị là bà Paetongtarn Shinawatra (con gái út của ông Thaksin), và cựu bộ trưởng tư pháp Chaikasem Nitisiri.

Ông Yuttaporn Issarachai, nhà khoa học chính trị tại Đại học mở Sukhothai Thammathirat, cho rằng đây sẽ là cơ hội cuối cùng của Pheu Thai để lãnh đạo chính phủ trong bối cảnh đảng này đang để mất các cử tri ủng hộ họ vào tay MFP. Ông cho rằng Pheu Thai "không còn giữ độc quyền về các lá phiếu ủng hộ dân chủ nữa".

Ông Thaksin vẫn về nước?

Trong bối cảnh Thái Lan chưa tìm được thủ tướng mới, một thông tin khác cũng nhận được nhiều quan tâm: cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra dự kiến về nước vào ngày 10-8, chấm dứt cuộc sống lưu vong từ năm 2008 dù vẫn đang đối mặt nhiều cáo buộc hình sự trong nước.

Theo báo Bangkok Post, ngày 3-8 phó lãnh đạo Đảng Pheu Thai Phumtham Wechayachai xác nhận kế hoạch trở về của ông Thaksin vẫn không thay đổi. Trước đó, con gái ông Thaksin là Paetongtarn Shinawatra thông báo cha bà sẽ tới sân bay Don Mueang ở Bangkok vào ngày 10-8.

Hậu bầu cử Thái Lan: Đảng Vì nước Thái hoãn công bố liên minh thêm 2 tuầnHậu bầu cử Thái Lan: Đảng Vì nước Thái hoãn công bố liên minh thêm 2 tuần

Chính trị hậu bầu cử Thái Lan đầy kịch tính khi đảng Vì nước Thái mới cho biết sẽ hoãn công bố liên minh mới thêm ít nhất 2 tuần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên