"Nghe nói ngành này hot, cơ hội việc làm cao", "Nghe nói nhiều trường năm nay mới mở ngành này", "Nghe nói ngành này đã hết thời"... là các câu hỏi được nhiều phụ huynh và học sinh đặt ra tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 17-3.
Ngày hội diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, thu hút khoảng 25.000 học sinh, phụ huynh Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cùng thời điểm này, tại tỉnh Bạc Liêu, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đến với học sinh các tỉnh miền Tây.
Nên chọn ngành phù hợp
Khá nhiều câu hỏi về thiết kế chip bán dẫn trong nhóm câu hỏi về công nghệ kỹ thuật được các học sinh, phụ huynh đặt ra với các chuyên gia tư vấn tại ngày hội ở Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết chip bán dẫn là chương trình nằm trong các ngành lớn của nhiều cơ sở đào tạo và không phải bây giờ các trường mới mở ra sau khi chip bán dẫn trở nên "hot" mà nhiều trường đại học đã đào tạo từ lâu.
Theo bà Thủy, Việt Nam đã có nhiều kỹ sư ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, có thể phụ huynh và học sinh không biết vì nhầm tưởng chip bán dẫn là một ngành đào tạo. Có một số cơ sở cũng quảng cáo đào tạo ngành chip bán dẫn để thu hút người học, khiến nhiều người nghĩ đây là ngành mới nổi.
Về băn khoăn này, TS Lê Đình Nam (phó trưởng ban tuyển sinh - hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội) và PGS.TS Nguyễn Phú Khánh (phó hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa) đều cho rằng thí sinh muốn làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn có thể đăng ký dự tuyển vào nhiều ngành như điện tử viễn thông hay vật liệu tùy thuộc các bạn muốn trở thành kỹ sư trong thiết kế, sản xuất, đóng gói hay ứng dụng...
Điều các chuyên gia tư vấn muốn nhắn nhủ tới các bạn học sinh là đừng nên chỉ chăm chăm chọn ngành "hot" mà hãy tìm các ngành phù hợp với năng lực, mong muốn của mình. Vì với một ngành phù hợp và yêu thích, các bạn có thể học tốt hơn, hứng thú hơn và cũng dễ thành công hơn.
Chọn ngành "hot" chưa chắc đã có cơ hội việc làm tốt nếu các bạn không đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh cạnh tranh cao. Nhưng học ngành không "hot" mà phù hợp thì có thể các bạn sẽ thành công và hạnh phúc.
Ngoại ngữ có "hết thời"?
Ngược lại với ngành "hot", tại phiên tư vấn, khá nhiều học sinh và phụ huynh lại bày tỏ sự hoang mang, lo lắng khi nghĩ ngoại ngữ đã hết thời. Cụ thể là lo ngại các trường sẽ bỏ phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ và học ngoại ngữ cũng bão hòa nên sẽ khó xin việc làm.
TS Lê Mỹ Phong, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết năm nay bộ vẫn duy trì quy định miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT với các trường hợp có chứng chỉ được quy định tại phụ lục của quy chế sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Các trường hợp miễn thi sẽ được tính điểm 10 trong xét điểm tốt nghiệp. Còn việc sử dụng chứng chỉ đó thế nào để xét tuyển đại học là do các trường quy định.
TS Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội, khẳng định không có việc tất cả các trường bỏ phương thức xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ. Nhưng mỗi trường sẽ có các quy định khác nhau về ngưỡng điểm quy đổi, về các yếu tố kết hợp cùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển.
Cô Phương cho biết trong bối cảnh hội nhập sâu, ngoại ngữ là phương tiện không thể thiếu với những người trẻ hiện nay và trong tương lai. Các trường đại học cũng có quy định về chuẩn đầu ra với trình độ ngoại ngữ của sinh viên. Vì thế không phải chỉ học ngoại ngữ để tuyển sinh mà còn cần học để tốt nghiệp đại học và đáp ứng yêu cầu công việc sau này.
Trả lời câu hỏi về sự "bão hòa" với ngành học ngoại ngữ, cô Phương khẳng định các ngành ngôn ngữ trong các cơ sở đào tạo vẫn thu hút người học. Và các trường cũng điều chỉnh chương trình đào tạo để bên cạnh khối kiến thức ngôn ngữ còn có khối kiến thức về các chuyên ngành cụ thể để ứng dụng ngoại ngữ.
Với những thay đổi đó, người học có thể đáp ứng yêu cầu công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Không nên vào đại học bằng mọi giá
Đó là nhắn gửi của TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu vào ngày 17-3.
Thầy Hạ lưu ý lựa chọn bậc học của thí sinh cần được cân nhắc trên nhiều yếu tố, đặc biệt là năng lực bản thân. Việc trúng tuyển đại học ngày nay không quá khó, nhưng để học tốt ở đại học sẽ khó khăn nếu sinh viên không đủ năng lực bởi những yêu cầu, phương pháp học tập, cách đánh giá ở bậc đại học khác rất nhiều so với phổ thông. Thay vì vào đại học bằng mọi giá, thí sinh có thể cân nhắc thêm hướng cao đẳng, trung cấp, học nghề phù hợp với sức học của bản thân.
Theo thầy Hạ, học là việc suốt đời, không phải học đại học là xong, mà sau đó trong quá trình đi làm, phát triển sự nghiệp, các bạn cũng phải tiếp tục học hỏi nâng cao. Do đó, thí sinh xuất phát từ bậc học nào - trung cấp, cao đẳng hay đại học - sẽ không quan trọng bằng việc các em liên tục duy trì được sự học của mình.
Khép lại giai đoạn 1 tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo):
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ diễn ra vào những thời điểm quan trọng nhằm giúp thí sinh tìm hiểu kỹ lưỡng về kỳ thi tốt nghiệp THPT, cập nhật những thông tin tuyển sinh mới nhất từ các trường đại học, đồng thời giải đáp mọi thắc mắc về định hướng chọn ngành chọn nghề trong tương lai.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao nỗ lực mà báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp để hỗ trợ các em học sinh trước ngưỡng cửa vào đời. Mong rằng các năm tới chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa sâu hơn, rộng hơn đến các em học sinh vùng sâu, vùng xa để các em được định hướng từ sớm, không vì chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ mà chọn sai ngành, sai trường, hay đã trúng tuyển và đi học nhưng lại bỏ giữa chừng để xét tuyển lại.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):
20 chương trình, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của giai đoạn 1 đã nhận được sự hưởng ứng của hơn trăm ngàn lượt thí sinh và phụ huynh trên khắp mọi miền đất nước. Chương trình đã cung cấp những thông tin cập nhật nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024, đồng thời giải đáp những câu hỏi "nóng" về chọn ngành, chọn nghề, chọn trường cho học sinh. Đặc biệt, các chương trình ở các huyện vùng sâu, vùng xa luôn tạo được điểm nhấn, đúng tinh thần phụng sự bạn đọc, hỗ trợ thí sinh tối đa của báo Tuổi Trẻ.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (nguyên quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thành viên ban tư vấn):
Các chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ năm 2024 tiếp cận với đông đảo học sinh hơn, đặc biệt học sinh ở những địa phương còn nhiều khó khăn. Điểm sáng năm nay là nhiều học sinh đã tìm hiểu trước về ngành học, trường học, và đặt những câu hỏi sâu sắc đến cho ban tư vấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận