Nhà tôi chỉ cách bãi Sau vài bước chân, sáng nào tôi cũng có thói quen dậy thật sớm để đi nhặt những túi nilông vương vãi trên bãi biển. Khi còn nhỏ, tôi thấy thỉnh thoảng người ta vẫn vớt lên từ biển những con rùa biển không hiểu đã chết vì nguyên nhân gì, chỉ biết khi mổ bụng chúng ra thì trong bao tử đầy ắp những miếng nilông dày màu trắng đục. Chắc là những chú rùa đã lầm tưởng những miếng nilông đó là món sứa biển, món ăn rất khoái khẩu của loài rùa.
May mắn hơn những chú rùa tội nghiệp kia lại là thằng cháu của tôi. Một hôm, tôi dẫn nó theo khi đi ăn đám cưới người bạn. Đám cưới nhập tiệc muộn nên cháu tôi đói nghiến. Nó liền thò tay móc những chiếc bánh phồng tôm mà người ta bọc kín bằng những miếng nilông trong suốt. Một lúc sau nó bắt đầu ói. Khi đưa cháu vào phòng vệ sinh tôi phát hiện trong dịch ói có cả những miếng nilông trong suốt! Có lẽ vì đói quá nên khi ăn bánh, thằng bé vô tình nuốt luôn những miếng nilông trong suốt dính vào bánh phồng tôm.
Cách đây mấy năm, cả xóm tôi đang ngủ thì nửa đêm chợt tỉnh giấc vì bị nước mưa tràn vào nhà. Ai cũng giật mình vì xưa đến giờ xóm tôi chưa bao giờ bị ngập. Đến sáng mới biết nguyên nhân là do những chiếc túi nilông trôi từ một bãi rác tự phát đầu xóm làm bít hết cửa thoát của những chiếc cống...
Có vô số chuyện liên quan đến tác hại của túi nilông như thế mà ai cũng biết, nhưng ít ai ra tay hành động.
Vốn dị ứng với túi nilông từ nhỏ nên khi đi chợ hay đi mua sắm thứ gì đó tôi đều mang sẵn một chiếc túi lưới hay một chiếc giỏ nhựa. Nếu là thịt cá hay thứ gì đó ướt thì tôi đã có những chiếc hộp nhựa. Ở quê trước kia tôi thấy bà con mình hay dùng những chiếc giỏ đan bằng cói để đi chợ hay đựng đồ, cá mắm thịt thà thì được gói bằng lá chuối hoặc lá sen. Tiếc thay giờ đây nhiều làng quê cũng bị nilông hóa mất rồi. Người ta dễ dàng nhìn thấy từng đống rác chứa đầy bao nilông trong khắp hang cùng ngõ hẹp ở những vùng nông thôn.
Nhưng có một điều làm tôi băn khoăn mãi là làm sao vận động được các nhà sản xuất cùng tham gia bảo vệ môi trường. Ví dụ chỉ tính riêng mặt hàng mì gói, ở VN hàng năm tiêu thụ cả tỉ gói mì thì thử tưởng tượng một lượng rác thải nilông lớn đến cỡ nào. Khi tôi đem chuyện này hỏi một người bạn vốn làm trong ngành sản xuất mì gói rằng tại sao không nghiên cứu chế tạo những mẫu bao bì tự hủy để bảo vệ môi trường, anh bảo làm như vậy giá thành sẽ tăng cao. Có lẽ đó chỉ là một cách nói cho xong chuyện, nếu người ta chịu khó in trên mỗi gói mì bảo vệ môi trường đó một dòng chữ như sau: “Các bạn đang cầm trên tay một sản phẩm bảo vệ môi trường, đầu tư 1 đồng cho môi trường sạch và xanh vào lúc này, con cháu bạn sẽ lãi cả ngàn đồng trong tương lai”, chắc chắn sẽ có rất nhiều người tiêu dùng, trong đó có tôi, ủng hộ cả hai tay.
Ban tổ chức cuộc thi “Sống xanh” đã nhận được bài tham dự của các bạn Ngô Minh Anh, Võ Thành Công, Nguyễn Quế Diệu, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Minh Hải, Trịnh Ngọc Hải, Dương Văn Kiệt, Nguyễn Thị Khánh Ly, Lê Thị Nhung, Bùi Thị Phương Quyên, Trần Văn Tám, Lê Mạnh Tùng, Vũ Đức Vinh, Lê Thị Ngọc Vy (TP.HCM), Nguyễn Tiến Dũng (Hà Nội), Huỳnh Diệu Phụng, Lê Công Sĩ, Thanh Vân (Trà Vinh), Đông Nguyễn (Vũng Tàu), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)... Cảm ơn các bạn và mong nhận thêm nhiều tác phẩm dự thi qua địa chỉ thisongxanh@gmail.com (thi viết) và http://tuoitre.vn/song-xanh (thi ảnh).Ban tổ chức |
Phóng to
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận