20/07/2022 13:41 GMT+7

‘Băm nát’ quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu: không chỉ 'rút kinh nghiệm' là xong

B.NGỌC - Q.THẾ
B.NGỌC - Q.THẾ

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc cho rằng việc “băm nát” quy hoạch không thể chỉ rút kinh nghiệm là xong, cần phải làm rõ ai được hưởng lợi từ việc điều chỉnh quy hoạch, nâng tầng các dự án.

‘Băm nát’ quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu: không chỉ rút kinh nghiệm là xong - Ảnh 1.

Chuyên gia khuyến nghị nên yêu cầu chủ đầu tư đã nâng tầng trên tuyến nộp lại lợi nhuận cho Nhà nước - Ảnh: Đ.T.

Đồng thời, cần tính tới giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng quá tải giao thông trên tuyến theo hướng đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường ngang, dọc trong khu vực để tăng kết nối, giảm áp lực giao thông trên tuyến.

* Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - chuyên gia kiến trúc đô thị (Hội Kiến trúc sư Việt Nam):

Đừng để việc điều chỉnh quy hoạch là cái cớ cho lợi ích nhóm

Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội đã có ý kiến phản hồi, giải trình một số vấn đề. Có thể thấy rõ Thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra khi hậu quả đã có. Tức là những tòa nhà cao tầng đó đã được xây dựng và để lại những hệ lụy mà người dân sinh sống dọc tuyến phải hứng chịu như tắc nghẽn giao thông, úng ngập.

Đây là bài học đau xót, chứ không phải để rút kinh nghiệm bởi cái giá phải trả rất lớn, nhân dân là người phải gánh chịu trong khi lợi ích lại thuộc về nhà đầu tư khiến chúng ta cần phải suy nghĩ. Cũng chính vì thế mà Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố đã yêu cầu không xem xét việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh. Tôi cho rằng đây là chỉ đạo cần thiết nhưng có phần hơi muộn, giá như trước đây có nhiều chỉ đạo thì Hà Nội không bị "băm nát" như thế này.

Từ năm 2010 đến nay, các công trình cao tầng trên trục Lê Văn Lương - Tố Hữu được xây dựng "không ngừng nghỉ", hàng chục tòa nhà cao tầng đã mọc lên, đi cùng với nó là rất nhiều lần điều chỉnh quy hoạch phân khu, chi tiết của cơ quan chức năng.

Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội rút kinh nghiệm nhưng liệu các chủ đầu tư có rút kinh nghiệm không? Thực tế các chủ đầu tư dự án đã thu lợi rất lớn từ bất động sản, còn hậu quả thì cả xã hội phải gánh chịu. 

Đây là vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng những chủ đầu tư nào đã xé rào từ vài tầng lên hàng chục tầng. Nên chăng chủ đầu tư cần trả lại Nhà nước số tiền thu lời bất chính khi tăng mật độ xây dựng, bớt đi diện tích cây xanh, tùy tiện điều chỉnh không phù hợp với quy hoạch chung.

Về lâu dài các cơ quan quản lý cần bám sát thực tiễn, khoa học quản lý đô thị để ban hành những quy định rõ ràng, tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch trở thành cái cớ cho lợi ích nhóm. 

"Băm nát" quy hoạch đường Lê Văn Lương là bài học đau xót để các cơ quan chức năng nghiêm túc hơn khi làm quy hoạch xây dựng trên các trục đường khác như tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 trong thời gian tới.

* KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

Đẩy nhanh việc xây dựng những tuyến đường ngang để tăng kết nối giao thông

Cần tính tới bài toán liên kết giao thông, trong quy hoạch thì trục Lê Văn Lương - Tố Hữu liên kết với nhiều tuyến đường ngang và tuyến đường kết nối, tại sao chúng ta không đẩy nhanh việc làm các tuyến đường này để hình thành nên hệ thống giao thông khung? 

Trục Lê Văn Lương - Tố Hữu trong quy hoạch được xác định là trục trung tâm, kết nối với nhiều tuyến đường dọc, ngang. Việc chưa xây dựng đủ các tuyến đường kết nối dọc, ngang cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

* PGS.TS Lê Quân, hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội:

Xây dựng giải pháp giao thông tổng thể cho cả khu vực

Muốn khắc phục những bất cập trong quy hoạch trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, trước hết cần xử lý sai phạm cục bộ từng dự án trước, sau đó mới tính tới việc giải quyết bài toán quy hoạch tổng thể cho cả tuyến. 

Để giải quyết tình trạng quá tải giao thông của trục Lê Văn Lương - Tố Hữu phải tính tới bài toán quy hoạch giao thông tổng thể cả khu vực quanh trục đường này. Giờ chỉ chăm chăm vào trục Lê Văn Lương - Tố Hữu sẽ không thể giải quyết được bài toán quá tải giao thông.

Giải bài toán quy hoạch trục Lê Văn Lương - Tố Hữu lúc này liên đới tới cả một hệ thống quy hoạch khu vực, nên cần có một hội đồng tư vấn kiến trúc xây dựng để giúp TP Hà Nội gỡ vướng. Giải pháp với trục Lê Văn Lương - Tố Hữu hiện nay sẽ là giải pháp tổng hợp để giảm áp lực giao thông trên tuyến. 

Cụ thể, cần đánh giá hiện trạng hệ thống tuyến giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực đã hoàn chỉnh chưa. Trên cơ sở này mới có thể đề xuất bổ sung thêm các tuyến đường kết nối mới hoặc phương án tăng tốc độ, phương tiện giao thông trên tuyến ra sao.

Hà Nội Hà Nội 'phản pháo', chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định 'khách quan, đúng luật'

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, khẳng định nội dung kết luận thanh tra quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính khách quan, đúng pháp luật.


B.NGỌC - Q.THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên