Năm 2024 đánh đấu chặng đường 10 năm Lễ hội áo dài TP.HCM. Người dân hưởng ứng các hoạt động của lễ hội ngày càng đông như minh chứng sức lan tỏa và tình yêu của người dân dành cho áo dài.
Lễ hội áo dài TP.HCM năm 2024 có chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam, diễn ra từ ngày 7 đến 17-3. Đồng hành cùng lễ hội năm nay có hơn 50 nhà thiết kế áo dài cùng các đại sứ lễ hội.
Bảo tồn, gìn giữ nét đẹp áo dài
Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết thành công của Lễ hội áo dài TP.HCM 10 năm qua là kết quả của sự kiên trì, bền bỉ, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo của các ban ngành, đơn vị, cá nhân.
Ông đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Ngoại vụ, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM và ban tổ chức Lễ hội áo dài TP.HCM tiếp tục phát huy, có nhiều ý tưởng sáng tạo, hấp dẫn hơn nữa trong chặng đường dài tiếp theo.
Nhìn lại 10 năm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cảm thấy xúc động vì đón nhận được tình yêu thương của các cấp, các giới, trong đó có nhà thiết kế, đại sứ hình ảnh, đặc biệt là các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam...
"Lễ hội áo dài TP.HCM góp phần trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa. Đây là động lực, cũng là chủ đề chúng tôi mong muốn thực hiện những mùa sau. Hơn hết, áo dài đã đi vào đời sống một cách tự nhiên nhất, ngày càng gần gũi, thân thuộc" - bà Ánh Hoa nói với Tuổi Trẻ.
Năm sau, Lễ hội áo dài TP.HCM sẽ tri ân những đóng góp của cộng đồng dành cho sự phát triển của thành phố, sẽ có những màn trình diễn áo dài dành cho các chị công nhân, lao công, những người bán hàng, tiểu thương ở các chợ... Bởi lẽ, tất cả những đóng góp thầm lặng đều xứng đáng được tôn vinh.
"Từ năm thứ 11, chúng tôi sẽ phối hợp để làm sao áo dài lan tỏa nhiều hơn ở nước ngoài. Không chỉ đến TP.HCM mùa lễ hội hay dịp Tết mới thấy áo dài, mà áo dài hiện diện mọi lúc mọi nơi. Thấy áo dài là biết Việt Nam.
Đó là chặng đường đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo. Tuy nhiên chúng tôi có niềm tin sẽ thực hiện được bởi sự đồng lòng, chung sức" - bà Ánh Hoa chia sẻ.
Mong mỏi sớm là di sản
Những hoạt động, chương trình liên quan tới áo dài được xem là minh chứng sinh động, thiết thực để lập hồ sơ đề xuất áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến là của nhân loại.
Lễ hội áo dài TP.HCM ra đời, duy trì, kéo dài đến nay 10 năm, chắc chắn sẽ tồn tại và trở thành hoạt động truyền thống của TP.HCM, là niềm tự hào của TP mang tên Bác.
Bà Lê Tú Cẩm - chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM - đánh giá Lễ hội áo dài TP.HCM bước sang năm thứ 10 hoạt động phong phú hơn, đặc biệt có chiều sâu.
Chiều sâu ở đây là các nhà thiết kế giới thiệu nhiều bộ sưu tập áo dài truyền thống.
"Áo dài không phải một loại trang phục khó mặc, vướng víu hay khiến người mặc không năng động.
Nhưng sẽ cần có những tiêu chí cụ thể mô tả chiếc áo dài như: tà như thế nào mới là áo dài, áo dài phải mặc cùng quần hai ống, áo dài phải có tay, còn phần cổ tùy ý thích (cao, thấp, thậm chí rộng cho thoải mái, phù hợp với khí hậu Việt Nam).
Tôi mong Nhà nước sớm công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, tiến tới công nhận của nhân loại" - bà Lê Tú Cẩm nói với Tuổi Trẻ.
Còn theo bà Ánh Hoa, để trở thành di sản văn hóa phi vật thể thì áo dài phải trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân.
"Ban tổ chức Lễ hội áo dài TP.HCM mong muốn lan tỏa tinh thần, nét đẹp đó" - bà Hoa nhấn mạnh.
MC Quỳnh Hoa có sáu năm đồng hành cùng Lễ hội áo dài TP.HCM với vai trò đại sứ. Quỳnh Hoa bảo đây là niềm vinh dự rất lớn của cô.
MC Quỳnh Hoa cho biết cô từng đến 45 nước và luôn mang theo áo dài.
"Năm 1994, lần đầu tiên Hoa mang áo dài ra nước ngoài khi còn là sinh viên năm cuối Trường Ngoại thương TP.HCM, tham dự Festival thanh niên thế giới. Nhiều người thấy Hoa mặc áo dài, biết Hoa đến từ Việt Nam, bạn bè, du khách đều muốn chụp hình. Hoa cảm thấy rất tự hào" - Quỳnh Hoa kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận