Phóng to |
Các nghệ sĩ điện ảnh VN trong rạp hát Lumière, khán phòng chính của LHP Cannes - Ảnh: H.A. |
Tôi hẹn gặp diễn viên Hồng Ánh và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tại khách sạn sang trọng Martinez - nơi nghỉ của đoàn Việt Nam - để tìm hiểu về cảm nhận của họ sau một buổi tối bước trên thảm đỏ và xem bộ phim The beaver (Con hải ly) của Jodie Foster.
1. Hồng Ánh từng có thâm niên đi LHP, nhưng phần lớn ở châu Á và một vài LHP ở châu Âu. Đây là lần đầu tiên nữ diễn viên từng ba lần được trao giải Bông sen vàng về diễn xuất tham dự một LHP đẳng cấp quốc tế như Cannes với vai trò diễn viên của Việt Nam. Trước đó năm 2008, Hồng Ánh từng tới Cannes với một vai trò khác, đó là giới thiệu trước nhà đầu tư dự án phim Đảo của dân ngụ cư theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Có thể so sánh từ kinh nghiệm hai lần đến Cannes, Hồng Ánh có ấn tượng gì đặc biệt? “Cảm nhận đầu tiên về Cannes chính là sự chuyên nghiệp. Có cả một đội ngũ lo về đi lại, chuẩn bị cho sự xuất hiện tốt nhất của chúng tôi. Qua đó tôi cảm thấy những người tổ chức chuyến đi dành một sự trân trọng đặc biệt cho những người làm nghề”.
Cô còn tự hào vì “tên Việt Nam được xướng trên thảm đỏ và cả một đội ngũ các phóng viên ảnh chụp hình cho mình. Đây là lần thứ hai đoàn Việt Nam xuất hiện đàng hoàng, trang trọng dù năm nay không có phim tham dự như Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di năm ngoái”.
2. Tôi từng rất tình cờ trở thành phiên dịch “bất đắc dĩ” phần trao đổi với khán giả của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân khi anh đến LHP Hamburg (Đức) cùng với bộ phim Trái tim bé bỏng vào năm 2008. Không rành tiếng Anh, nhưng anh rất chăm đi xem phim của đồng nghiệp và luôn được vợ - đạo diễn Phạm Nhuệ Giang - thì thầm dịch những lời thoại quan trọng trên phim.
Lần gặp lại này ở Cannes, tôi thấy anh vẫn đầy hứng khởi khi trò chuyện về nghề. “Đến đây, tôi được cộng hưởng tâm lý mình được có mặt tại LHP vào hàng lớn nhất thế giới, nhất là Cannes tôn vinh các phim có tính thể nghiệm và tính độc lập. Trong bối cảnh tại Việt Nam đang còn lưỡng lự và lưỡng phân rất nhiều giữa chuyện nghệ thuật và thương mại thì Cannes như một câu trả lời rằng dòng phim nghệ thuật có chỗ đứng rất quan trọng trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Và bộ phim Con hải ly mà chúng tôi được xem tại Cannes chứng minh điều đó: điện ảnh rất cần sự tìm tòi có tính riêng biệt và không cần quá tốn kém. Cá nhân tôi vì thế rất vui mừng được có mặt tại đây” - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân hào hứng cho biết.
Tôi cũng có mối phân vân giống anh, vì chuyện ăn mặc lộng lẫy bước trên thảm đỏ để vào xem một bộ phim kinh phí trung bình của ngôi sao Hollywood có lẽ chưa thể đại diện cho cái gọi là tham dự LHP Cannes. Nhưng từ kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi biết rằng các ngôi sao thế giới coi trọng sự xuất hiện cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa như vậy và nó là một phần không thể thiếu của guồng máy một LHP đẳng cấp quốc tế. Đến Cannes để ngắm và được ngắm, đó là tiêu chí quan trọng của một bộ phận làm nên phần hào nhoáng của LHP này.
3. Tôi mang thắc mắc của mình về vai trò của chặng dừng chân tại Cannes trong toàn bộ chuyến đi châu Âu của đoàn nghệ sĩ Việt Nam nhờ diễn viên Hồng Ánh giải đáp. Cô thẳng thắn cho biết: “Chuỗi đi này có rất nhiều hoạt động nhưng sự kiện xuất hiện tại Cannes là chính và quan trọng nhất. Tất cả sự chuẩn bị cho chuyến đi của đoàn cũng đều xoay quanh sự xuất hiện tại Cannes.
Ngoài ra, đơn vị tổ chức cũng muốn cho đoàn điện ảnh Việt Nam có thể cảm nhận được các nền văn hóa ở các vùng đất khác ở châu Âu như tại Anh, Scotland, Đức. Đây là một điều rất tốt cho những người làm nghề, đặc biệt là với nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam có cơ hội có được những trải nghiệm thú vị”.
Dù trải nghiệm ngắn ngủi, nhưng Hồng Ánh cho biết: “Qua mỗi chuyến đi như lần này, cả anh Vân và tôi đều như được tiếp thêm lửa, đặt một mục tiêu để mình mơ ước, có thể là quá cao, quá xa nhưng giúp mình có thêm động lực và sức mạnh để làm nghề với các dự án tiếp theo”.
Còn đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì tươi cười “bật mí”: “Hơn mười năm rồi, tôi và Hồng Ánh có tình cảm như hai anh em, rất thân thiết qua nhiều lúc đồng cam cộng khổ. Khoảnh khắc mà Ánh khoác tay tôi đi trên thảm đỏ vì thế như là một sự đền bù và chắc chắn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong suốt quá trình đó”.
Họ, sau những thành công chung của Đời cát, Người đàn bà mộng du và Trái tim bé bỏng, hiện đang hợp sức cùng nhau để làm một phim nhựa do Hãng phim Blue và Hãng phim Hội Điện Ảnh đồng sản xuất. Cả hai cùng hi vọng dự án này sẽ thành hiện thực và đi theo con đường mà Cannes mong muốn có nó để một ngày nào đó được xuất hiện đàng hoàng trên thảm đỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận