18/02/2014 08:40 GMT+7

Sức sống đờn ca tài tử

Ths.NS NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
Ths.NS NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG

TT - Sau chương trình lễ vinh danh đờn ca tài tử (Tuổi Trẻ ngày 12-2), một người bạn nước ngoài đã đến gặp gỡ chúng tôi và chia sẻ sự vui mừng khi đờn ca tài tử được vinh danh.

Trang sử mới của đờn ca tài tửBa điều ước cho đờn ca tài tửLễ tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ

fYrrqapg.jpgPhóng to
Một cuộc họp mặt của CLB đờn ca tài tử huyện Đức Hòa, Long An trong không gian ruộng đồng - Ảnh: Hải Phượng

Anh nói rằng khi tham dự chương trình, anh đã được sống trong không khí lễ hội náo nức và vui vẻ. Sân khấu hoành tráng tái hiện môi trường sống của cư dân Nam bộ cùng những tiếng đàn, lời ca hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh ngọt ngào, quyến rũ.

Tuy nhiên, anh cũng có một vài băn khoăn, thắc mắc nhỏ muốn được nghe giải đáp. Anh nói rằng: “Tôi đã từng được nghe tài tử cải lương ở nhiều nơi chốn khác nhau, nhiều dịp khác nhau. Khi đến với lễ vinh danh hôm nay, tôi nghĩ rằng mình sẽ được nghe những bài bản mà không tìm thấy ở ngoài. Những làn điệu thật xưa với những lời hát thật cổ giống như những bộ môn khác. Thú thật là với những bài bản ấy, tôi thật sự kính trọng dù không hiểu ý nghĩa của chúng”.

Nói xong anh gãi đầu với bộ điệu như cậu học trò làm tất cả chúng tôi cười vang. Tôi nói với anh rằng anh có biết bao nhiêu người chơi tài tử hiện nay không? Anh nói: “Nhiều lắm. Mỗi lần liên hoan tôi thấy bao nhiêu là khuôn mặt khác nhau. Đi đến đâu cũng gặp người biết ca”.

Tôi hỏi anh có biết tại sao nhiều người chơi vậy không?

Anh nói chắc tại người ta thích.

Tôi lại hỏi: thế thì anh có biết tại sao người ta thích không?

Anh nói: chắc là dễ học. Vừa trả lời xong thì anh cười ngất: “Tôi học muốn gãy lưỡi mà chưa hát được. Thiệt là đâu có dễ”.

Tôi lại hỏi: anh thấy người ta đờn ca trong những dịp nào?

Anh hồ hởi khoe rằng ở đâu người ta cũng ca được. Đám cưới, đám giỗ, thôi nôi đầy tháng, thậm chí đám ma cũng có đờn ca.

Tôi mới nói với anh rằng một trong những lý do để đờn ca tài tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay chính là nhờ tính linh động của nó. Trong một buổi chơi đờn ca tài tử, người chơi có thể chọn các bài trong hệ thống 20 bản tổ để hòa tấu, để ca. 20 bài bản tổ gồm có: ba Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo); sáu Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản); tứ Oán (Tứ đại oán, Phụng hoàng cầu, Giang nam, Phụng cầu hoàng) và bảy bài Lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc).

Khi tấu nhạc, người đờn sẽ dựa vào những bài bản với lòng bản đã được quy định nhưng phải biết thêm thắt, biến hóa cho chữ đờn của mình thêm mượt mà, bay bướm. Nhờ vậy mà người chơi và người thưởng thức luôn thú vị trong sự sáng tạo không ngừng.

Về lời ca thì chưa có quy định nào bắt buộc là bản đờn này chỉ có duy nhất một lời ca. Trên một bản nhạc có sẵn, người ta có thể sáng tác lời ca với những nội dung phù hợp hoàn cảnh, thị hiếu, phù hợp mục đích mà người ta muốn nói. Do vậy, có thể nói bất cứ ai cũng thấy mình trong những lời ca mà mình cất lên.

Người đang vui có bài ca về niềm hân hoan sung sướng, người đau buồn chọn câu hát sầu thương; người tỏ rõ chí khí qua những lời ca mạnh mẽ anh hùng, kẻ thất tình chìm đắm trong lời ca ảo não. Muốn đả phá những thói hư tật xấu thì có các lời ca hài hước, muốn tỏ tình thì chọn lời hát giao duyên...

Nghe xong, anh bạn gật gật đầu tỏ vẻ hiểu rồi và vẫy tay chào tạm biệt, không quên hứa hẹn sẽ đi xem những chương trình biểu diễn đờn ca tài tử khác.

Như đã quen từ lâu...

Đêm 14-2, khán giả mộ điệu đã được sống trong bầu không khí của đờn ca tài tử trong đêm tài tử với chủ đề Tình yêu thời chiến qua bài bản đờn ca tài tử. Chương trình do Hội Di sản TP.HCM tổ chức tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Sân khấu chỉ là đôi bục gỗ đủ cho người đờn ngồi thay cho chiếc sạp ván gõ ngày xưa, khán giả thì xếp bằng trên chiếu hoa, vừa nhâm nhi tách trà vừa thưởng thức. Âm thanh vừa đủ nghe cùng lời dẫn chuyện súc tích của TS Mai Mỹ Duyên đã mang đến sự thích thú cho những ai tham dự. Đây là chương trình mở màn cho các hoạt động giao lưu và giới thiệu đờn ca tài tử. Trong chương trình đầu tiên này, khán giả được giao lưu với CLB đờn ca tài tử của Hội Di sản TP.HCM và CLB đờn ca tài tử của xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Phải nhìn nhận rằng cuộc chơi tài tử không chỉ riêng ai. Có thể ca hay, ca chưa hay nhưng ai cũng có một niềm say mê và truyền được ngọn lửa nhiệt tình ấy đến cho mọi người cùng chí hướng. Tài tử Chín Trong (cựu bí thư xã Bình Ân) da diết với bài ca Vọng cổ, Kim Phụng ngọt ngào với bản Liên Nam... Các tài tử đờn tuy chưa từng tập dượt cùng nhau nhưng khi vào nhịp thì có cảm giác ăn ý như đã quen từ lâu. Bên cạnh các bài ca của các tài tử hai câu lạc bộ trình bày, chúng tôi bất ngờ khi khán giả sẵn sàng xung phong lên ca. Không còn khoảng cách giữa khán giả và người chơi. Tất cả cùng sống trong một không gian đầm ấm của những người yêu mến đờn ca tài tử.

Môi trường sống của các loại hình nghệ thuật dân gian nói chung (ca trù, quan họ, cồng chiêng, đờn ca tài tử...) chính là môi trường trong dân gian, nơi chúng đã được hình thành và phát triển. Tạm quên đi những cuộc trình diễn trên sân khấu hoành tráng với số lượng khán giả đông đúc, đờn ca tài tử lại trở về với môi trường sống quen thuộc của mình. Nơi đó, người chơi và người nghe cùng được đắm chìm trong những cảm xúc ngọt ngào, được cất lên lời ca yêu thương và cùng hòa chung niềm đồng cảm với những ai yêu mến đờn ca tài tử.

Đờn ca tài tử khác cải lương thế nào?

Xung quanh thắc mắc của người mộ điệu về sự khác nhau của đờn ca tài tử và cải lương, GS.TS Trần Văn Khê đã giải thích một cách ngắn gọn rằng: “Đờn ca tài tử là loại hình âm nhạc thính phòng, còn cải lương là loại hình sân khấu. Với đờn ca tài tử người ta đến để nghe, còn cải lương khán giả vừa xem vừa nghe. Đờn ca tài tử chú trọng đến bài bản, tiếng đờn, lời ca; cải lương quan tâm đến diễn tiến câu chuyện, diễn xuất của nhân vật. Tuy cùng sử dụng hệ thống bài bản cổ truyền với nền móng là 20 bài bản tổ nhưng trong một buổi đờn ca thì đờn ca tài tử thường chơi từng bài từ đầu đến cuối, cải lương chỉ sử dụng từng lớp ngắn gọn để phù hợp hoàn cảnh, tâm lý của nhân vật. Do vậy, đờn ca tài tử thường chơi ở tốc độ chậm, còn cải lương thường sử dụng tốc độ nhanh hơn...”.

Đi sâu phân tích và hiểu rõ hơn về hai loại hình này chúng ta sẽ có nhiều phát hiện rất thú vị cho thấy sự sáng tạo mạnh mẽ của cha ông ta ngày xưa, để ngày nay chúng ta có một kho tàng văn hóa vô giá...

Ths.NS NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên