12/02/2014 07:50 GMT+7

Trang sử mới của đờn ca tài tử

H.OANH - Q.NGUYỄN
H.OANH - Q.NGUYỄN

TT - Tối qua (11-2), lễ đón bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã diễn ra trọng thể tại hội trường Thống Nhất TP.HCM.

Lễ tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ

ti3qXLHJ.jpg
Tái hiện sông nước miệt vườn Nam bộ tại sân khấu ở dinh Thống Nhất trong buổi lễ tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử. Trong ảnh: tiết mục bài vọng cổ 16 nhịp Chuyện người xưa tại buổi lễ - Ảnh: T.T.D.

Dù 20g chương trình mới chính thức khai mạc nhưng từ 16g đông đảo các nghệ sĩ, nghệ nhân đã tề tựu đông đủ tại khu vực phía sau sân khấu trong không khí đầy háo hức. Đối với họ, được góp mặt biểu diễn trong buổi lễ trang trọng này là một vinh dự lớn lao của cả cuộc đời lao động nghệ thuật.

Nét đẹp miền sông nước miệt vườn

Khuôn viên rộng lớn của hội trường Thống Nhất náo nhiệt và khác lạ khi được dựng thành một sân khấu khổng lồ, mang đậm nét văn hóa Nam bộ với dòng sông trải dài hơn 40m.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, tổng đạo diễn chương trình, cho biết: “Sân khấu lễ được dựng trong bốn ngày với những đạo cụ thật hoàn toàn nhằm tái hiện không gian sinh hoạt đúng của đờn ca tài tử”. Sân khấu gây ấn tượng mạnh với con sông dài, quang cảnh cũng như những sinh hoạt thường ngày của miền đất Nam bộ đã được tái hiện với những mái nhà tranh, lu hứng nước mưa, ghe bầu, xuồng ba lá, với cảnh tát nước, bắt cá, chèo ghe, với lục bình trôi, sen, súng, hoa cỏ dại, trái cây miệt vườn: mít, xoài, chôm chôm, dừa, nhãn...

Tất cả hòa quyện vào tiếng đờn, lời ca, điệu diễn đặc sắc của 13 tiết mục trình diễn: Lưu thủy trường, Dạ cổ hoài lang, Nhớ ơn tổ nghiệp, Mẹ và quê hương, Tô Huệ chức cẩm hồi văn, Sắc xuân... của những nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca đến từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long...

Hạnh phúc một đời nghệ sĩ, nghệ nhân

Nghệ nhân Phan Văn Lựa năm nay đã 85 tuổi. Ông bắt đầu học chơi kèn và đờn cò từ năm 10 tuổi và từ đó bắt đầu cuộc sống rày đây mai đó khi theo chân các ban nhạc lễ đi biểu diễn ở các đình chùa, miếu, xóm trên miệt dưới... Đối với ông, trong hơn 70 năm đi theo đờn ca tài tử có lẽ đây là buổi biểu diễn đặc biệt nhất trong đời. Ông đến sớm và mặc áo dài khăn đóng, đợi hơn bốn giờ trong cánh gà, mắt lim dim, miệng nhẩm lại những giai điệu ngũ cung quen thuộc.

Được đào tạo bài bản về đờn ca tài tử tại Trường Sân khấu 2, sau đó là Nhạc viện TP.HCM và hiện nay đang tham gia giảng dạy tại Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, nghệ nhân Phan Nhứt Dũng cho rằng sự công nhận của thế giới với âm nhạc dân tộc VN đã chứng tỏ rằng những di sản văn hóa mà cha ông để lại là thật sự vô giá và không thể phủ nhận. Bổn phận của những thế hệ sau là phải làm sao để những vốn quý đó không bị mai một, lai căng và biến mất.

Cùng tâm sự đó, nghệ sĩ Phương Trinh của CLB đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương cho biết mình theo nghề là vì đam mê đã ngấm vào máu từ nhỏ, chứ đời sống nghệ sĩ nhạc cổ truyền nhìn chung rất khó khăn. Chị mong mỏi qua sự kiện trọng đại này, đờn ca tài tử chính thức có được một tiếng nói mạnh mẽ và lan tỏa thì những nghệ sĩ, nghệ nhân một đời theo nghề cũng sẽ được tôn vinh xứng đáng. Chị cũng bồi hồi nói nếu như ba chị - NSƯT Tư Còn, đệ nhất đờn kìm Bình Dương - còn sống đến hôm nay thì chắc ông sẽ vui đến nhường nào.

Dù đã ca bài Bánh bông lan - một bài ca cổ đậm chất Nam bộ nổi tiếng và rất được khán giả mộ điệu yêu thích - không biết bao nhiêu lần nhưng NSƯT Minh Vương vẫn tỏ ra khá hồi hộp ở lần biểu diễn đặc biệt này cùng NSƯT Phượng Hằng. Ông nói: “Tôi bắt đầu đi hát từ năm 1964, đến nay là đúng nửa thế kỷ theo nghiệp tổ rồi, không ngờ lại có được niềm vinh dự này. Thật quá sức mãn nguyện!”.

Nhạc sư Vĩnh Bảo dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn đến tham dự chương trình từ sớm. Ông thẳng thắn bày tỏ mong muốn: “Tôi ước gì sau sự kiện này đờn ca tài tử sẽ được đưa vào trường học để tụi nhỏ biết nó là gì. Từ biết rồi mới hiểu, từ hiểu rồi mới yêu”.

Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng may mắn có mặt trong đoàn đại biểu VN tham dự phiên họp của UNESCO ở thủ đô Baku của nước Cộng hòa Azerbaijan. Chị kể khi nghe tiếng búa gõ xuống quyết định công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, tất cả đại biểu trong đoàn VN đã vui mừng không kìm được nước mắt, tay ai cũng run run giương cao lá cờ Tổ quốc mà khó khăn lắm mới tìm được trên nước bạn. Kể từ giây phút bước ngoặt đó, ai cũng tự hào tin rằng đờn ca tài tử đã chính thức bước lên một tầm cao mới, trở thành một di sản vô giá không chỉ của VN mà còn là của nhân loại. Và những điều vô giá thì phải được đối xử trân trọng và đúng tầm - đó là điều mà tất cả những nghệ nhân, nghệ sĩ, người yêu quý đờn ca tài tử đang kỳ vọng.

Công bố chương trình hành động quốc gia vì đờn ca tài tử

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đông đảo các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và TP.HCM, đại diện các cơ quan ban ngành, các nhà khoa học, mẹ Việt Nam anh hùng, các nghệ nhân tài tử đờn ca, nghệ sĩ lão thành, người dân TP... đã đến dự lễ. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện sự vui mừng, vinh dự cũng như xúc động khi loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng miệt vườn sông nước Nam bộ được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu Bộ VH-TT&DL, các cơ quan liên quan, các đảng bộ, chính quyền cùng các nghệ sĩ - nghệ nhân và đồng bào ta, nhất là các địa phương quê hương của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị đối với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; để nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học - luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại”.

Bà Katherine Muller-Marin, trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam, đã công bố quyết định và trao bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh. Bà Katherine cho biết chính những nét hay - đẹp, thể hiện lòng dũng cảm, bản tính hiền hòa nhưng cũng rất cương trực cùng khí phách của người dân Nam bộ thông qua nghệ thuật đờn ca tài tử cùng tình yêu và lòng quyết tâm bảo vệ nghệ thuật truyền thống của người dân VN đã thuyết phục Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ văn hóa phi vật thể lần thứ 8 công nhận hôm 5-12-2013.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã đại diện cộng đồng 21 tỉnh thành có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ lên nhận bằng và trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL cho các cơ quan, cá nhân có những đóng góp tích cực để giữ gìn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử. Dịp này, bộ trưởng cũng đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

Tối nay 12-2, chương trình biểu diễn đờn ca tài tử tiếp tục diễn ra tại hội trường Thống Nhất, mở cửa tự do cho công chúng.

Ba điều ước cho đờn ca tài tử

Ngày 5 tháng 12 năm 2013 tại TP Baku (Azerbaijan).

Cộp... cộp... cộp... Tiếng búa gõ xuống như những tiếng chuông vang lên trong lòng chúng tôi khi đờn ca tài tử được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Những lá cờ đồng loạt giơ lên, hạnh phúc vỡ òa trong những vòng tay siết chặt, những môi cười mà khóe mắt cay cay.

Nghệ nhân dân gian, NSƯT Ba Tu đã xúc động thốt lên: “Có lẽ đây là giây phút hạnh phúc nhất trong cả cuộc đời tui. Sống với đờn ca tài tử đến từng tuổi này, được nhìn thấy đờn ca tài tử được vinh danh là tui thấy mãn nguyện lắm rồi...”.

Gần như ngay lập tức, những người quan tâm đến đờn ca tài tử ở Việt Nam cũng nhận được tin vui.

Từ Việt Nam, GS.TS Trần Văn Khê gửi mail kể lại rằng ông đã thắp nén nhang trước bàn thờ, chắp tay cảm ơn tổ nghiệp đã cho thầy có được niềm tin vững vàng trên con đường truyền bá âm nhạc dân tộc để có được niềm vui sướng ngày hôm nay.

Trên các phương tiện truyền thông, tin tức về đờn ca tài tử được cập nhật liên tục, các phương tiện liên lạc ngập tràn lời chia sẻ hạnh phúc từ những người yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Điều đó cho chúng tôi niềm tin lạc quan về sức sống mạnh mẽ của đờn ca tài tử trong lòng mọi người dân Việt.

Không lạc quan sao được khi Trung tâm Văn hóa TP.HCM đã thống kê được riêng tại TP.HCM hiện nay có khoảng 150 câu lạc bộ đội nhóm tài tử với khoảng 2.000 hội viên thường xuyên tham dự. Đây chỉ là con số chính thức được đăng ký, chưa kể đến những người yêu mến và thường xuyên theo dõi, cập nhật cũng như tập luyện bộ môn này ở nhiều nhóm riêng. Điều đó cũng có ý nghĩa rằng niềm vui sướng và hãnh diện khi đờn ca tài tử được vinh danh sẽ có một tác động tích cực đến môi trường văn hóa dân tộc của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung.

Lễ đón nhận bằng của Unesco đã diễn ra tại hội trường Thống Nhất. Các tài tử ca và đàn từ nhiều tỉnh thành đã tề tựu về đây tập luyện từ nhiều ngày trước, ai cũng hân hoan, nao nức cho ngày lễ trọng đại này. Mọi người vừa chuẩn bị trang phục, nhạc cụ một cách cẩn thận, vừa nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến đi đã qua và những mong ước cho tương lai sắp đến.

Nhưng ước mong gì sau lễ vinh danh?

Đó là các “thầy”, các”nhạc sư” đáng kính trọng sẽ sống được một cách đủ đầy để có thể chuyên tâm làm nghề và có thể đem hết tâm huyết của mình truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.

Những người chơi nhạc tài tử “đúng phong cách tài tử” có được nơi chốn để có thể cùng nhau hòa đàn, những người yêu nhạc có thể đến nghe, đến ca và thưởng thức giọng ca của những tài tử khác.

Điều ước thứ ba là trong những tiết học âm nhạc ở nhà trường, học sinh sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về đờn ca tài tử đã được thế giới vinh danh và một số loại hình nghệ thuật dân tộc khác.

Có thể còn nhiều điều ước muốn riêng của từng người, nhưng có lẽ điều ước lớn nhất của những người “chơi nhạc” là ước ao “vẫn sẽ được chơi nhạc” đến cuối cuộc đời.

Ths-NS NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG

H.OANH - Q.NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên