25/05/2013 09:42 GMT+7

Không ngủ ở Cannes

khanhngoc-audio
khanhngoc-audio

TT - Nhìn dòng người nam thanh nữ tú nô nức bước qua thảm đỏ Cannes vào rạp lúc... 0g sáng để xem phim khiến bạn nhớ đến bộ phim Ðêm không ngủ ở Seattle hoặc câu ví von trứ danh từ Thierry Fremaux - giám đốc liên hoan phim (LHP): "Ở Cannes, mặt trời không bao giờ lặn".

9RNU6Itw.jpgPhóng to
Carey Mulligan và Justin Timberlake trong buổi chiếu phim Inside Llewyn Davis tại Cannes 2013 - Ảnh: Trung Nghĩa

"Chiếu phim gì, suất mấy giờ"

Thật chẳng biết cười hay mếu khi mùa LHP Cannes năm nay có sự "liên kết" oái oăm giữa màn ảnh và đời thực: nếu như bộ phim The bling ring của nữ đạo diễn Sophia Coppola được công chiếu có nội dung về một nhóm học sinh chuyên lẻn vào nhà các ngôi sao nổi tiếng để trộm quần áo, túi xách và giày dép hàng hiệu thì ngoài đời, những vụ trộm cắp kim cương, nữ trang, hành lý hàng triệu USD liên tiếp xảy ra ở Cannes khiến các khổ chủ vò tai bứt tóc.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Dẫu sao đó chỉ là chuyện bên lề, hơn 30.000 nhà làm phim - buôn bán phim, 4.800 nhà báo hay hàng trăm ngàn lượt khán giả có mặt trực tiếp ở Cannes những ngày qua vẫn quan tâm đến một điều duy nhất: các kiệt tác lần lượt được trình chiếu cho thấy những vấn đề đương đại nóng bỏng.

Qua những ngày làm việc không nghỉ ở Cannes, chúng tôi dường như không có khái niệm xác định thời gian "thứ mấy, ngày mấy" thông thường mà chuyển thành "chiếu phim gì, suất mấy giờ". Tình yêu điện ảnh có thể khiến người ta đón chào hai ngôi sao Hong Kong Lưu Ðức Hoa và Trịnh Tú Văn trên thảm đỏ lúc gần 1g sáng vào suất giới thiệu phim Thám tử mù (đạo diễn Ðỗ Kỳ Phong), để rồi đúng 7g30 lại xếp hàng dài hàng chục mét vào xem phim tranh giải Cành cọ vàng The past của đạo diễn Iran Asghar Farhadi gây xúc động mạnh về đề tài gia đình. Những suất chiếu phim thâu đêm suốt sáng như thế khiến Cannes thật sự là thành phố không ngủ.

Cười, khóc và xốn xang

Người xem đang cười, khóc và đôi khi rung cảm tận tâm can với những bộ phim tranh giải lẫn không tranh giải năm nay. Sau màn dạo đầu góp phần phản ánh một bộ phận "thế hệ trẻ thế kỷ 21" vô lo, ngờ nghệch (Young & beautiful, The bling ring...), các bộ phim tiếp theo tại Cannes khiến khán giả thảng thốt như câu chuyện về tình phụ tử của đạo diễn người Nhật Bản Hirokazu Koreeda (Like father, like son), tác phẩm ngợi ca tình yêu và những giấc mơ của Valeria Bruni Tedeschi - nữ đạo diễn duy nhất có phim tranh giải Cành cọ vàng ở Cannes năm nay (A castle in Italy)...

Không hẹn mà gặp, anh em nhà Ethan và Joel Coen với phim tranh giải Inside Llewyn Davis (Bên trong Llewyn Davis) và Steven Soderbergh với Behind the Candelabra (Ðằng sau Candelabra) đều tái hiện chuyện thân phận những nhân vật nghệ sĩ cách đây nhiều thập niên trước mà "nếu sống ở thời đại hôm nay họ sẽ được tự do hơn, tư tưởng của họ được chấp nhận hơn" - nhất là câu chuyện phim đồng tính cảm động của Soderbergh do Michael Douglas và Matt Damon thủ diễn.

Còn xem xong Inside Llewyn Davis, cây bút bình luận M. Dargis của tờ International Herald Tribune phải thốt lên: "Thật là khuây khỏa làm sao!". Hàng loạt nhà phê bình cười rung ghế khi xem phim đã nhanh chóng đánh giá phim này là ứng viên sáng giá của Cành cọ vàng.

Nhưng "đối thủ" của Inside Llewyn DavisThiên trụ định (A touch of sin) với bốn câu chuyện về bốn người ở những địa phương khác nhau của Trung Quốc hôm nay (đạo diễn Giả Chương Kha). Dường như đó cũng là những vấn đề xã hội nhức nhối mà nhiều quốc gia đang phát triển phải đối mặt: nạn tham nhũng, bạo lực suy đồi và khoảng cách giàu - nghèo ngày càng nới rộng.

Chia sẻ với các nhà báo tại Cannes, đạo diễn Giả Chương Kha nói rằng ông muốn phản ánh hiện thực vì suy cho cùng "mỗi chúng ta đều là nạn nhân".

Ðiều đáng nói là Cơ quan kiểm duyệt phim Bắc Kinh đã chấp nhận duyệt cho Thiên trụ định vốn "đầy nhạy cảm" đến Cannes lẫn chiếu ở Trung Quốc, cho thấy tầm nhìn rộng mở và những định kiến ngặt nghèo (nếu có) đã thoáng hơn.

Giám đốc LHP Cannes Thierry Fremaux có lý khi nói: "Thật tuyệt khi thức dậy mỗi buổi sớm mai và tìm kiếm những điều mà bạn tin tưởng".

Thông qua phim ảnh ("ngôn ngữ của toàn cầu" như lời chủ tịch ban giám khảo năm nay Steven Spielberg), khán giả luôn tin tưởng những gì nghệ thuật thứ bảy mang đến cho họ: rời rạp chiếu, rời một LHP khổng lồ như Cannes với những suy tư không dứt về thân phận con người và về thời đại, chứ không phải những chuyện như nên mặc đầm gì lên thảm đỏ mới không bị "ném đá" hay tin giật gân là hôm nay ai lại bị mất trộm kim cương.

TRUNG NGHĨA (từ Cannes)

____________

Tin bài liên quan:

Diễn viên phim Cuồng dâm ra mắt tại CannesXuất hiện “Psy giả” tại LHP CannesLHP Cannes lại mất trộm vòng kim cương 2,6 triệu USDNổ súng náo loạn Liên hoan phim Cannes, 2 ngôi sao chạy tìm nơi ẩn nấpTrộm khoắng 1 triệu USD nữ trang tại Liên hoan phim CannesPhó chủ tịch Điện ảnh Trung Quốc mất sạch hành lý tại CannesCannes: thêm nhiều vụ trộm cắp và tấn công mới

khanhngoc-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên