28/01/2013 09:17 GMT+7

Trái tim nghệ sĩ luôn lưu luyến cuộc đời

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Nhạc sĩ lớn Phạm Duy luôn xưng mình là kẻ hát rong.

JLbmxp2s.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Phạm Duy thăm thi sĩ Hoàng Cầm - tác giả của Lá diêu bông, Tình cầm mà ông đã phổ nhạc - trong lần trở về nước năm 2000 - Ảnh: N.Ð.TOÁN

Với một nghệ sĩ sống gần một thế kỷ, chứng kiến muôn vàn đổi thay của con người và thế sự, Phạm Duy khiêm tốn luôn chỉ xưng mình là một kẻ hát rong. Nhưng với biên niên sử âm nhạc VN, đó là một người hát rong tầm thế kỷ.

Tin về việc nhạc sĩ Phạm Duy ra đi có một tác động lạ thường. Dường như nó chạm vào một chiếc nút bấm bí ẩn trong mỗi trái tim con người và từ đó giúp quay ngược về mọi thứ, diễn trình mọi khúc quanh của cuộc đời VN ở bất cứ ai đã từng trải qua.

Phạm Duy là một nhà ảo thuật đại tài, khi ông chọn hình ảnh một bà mẹ, một ánh đèn, một quang gánh, một ông sao... và ông thổi vào đó những sức sống, ghi lại trong tâm tưởng người nghe về một khung trời Việt. Hơn nữa, ông làm người nghe thấy mình gần với đất Việt, hồn Việt và khiến họ yêu tất cả những điều đó như trong trái tim tài hoa của ông đang thổn thức hát lên.

Nhưng phải nói đến sự uyển chuyển của ông qua các chặng đường âm nhạc, bằng khả năng nhạc thuật kỳ tài của ông, mới thấy rằng bản thân ông còn là một giá trị chứng nhân lịch sử độc đáo cho việc bất kỳ nghệ sĩ nào muốn tìm một con đường đi trong sự nghiệp của mình.

Khởi đầu chỉ là một ca sĩ của gánh hát, Phạm Duy bắt đầu những bài hát đầu tiên của mình với âm điệu miền quê Bắc bộ. Nhiều bài hát của ông, như Bà mẹ quê, với nhịp dằn và dồn như một bài đồng dao hoặc Gánh lúa... là sự mô tả tài tình nhịp sống và hơi thở ruộng đồng. Những bài hát mang hình thức sáng tác tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng thâm sâu.

Cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng bởi lối sáng tác của thế hệ tiền chiến, Phạm Duy lại tạo thêm một sự khác biệt khi dựng nên những bản tình ca bất hủ như Thuyền viễn xứ, Bên cầu biên giới, Tiếng đàn tôi... Góp cùng với những tác phẩm lừng danh của Hoàng Quý hay Ðặng Thế Phong, Phạm Duy đã nâng những bố cục và xây dựng chủ đề, phát triển giai điệu lên một tầm mức mới đáng khâm phục.

Thập niên 1960-1970, thời kỳ của nhạc trẻ xuất hiện ở VN. Dù chính ông là người hết sức ngạc nhiên về dòng nhạc này và nhắc đến Lê Hựu Hà - Nguyễn Trung Cang như một ấn tượng độc đáo với mình và âm nhạc Việt, nhạc sĩ Phạm Duy cũng không để mình bị chậm lại so với thế hệ trẻ. Hàng loạt bản nhạc pop ông cho ra đời sau này như Mộng du, Tuổi hồng... đều cũng trở thành những bản nhạc trẻ khó quên.

Ðôi khi, chỉ cần nhìn vào sự nghiệp của ông, người ta có thể chiêm nghiệm thấy những chuyển động trong nhạc Việt và những chặng đường đã qua.

Nói về một người đã mất, người ta hay nói đến những ký ức, nhưng với nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ người ta sẽ còn bàn nhiều về tương lai. Cuộc đời của ông là một ví dụ đầy xao xuyến về trái tim nghệ sĩ luôn lưu luyến cuộc đời, luôn tìm đến những điều mới mẻ và tạo dựng một lối đi khám phá đầy ngẫu hứng.

TUẤN KHANH

* Tin bài liên quan:

Lắng đọng với năm bài hát vang bóng Phạm DuyPhạm Duy mong có thêm nhiều ca khúc được cấp phépNhạc sĩ Phạm Duy giao lưu với sinh viên HuếPhạm Duy - ngày về Hà NộiCon đường tình ta đi: Chưa thật đầy những thăng trầm...Tuổi ngọc

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên