26/03/2009 18:53 GMT+7

Phạm Duy - ngày về Hà Nội

ĐỖ HƯƠNG - VIỆT HOÀI
ĐỖ HƯƠNG - VIỆT HOÀI

TTO - “Tôi thật hạnh phúc bởi sau 60 năm (kể từ 1953) lại được đứng hát giữa lòng thủ đô, trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội” - nhạc sĩ Phạm Duy cảm động trước đêm nhạc Phạm Duy - ngày trở về diễn ra vào 20g ngày 27-3. Lần đầu tiên kể từ ngày trở về định cư và hồi tịch trên quê hương, nhạc sĩ Phạm Duy và âm nhạc của ông có cuộc hội ngộ chính thức với khán giả mộ điệu thủ đô Hà Nội.

uPUGFa5C.jpgPhóng to
Phạm Duy trong ngôi nhà cũ ở phố Hàng Dầu - Ảnh tư liệu

Được trình diễn tại Hà Nội, với Phạm Duy, đó mới là một cuộc trở về thật sự trọn vẹn.

Trở về “vùng ấu thơ”

Trong thiên bút ký Lá rụng về cội ghi lại những lần về thăm quê hương từ năm 2000, nhạc sĩ Phạm Duy đã gọi Hà Nội một cách âu yếm “vùng ấu thơ”:

Hà Nội khi tôi còn bé, là một thành phố có khoảng một hay hai trăm ngàn cư dân, đường sá không bao giờ đông người qua lại, xe cộ chỉ là xe đạp, xe kéo và xe bò. Ban ngày thì còn có chút tiếng động nhưng ban tối thì yên tĩnh hoàn toàn.

Vào năm 2000, sau 50 năm vắng mặt, duyên may run rủi khiến tôi có cơ hội trở về thăm ngôi nhà cũ ở phố Hàng Dầu, ngay cạnh hồ Gươm.

Khi xưa chỉ có 5 mẹ con chúng tôi ở trong căn nhà nhỏ này, bây giờ có tới 5 gia đình sống chung với nhau, nội thất do đó mà thay đổi hoàn toàn. Tôi được nói chuyện thân mật với các chủ nhà, phần nhiều là người tỉnh nhỏ ra Hà Nội sống để trở thành dân Hà thành.

Vùng ấu thơ của tôi còn là ngôi trường Nguyễn Du mà tôi theo học trong 5 năm trời. Từ nhà tôi tới trường chỉ có một khoảng cách là 200m mà thôi…

Về thăm trường cũ, tôi giống như ông Carnot trong sách giáo khoa thư lớp Đồng Ấu, sau vài chục năm, về chơi trường xưa, trong lòng xiết bao cảm động.

Ngồi đây rồi mới thấy tôi đã thực hiện câu hát soạn ra không hẳn là cho mọi người mà là cho chính tôi:

Cho tôi lại nhà trườngBao nhiêu là người thươngKhông ai thù ai oánAi cũng bảo tôi ngoanTôi yêu thầy tôi lắm...”

(Bài Kỷ niệm)

Trở lại Nhà hát lớn Hà Nội

Năm 1953, nhạc sĩ Phạm Duy đã cùng với ban hợp ca Thăng Long - gồm các giọng hát danh tiếng Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung (tức Phạm Đình Chương), Trần Văn Trạch… lần đầu tiên biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội trong đội ngũ đoàn Gió Nam. Chuyến biểu diễn này của đoàn Gió Nam gây tiếng vang rất lớn thời đó, đến giờ vẫn còn được nhiều bậc lão thành ở Hà Nội nhớ và nhắc lại.

Phạm Duy đã kể lại chuyến đi này trong hồi ký của mình:

Bây giờ, ban nhạc mang tên Thăng Long cần phải được đăng ký ở ngay đất Thăng Long. Tôi không thể nào quên được sự nhiệt tình mà người dân Hà Nội đã dành cho ban Thăng Long và các nghệ sĩ khác của đoàn Gió Nam. Vì không mua được vé, nhiều thanh niên - bây giờ đã công thành danh toại cả rồi - phải trèo qua cửa sổ Nhà hát lớn để coi chúng tôi hát.

Vào năm 1953, nghệ thuật ca diễn của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn tất cả những gì dân chúng đã coi trong phạm vi tân nhạc. Lối hát bè và cách trình bày của ban Thăng Long là sự mới lạ vì chưa hề có một ban hợp ca gia đình với các giọng hát quyện vào nhau như vậy tại đất Bắc Hà. Trần Văn Trạch với mớ tóc dài và tác phong trình diễn đi trước phong trào hippy cả mấy chục năm đã đưa địa vị của những anh hề lên rất cao".

Hà Nội với kỷ niệm cùng một giọng ca “vàng ròng”

Một giọng hát qua những tình khúc Phạm Duy đã ảnh hưởng lên cả một thế hệ ca sĩ tân nhạc Việt Nam - đó là ca sĩ Thương Huyền, người sau này được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân với tài năng hát dân ca ở đỉnh cao.

Phạm Duy kể về Thương Huyền: "Tên thật của nàng là Thường. Tôi đặt tên cho nàng một cách rất giản dị, theo lối đánh vần: thương huyền thường. Ban ngày, trên căn gác hẹp của vợ chồng Văn Chung, tôi dạy Thương Huyền hát nhiều bài, trong đó có bài Trào lòng, một bài ca nhờ ở giọng hát ngọt như mía lùi của cô ca sĩ rất đa tình này mà trở thành nổi tiếng.

Chưa đầy một năm, sau khi Thương Huyền hát bài Trào lòng, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tất cả phòng trà ở Hà Nội đều đóng cửa, đa số nghệ sĩ bỏ thành phố ra vùng quê, không còn ai hát bài đó nữa! Sau đó tôi có gặp Thương Huyền ở vùng Thái Nguyên. Khi kháng chiến thành công, trở về một Hà Nội không còn một sinh hoạt phòng trà nào cả, nhưng bà trở thành ca sĩ hát nhạc dân tộc, hát tại Đài Tiếng nói Việt Nam và đi qua Trung Quốc để thu thanh giọng ca của mình vào đĩa hát. Những bài Thương Huyền hát là dân ca như Ru con Nam bộ, Ngồi tựa mạn thuyền...”

Những ca sĩ Hà Nội đầu tiên đến với nhạc Phạm Duy sau năm 1975

Những “ca sĩ Hà Nội” - theo quy ước ca sĩ hoạt động âm nhạc xuất phát từ Hà Nội, thành danh từ Hà Nội và ở Hà Nội là chính - đầu tiên hát nhạc Phạm Duy sau 1975 là Lệ Quyên và Lê Dung. Lệ Quyên đã hát bài Ngậm ngùi trong một chương trình của Thúy Nga Paris với một phong cách hồn nhiên, tươi mát đi cùng giọng hát trong veo. Bản ghi âm này được yêu thích không kém bản đã thành “kinh điển” do một “Lệ” khác hát - nữ ca sĩ Lệ Thu.

Người ghi âm nhạc Phạm Duy nhiều nhất trong giai đoạn mà nhắc tới Phạm Duy vẫn là điều “nhạy cảm” chính là NSND Lê Dung. Những bài hát Phạm Duy mà Lê Dung đã thu đủ cho hơn một album theo chuẩn thông thường. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có một album như thế được phát hành dù ở hải ngoại hay trong nước. Được nghe và yêu thích nhiều trong số này là hai bài Mộ khúc, Nghìn trùng xa cách

Lê Dung cũng có mối quan hệ thân tình với nhạc sĩ Phạm Duy trong nhiều năm, họ đã gặp nhau nhiều lần tại Pháp qua các chuyến biểu diễn của Lê Dung. Phạm Duy ca ngợi Lê Dung “người nữ ca sĩ hạng nhất của Việt Nam”. Khi Lê Dung qua đời năm 2001, ông đã bày tỏ sự thương tiếc của mình “Một năm sau khi gặp nhau trên quê hương, người ca sĩ có giọng hát cao quý nhất Việt Nam qua đời, tôi không biết vì bệnh gì. Chỉ biết thương tiếc diva Việt Nam Lê Dung”.

WKwdavKz.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Phạm Duy trong đêm nhạc Con đường tình ta đi năm 2008 - Ảnh: T.T.D.

Trở về khi quê hương yên bình

“Sẽ có 20 ca khúc được trình diễn - Phạm Duy chia sẻ - Với 3 chủ đề Tình ca kháng chiến, Tình ca quê hương và Tình ca đôi lứa. Cùng với những ca khúc Quê nghèo, Nương chiều, Bà mẹ Gio Linh, Nghìn trùng xa cách, Cỏ hồng, Kiếp nào có nhau, Tình ca, Áo anh sứt chỉ đường tà, Ngày xưa Hoàng Thị, Ngậm ngùi..., sẽ là “nỗi nhớ quê - Hà Nội” của Phạm Duy qua những dòng thơ.

Suy nghĩ thật mộc mạc và cũng là lẽ tự nhiên “chim bay về tổ, lá rụng về cội”, cái khao khát - hay khắc khoải - cuối cùng của tôi là được trở về sống chết ở quê mình. Giờ tôi đã hoàn thành được tâm niệm lớn. Sau đêm nhạc Phạm Duy - Ngày trở về, tôi lại tiếp tục làm “Minh họa Kiều - MHK” - tác phẩm mà tôi xem như là cuối cùng trong cuộc đời làm nhạc.

* Nhân nói đến MHK - một “công trình nhạc” hàn lâm mà bình dị, dù vẫn đang trong thời gian “thi công” nhưng đã được nói đến nhiều ở cả trong và ngoài nước. Lý do để nhạc sĩ giàu công với MHK phải chăng cũng bởi tầm vóc vĩ đại của thi phẩm?

- Tôi chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du bởi thi phẩm này tiêu biểu cho tâm thức Việt Nam. Hiện tôi đang đi vào loại nhạc tâm linh để giã từ loại nhạc thế tục. Tôi còn muốn trung thành với lý tưởng điều hợp xã hội bằng âm nhạc cho nên muốn dùng lời thơ vĩ đại của Tố Như và nét nhạc nhỏ nhoi của tôi làm nơi tự tình cho những ai đã trót xa lìa nhau hơn nửa thế kỷ.

* Cảm xúc của một Phạm Duy tuổi 20 với cảm xúc của một người nhạc sĩ "vạm vỡ", viên mãn trong sự nghiệp - vừa được nhưng cũng là mất?

- Làm gì có chuyện được hay mất? Tôi sống rất bình thường, và không nghĩ rằng mình đã già hay còn trẻ. Làm xong việc gì thì quên ngay việc đó. Lòng tôi rất bình an, dù ai khen hay chê, ai yêu hay ghét, ai hiểu đúng hay hiểu lầm.

* Nguyễn Du đem thuyết "tài mệnh tương đố" làm luận đề cho Truyện Kiều. Sự ra đi và trở về của Phạm Duy có phải ít nhiều cũng bởi cái nỗi “tài hoa” mà nên?

- Tôi không bao giờ dám nói rằng mình có tài và sự đi về của tôi đã bị ảnh hưởng như cụ Nguyễn Du đã nói về nàng Kiều. Tôi ra đi và trở về cũng chẳng có gì là lạ thường. Tôi chỉ là một người VN phải sống trong một thời nhiễu nhương đã qua, bây giờ quê hương đã yên bình thì phải trở về.

ĐỖ HƯƠNG - VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên