15/09/2012 17:10 GMT+7

Sự "sắp đặt" cần dựa trên tiêu chí nhân văn

TRUNG UYÊN thực hiện
TRUNG UYÊN thực hiện

TTO - Liên quan đến xìcăngđan của những chương trình truyền hình thực tế, TTO có cuộc trao đổi với thạc sĩ chuyên ngành văn hóa học, nhà báo Cù Thị Thanh Huyền - giảng viên Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình 2.

PZsUBzWZ.jpgPhóng to
Êkip Giọng hát Việt tại cuộc họp báo ngày 11-9 (từ trái qua: Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, ông Nguyễn Quang Minh, Phương Uyên, Hồ Ngọc Hà và Trần Lập) - Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ

* Về nghivấn một cuộc thi truyền hình thực tế dàn xếpkết quả, một số bạn đọc cho biết họ sốc, thất vọng, mất niềm tin. Liệu sự quan tâm lớn dành cho sự cố này có phải vì truyền hình thực tế còn khá mới với khán giả Việt?

- Người trong giới báo chí thường có câu cửa miệng: cái gì liên quan đến túi tiền, đến trái tim, sự an nguy của độc giả, thì họ quan tâm. Giá xăng tăng, chuyện tội phạm, tai nạn, chuyện người nổi tiếng… là những đề tài báo chí thường không bỏ qua. Và một sự kiện “hot” bao giờ cũng nhận được nhiều phản hồi trong công chúng.

Tôi nghĩ rằng chuyện khán giả bức xúc hoàn toàn không phải vì chưa thích ứng với một phương thức sản xuất mới của truyền hình mà họ bức xúc bởi họ có cảm giác, hay họ đột nhiên phát hiện ra mình bị lừa dối.

Không chỉ trong truyền thông mà trong cuộc sống hằng ngày, nếu rơi vào tình huống bị lừa dối, chúng ta sẽ buồn, thất vọng, mất lòng tin, bức xúc và mình muốn tìm sự thật.

Truyền hình thực tế so với thế giới thì Việt Nam chúng ta là mới, nhưng nó cũng không mới đến độ khiến người xem ngỡ ngàng, chưa kịp thích ứng. Cũng là truyền hình thực tế nhưng “Ngôi nhà mơ ước”, “Lục lạc vàng”, “Vượt lên chính mình”, “Như chia hề có cuộc chia ly”, “Khởi nghiệp”, “Sinh ra từ làng”, “Cầu vồng”... không gây bức xúc.

Ngược lại, không phải là truyền hình thực tế mà sản xuất theo phương thức truyền thống, cũng có khi gây ồn ào vì tính minh bạch, xác thực, sự công bằng mà Đường lên đỉnh Olympia” là một ví dụ.

Vậy nguồn cơn của nỗi bức xúc của công chúng chính là chuyện thiếu minh bạch chứ không phải vì đó là truyền hình thực tế hay vì chương trình sản xuất lần đầu.

i54dZM4n.jpgPhóng to

Thạc sĩ chuyên ngành văn hóa học, nhà báo Cù Thị Thanh Huyền - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Có ý kiến cho rằng truyền hình thực tế dù đề cao tính thực tế thì đó vẫn là thực tế sắp đặt. Bà vui lòng chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

- Đa phần các chương trình truyền hình giải trí chỉ được quyền khai thác hình ảnh những người liên quan khi có sự đồng ý, thỏa thuận (tất nhiên bằng nhiều cách và mức độ chặt chẽ, tính pháp lý cũng khác nhau).

Ví dụ các chương trình quay lén (Hidden cameras), chơi khăm (Hoaxes) ở nước ngoài, sau khi ghi hình, nhà sản xuất phải thỏa thuận với nhân vật trong clip. Nếu không được sự đồng ý của nhân vật thì không thể phát sóng.

"Người làm truyền thông cũng giống người bán hàng. Chúng ta có trách nhiệm phải đáp ứng các nhu cầu của "thượng đế" của mình. Khi "thượng đế" không thỏa mãn, chúng ta phải giải thích, tư vấn cặn kẽ"

Tham gia các chương trình giải trí như The Voice hay Vietnam Idol, bản thân các bên đã chuẩn bị cho mình tâm thế nhất định cho “cuộc chơi”, vì vậy không còn thật sự tự nhiên, thật sự khách quan nữa.

Truyền thông, báo chí nói chung và truyền hình thực tế nói riêng, dù luôn đề cao tính khách quan nhưng lại không bao giờ là hoàn toàn khách quan, không bao giờ có thể thoát ly triệt để những sắp đặt, dàn dựng.

Nhưng tính chất quan trọng nhất của truyền thông nói chung và báo chí nói riêng là tôn trọng hiện thực khách quan. Trong đó, truyền hình thực tế là dạng chương trình có tôn chỉ mục đích là giúp người xem tiếp cận gần nhất với sự thật, thật từ diễn biến đến cảm xúc. Vậy nên người ta trông đợi, tin tưởng vào truyền hình thực tế nhiều. Mà càng tin tưởng, trông đợi thì khi có sự cố sẽ thất vọng, bức xúc càng lớn.

Tất nhiên, vẫn phải có tiêu chí để sự sắp đặt đi đúng hướng. Tiêu chí ấy với tôi là tính nhân văn. Nhân văn trong từng sự chọn lựa chi tiết, từng cú máy, từng khung hình, cỡ cảnh; nhân văn trong kết cấu chương trình, trong mức độ nhận xét, trong sự chăm sóc và cảnh báo đối với thí sinh tham gia dự thi.

* Trong vài ngày qua, mỗi bên liên quan sự việc trong xìcăngđan Giọng hát Việt đều đã có những thể hiện: Cát Tiên Sa họp báo nhưng vẫn chưa trả lời được câu hỏi có dàn xếp kết quả hay không, VTV cho biết lỗi này không thuộc về nội dung mà thuộc về ứng xử phát ngôn. Khán giả vẫn đang nóng lòng biết sự thật.

Theo bà, những hướng giải quyết như vậy liệu đã thật sự thỏa đáng và thể hiện sự tôn trọng đối với công chúng?

- Theo hiểu biết của tôi, mỗi cơ quan báo chí có một tổng biên tập. Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm về tất cả nội dung được phát đi từ “tờ báo” của mình.

Vậy nên, dù chương trình được sản xuất theo kiểu gì, liên kết, phối hợp ra sao, thì tổng biên tập của cơ quan báo chí vẫn là người chịu trách nhiệm về chương trình được phát. Và chỉ có phát ngôn của người đó hay phát ngôn của người phát ngôn do cơ quan báo chí đó cử ra là có giá trị.

Ở đây, VTV đã có người phát ngôn. Ta nên chất vấn đến cùng để tìm thông tin chính thức từ người này. Tôi nghĩ khán giả chỉ cần có một điều thôi, đó là làm rõ nghi vấn. Theo tôi, đó là đòi hỏi chính đáng.

Đứng ở cương vị người từng làm nghề, tôi nghĩ các đài phát thanh truyền hình, các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí nên quan tâm hơn nữa đến các hình thức liên doanh liên kết sản xuất chương trình và hình thức thuê ngoài (outsource). Thực trạng thiếu kiểm soát về nội dung đối với các chương trình liên kết đã diễn ra khá lâu và đã để lại nhiều hệ lụy. Nếu cứ thế này sẽ còn nhiều sự cố tương tự.

* Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phương Uyên đã lũng đoạn Giọng hát Việt?Giọng hát Việt gây thất vọng tràn trềGiọng hát Việt nợ khán giảSự cố Giọng hát Việt chỉ là ứng xử, phát ngôn?

TRUNG UYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên