19/12/2011 08:30 GMT+7

Phim Việt: đừng phân biệt!

 CÁT KHUÊ
 CÁT KHUÊ

TT - Khi những con số khổng lồ về doanh thu phim Việt đang làm nức lòng các nhà đầu tư, sản xuất phim, thì mấy ngày Liên hoan phim quốc gia vừa diễn ra ở Phú Yên cũng chỉ là sự kiện “vừa vừa”!

dMSHsvLx.jpgPhóng to

Lễ ra mắt (tháng 10-2011) phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt - một trong các phim Việt đình đám trong năm và vừa đoạt giải Bông sen bạc - Ảnh: GIA TIẾN

Ðược Nhà nước đứng ra tổ chức, mở rộng cửa đối với bất cứ thành phần làm phim nào không phân biệt phim tư nhân - phim nhà nước, nhưng sự áp đảo về số lượng cũng như chất lượng ở hạng mục phim truyện nhựa của phim tư nhân đã không khỏi làm các nghệ sĩ thuộc biên chế nhà nước băn khoăn, chạnh lòng.

Trong hội thảo “Ðiện ảnh VN: thực trạng và giải pháp” sáng 17-12 quy tụ hầu hết các đại biểu có mặt tại liên hoan phim tham gia, bà Ngô Phương Lan - cục phó phụ trách Cục Ðiện ảnh - kể trong đề dẫn hội thảo: khi Cục Ðiện ảnh gặp ông phó chủ tịch Hiệp hội Ðiện ảnh Mỹ, ông cung cấp một thông tin mà có lẽ ít ai biết được - kể cả những người nhiều kinh nghiệm nhất trong ngành điện ảnh, đó là cách đây 10 năm doanh thu của điện ảnh VN là 2 triệu USD/ năm, nhưng riêng năm 2010 đã tăng thành 26 triệu USD.

Như vậy là trong 10 năm, doanh số điện ảnh tăng gấp 13 lần! Vấn đề là doanh số ấy vào đâu, có tác dụng tái đầu tư hay thúc đẩy điện ảnh VN như thế nào thì chưa có lời giải đáp.

Ðể không chỉ nói mà còn làm, chủ trì buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã đề nghị các đơn vị, các mạnh thường quân cùng nhau góp những đồng tiền đầu tiên cho Quỹ phát triển điện ảnh mà theo lời bộ trưởng, giả sử góp được 1 tỉ đồng đem gửi ngân hàng đã có lãi đến 140 triệu mỗi năm, có thể trao rất nhiều giải thưởng!

Ðúng là việc tìm kiếm khuyến khích tài năng điện ảnh Việt là một phần quan trọng hỗ trợ các nhà làm phim, nhưng câu chuyện đâu đơn giản thế, bởi nếu chỉ tìm và trao giải thưởng thì đây là việc cuối cùng có thể làm khi mọi việc đã xong xuôi.

Vấn đề là phải hỗ trợ điện ảnh, hỗ trợ các nhà làm phim một cách xứng tầm quốc gia, tạo ra một cơ chế cho nhà làm phim được tự do sáng tạo, được đối xử công bằng và được thấy những giá trị đích thực mà điện ảnh mang lại cho đời sống...

Có thể thấy những cuộc “ngồi lại và nhìn lại” của những người làm điện ảnh vẫn chỉ dừng ở việc kể lể nhiều về thực trạng. Các nghệ sĩ nhà nước kêu gọi Nhà nước phải cứu lấy điện ảnh trước sự “bành trướng” của tư nhân khi nhiều người trong số họ làm phim chỉ hướng đến tiền, hướng đến mục đích thương mại.

Ðại diện cho khối tư nhân, bà Ðinh Thanh Hương - Công ty Thiên Ngân - đã kể về những khó khăn mà điện ảnh tư nhân gặp phải, kêu gọi Nhà nước phải có những ưu đãi đặc biệt hơn cho hoạt động sản xuất phim, công bằng hơn giữa tư nhân và Nhà nước và về vấn đề kiểm duyệt cũng cần rõ ràng hơn trong tiêu chí đánh giá...

Ở khâu kiểm duyệt, bà Hương còn đưa ra chi tiết: phim Mỹ bây giờ hầu như sẽ chỉ in bản in số, mà phòng chiếu của ban kiểm duyệt không cập nhật thiết bị này thì rất khó cho nhà phát hành khi nhập phim!

Vậy là Nhà nước kêu khổ, tư nhân kêu khó. Ai cũng thấy mình thiệt thòi. Và có lẽ bài phát biểu của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm tại liên hoan phim là câu hỏi mở cho một “hội thảo” bất tận, khi ông hùng hồn với hàng loạt câu hỏi tại sao không (?) được đặt ra. Ðể rồi kết luận với một câu tại sao không to tướng: Tôi mong rằng đến Liên hoan phim 18 không còn có sự phân biệt của phim tư nhân - nhà nước mà chỉ còn hai chữ thôi: phim Việt! Tại sao không?

Đêm khai mạc liên hoan phim cho tôi nhiều cảm xúc!Khai mạc liên hoan phim lần 17Không có Bông sen vàng cho phim truyện nhựaPhim Việt: ai sẽ bơi ra biển lớn?

 CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên